Thiên kiến nhận thức (Cognitive bias) – một nhánh của bias – là lỗi tư duy logic, là hệ niềm tin được xây dựng và củng cố qua cách lặp đi lặp lại một vấn đề.
Thiên kiến nhận thức là một lối suy nghĩ sai sót có tính hệ thống do ảnh hưởng từ môi trường, xã hội, giáo dục.
Thiên kiến nhận thức gây nhiễu quá trình tư duy, phản hồi và xét đoán dẫn đến việc đưa ra quyết định, nhận định sai lệch. Khi bạn nhận biết được những thiên kiến nhận thức thường gặp, bạn sẽ dễ dàng khắc phục, có cái nhìn đa chiều hơn và cải thiện tư duy phản biện.
Nguyên nhân tạo ra thiên kiến nhận thức bao gồm:
- Cảm xúc
- Động cơ cá nhân
- Giới hạn về khả năng xử lý thông tin
- Áp lực xã hội
Dưới đây là 15 thiên kiến nhận thức thường gặp:
1. The sunk cost fallacy – Nguỵ biện về chi phí chìm
Bạn đầu tư quá nhiều thời gian, công sức vào một việc gì đó nên bạn thấy nó phải đúng, kể cả khi có gì đó “sai sai” thì bạn vẫn không muốn từ bỏ. Tương tự, khi nhìn vào hành trình nỗ lực của một cá nhân, tập thể nào đó, bạn không thể đánh giá theo tư duy logic được mà sẽ ít nhiều thiên vị.
2. Confirmation bias – Thiên kiến xác nhận
Bạn đã có ý kiến, suy nghĩ riêng và bạn có xu hướng tra cứu, dung nạp những thông tin củng cố cho quan điểm của bạn. Điều này xuất phát từ tâm lý muốn mọi chuyện được giải quyết nhanh, dễ, theo ý mình.
Ví dụ: theo bạn, đàn ông nấu ăn ngon hơn phụ nữ, mỗi lần gặp người đàn ông nào nấu ăn ngon, bạn sẽ cho rằng đây là minh chứng cho quan điểm của bạn và dễ dàng bỏ qua các yếu tố khác như: anh ấy là đầu bếp,…
3. Halo effect – Hiệu ứng lan toả
Ấn tượng chung của bạn về một điều gì đó dẫn đến việc bạn đưa ra nhận định, quyết định sai.
Ví dụ: khi bạn thích một diễn viên nào đó, bạn đồng thời cho rằng họ chung thủy, đạo đức tốt, giỏi thể thao,… Trong khi, thực tế, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, giỏi một thứ không có nghĩa là giỏi hết mọi thứ.
4. The spotlight effect – Hiệu ứng trung tâm
Bạn phản ứng thái quá khi có sự việc/sự cố xảy ra vì nghĩ mọi người xung quanh đều đang chú ý theo dõi bạn, trong khi sự thực là người ta còn không biết bạn là ai.
5. Optimism bias – Xu hướng lạc quan
Bạn thích một điều gì đó rồi thì bạn lạc quan quá mức, đánh giá cao những thuận lợi và bỏ qua hết những rủi ro có thể xảy ra. Thiên kiến lạc quan dễ làm cho bạn đưa ra những phán đoán hay quyết định sai lầm, không sát thực tế vì lúc này, bạn không nhìn thấy hết sự gập ghềnh của cả một hành trình.
Ví dụ: bạn nghĩ là mình có thể tiêu hết lương của tháng này ngay hôm nay vì sẽ không có chuyện gì khẩn cấp khiến bạn phải cần nhiều tiền.
6. Pessimism bias – Xu hướng tiêu cực
Ngược lại với xu hướng lạc quan, xu hướng tiêu cực đánh giá cao những rủi ro, chông gai có thể xảy đến. Điều này khiến bạn không dám thử thách những điều mới, lo ngại những điều khác lạ, không an toàn.
Ví dụ: bạn không dám nghỉ việc dù cho mỗi ngày đi làm là một ngày chán chường vì bạn quá lo lắng về hành trình tìm việc làm mới mà không đánh giá đúng nhu cầu thị trường, năng lực bản thân.
7. Logical fallacy – Nguỵ biện trong lập luận:
Để giành phần thắng, bạn đưa ra loạt lập luận chứng minh cho quan điểm của mình bất chấp nó sai về logic. Bạn vô tình hay cố tình vi phạm các quy tắc lập luận nhằm biến sai thành đúng. Thiên kiến này có thể xuất phát từ tính háo thắng hoặc thói quen nói chuyện, ảnh hưởng từ truyền thông,…
Ví dụ thường thấy nhất là ngụy biện bằng cách công kích cá nhân.
8. Groupthink – Tư duy nhóm
Tư duy nhóm trở thành tư duy của tất cả. Người trong nhóm dễ bị cuốn theo chiều gió, nghe theo số đông. Khi một nhóm mắc thiên kiến nhận thức này thì dễ đưa ra quyết định sai hoặc thiếu sáng tạo.
9. Anchoring bias – Hiệu ứng mỏ neo
Bạn tiếp nhận thông tin đầu tiên và lấy đó làm cái mỏ neo để lập luận và đưa ra quyết định. Nhưng thực ra thông tin đầu tiên chỉ là một thông tin, còn rất nhiều thông tin khác mà bạn cần tra cứu, từ đó mới phân tích, đánh giá.
10. Attribution bias – Chụp mũ:
Điều bạn thấy chỉ là tảng băng nổi. Thiên kiến này thể hiện qua việc bạn chỉ chú ý đến một số thứ bạn muốn thấy và phớt lờ những thứ khác.
Ví dụ: khi đưa ra quyết định mua xe, bạn chú ý đến hình thức bên ngoài mà bỏ qua các yếu tố an toàn hoặc tiết kiệm xăng.
11. Self-serving bias – Thiên kiến vị kỷ
Bạn thấy các hành động của mình là tốt đẹp, hoặc diễn giải các sự việc theo hướng có lợi cho bản thân. Khi kết quả tốt đẹp, bạn cho rằng đó là nhờ nỗ lực hoặc năng lực của bạn. Còn khi kết quả không như ý muốn, bạn lại đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài.
12. Stereotyping – Thiên kiến khuôn mẫu
Đây là khuynh hướng ghi nhận thành viên của một nhóm xã hội có những đặc điểm nhất định (ngoại hình, tính cách, sở thích,…). Những đặc điểm này thường chung chung và không có thống kê chính xác.
Ví dụ: cứ người sống ở thành phố là giàu, người ở tỉnh lên là nghèo.
13. Misinformation effect – Hiệu ứng sai lệch thông tin
Nhận định, trí nhớ của bạn bị can thiệp bởi thông tin sau sự kiện đó dẫn đến việc bạn đưa ra quyết định, câu trả lời không chính xác.
Ví dụ: khi bạn bị mất đồ, bạn được hỏi là món đồ đó có để trong tủ không. Thay vì nhớ về lần cuối nhìn thấy món đồ đó, não bộ của bạn lại móc nối “món đồ” và “tủ” khiến bạn bị “nhiễu” thông tin và có thể trả lời sai.
14. Empathy gap – Khoảng cách thấu cảm
Bạn ở trạng thái tâm lý này không hiểu một người đang ở trạng thái tâm lý khác. Do đó, bạn đưa ra quyết định thỏa mãn cảm xúc của bản thân. Ví dụ: bạn đang nóng giận và bạn không hiểu tại sao đối phương lại bình tĩnh đến thế. Từ đó, bạn cho rằng đối phương là người vô tâm
15. Framing effect – Hiệu ứng đóng khung
Bạn có xu hướng bị ảnh hưởng bởi cách thông tin được trình bày thay vì bản chất của thông tin đó. Cùng một thông tin, cách diễn đạt khác nhau có thể khiến cách tiếp nhận trở nên khác nhau. Ví dụ: một chiếc áo 999k, khi được giới thiệu “Chỉ 999k” sẽ khiến bạn có cảm giác chiếc áo bạn được “hời” khi mua nó.
Cách khắc phục thiên kiến nhận thức
Việc nhận biết và rèn luyện có thể làm giảm thiên kiến nhận thức trong cách bạn lập luận.
- Nhận thức được thiên kiến: Hãy bắt đầu bằng việc xem xét ảnh hưởng của thiên kiến đến suy nghĩ và quyết định của bạn. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cung cấp phản hồi và thông tin giúp người tham gia hiểu được những thiên kiến này và cách chúng ảnh hưởng đến quyết định của họ. Kết quả chỉ ra rằng loại hình đào tạo này có thể làm giảm tác động của sự thiên lệch nhận thức đến 29%.
- Xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của bạn: Trước khi chính thức đưa ra quyết định, hãy cân nhắc xem bạn đang quá tích cực, tiêu cực hoặc nghĩ về lợi ích cá nhân hay không? Sau khi xem xét hết các khía cạnh, bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn.
- Đối mặt với thiên kiến của bạn: Nếu bạn nhận thấy có những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của mình, hãy tập trung tìm hiểu nó. Những yếu tố bạn đã bỏ qua là gì? Bạn có đang thiên vị một số yếu tố nhất định? Bạn có đang bỏ qua thông tin liên quan vì nó không hỗ trợ quan điểm của bạn? Suy nghĩ về những điều này và đối mặt với thiên kiến nhận thức có thể khiến bạn trở thành một người có tư duy phản biện tốt hơn.