Dám bị ghét & dám được thích – Hồi xưa lúc brainstorm 1 campaign ở công ty cũ, mình có “dịch ngựa” chữ ‘’Do” trong tiếng Anh thành “Dám”, ví dụ như “Do Love” sẽ là “Dám Yêu”. Vì với mình, suy cho cùng, chỉ cần “dám” thì “làm”, còn được hay không tính sau.
Dám bị ghét
Có hẳn một quyển sách tên “Dám bị ghét”, mình chưa đọc mà tinh thần “dám bị ghét” đã nhen nhóm rồi hừng hực từ khi còn bé. Hồi cấp 2 đã bị nhiều bạn học ghét. Học giỏi trường làng, tự tin vì học giỏi, tính cách thì đanh đá, hổ báo, đứa nào ăn hiếp là cầm thước gỗ tới hỏi luôn mày muốn làm gì tao, đứa nào lập hội anti thì kệ bà nó, chẳng thèm nhìn mặt. Lên cấp 3 rồi đại học, rụt rè hơn nhưng vẫn không ngại không sợ khi khác biệt đám đông.
Đến lúc đi làm thì có nhiều năm lầm lũi, chỉ biết làm việc của mình, chẳng giao du hay đụng chạm gì ai, kể cả người trong team mà không tiếp xúc công việc thì mình cũng chả có nhu cầu tương tác, thăm hỏi. Đó cũng là một điểm để bị ghét. Có rất nhiều lý do để người khác ghét mình, có thể vì mình xấu tính, ngu ngốc, làm việc không tốt, phong cách ăn mặc khác họ, hoặc có thể vì mình giỏi hơn, tốt hơn và quan trọng là mình không quan tâm đến họ.
Đại loại là có 2 nguồn gốc để một người bị ghét: đó là chính họ và người ghét họ. Tức là nếu ta bị ghét có thể vì ta có điều gì đó khiến đối phương ghét. Hoặc đơn giản hơn, vì họ có ý ghét ta. Thực ra, cả hai đều không quan trọng.
Mình không biết từ lúc nào mà mình cảm thấy việc người khác ghét mình là điều rất bình thường. Nó bắt đầu từ việc chấp nhận rằng thế giới này đa dạng và phức tạp vô cùng, mỗi người 10 ý chứ không phải 9 người 10 ý nữa. Bất cứ hành động nào của mình cũng có thể tạo ra cảm xúc cho người khác, cảm xúc đó có thể là thích, có thể là ghét, tỷ lệ là 50:50 hoặc chênh lệch tùy đối tượng, không đo đếm được.
Sau đó, việc mình dám bị ghét còn được củng cố bởi cái nết “mặc kệ đời” của mình, đó là kiểu “không quan tâm cả thế giới nghĩ gì. Cái này chắc khả năng thiên bẩm, đẻ ra đã có cái nết này nên không mất công sức rèn luyện.
Tuy nhiên, có 1 lý thuyết mà mình thấy nhiều người khuyên rồi, đó là “người ta ghét mình vì họ cảm thấy thua kém mình, mình nên thấy tội nghiệp họ”. Điểm này thì mình thấy không đúng và mình cũng không cần cái suy nghĩ là mình giỏi hơn, cao hơn, tốt hơn người khác để vượt qua cái cảm giác bị người ta ghét. Sống như vậy mệt mỏi và căng thẳng quá.
Dám được thích
So với “bị ghét” thì “được thích” có nhiều áp lực hơn. Cuộc đời đi học, đi làm, đi chơi, mình được rất nhiều người yêu thích. Mình biết điều này vì chính họ bày tỏ, đừng hỏi lại mình là người ta nói thật hay không, mình không biết. Có những bạn học nói thẳng với mình là bạn thích tính mình, thích cái kiểu mình muốn làm gì thì làm. Có đồng nghiệp đến làm quen vì thích cái kiểu yên tĩnh và thỉnh thoảng làm khùng làm điên của mình. Hoặc có bạn đọc blog bảo thích những gì mình viết.
Gần đây, mình nhận được một lá thư tay và một vài dòng nhắn gửi bảo là theo dõi hành trình của mình đã lâu và không chỉ thích, họ bảo ngưỡng mộ mình vì nhiều lý do. Tới đoạn “ngưỡng mộ” thì mình thấy áp lực rồi đó. Người ta ngưỡng mộ gì ở một đứa hâm dở, ngáo ngơ và hay bị nói xấu, chê bai như mình nhỉ? Tất nhiên là họ có lý do chứ, ví dụ như người ta thấy mình làm được cái họ chưa làm được, cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực của mình (dù mình cũng hay ủ rũ), hoặc người ta thấy được những điểm tốt mà ngay cả mình cũng không nhìn ra. Người ta chỉ thích những điều họ nhìn thấy được, còn mặt khuất thì không, đoạn này cũng không cần giải thích với họ là thực ra mình không như thế này thế nọ, vô nghĩa. Giống như việc bị ghét, việc được thích đến một cách ta không thể kiểm soát được và không ngờ được.
Mình thấy người ta nói rất nhiều về chuyện “nếu 1 người ghét mình thì có thể do họ, còn nhiều người ghét mình thì do mình”, rồi còn “sống làm sao để nhiều người thương”. Với mình, chỉ cần sống chân thành, tử tế, chuyện còn lại thì không cần đặt nặng. Người khác có thể thích, có thể ghét mình, chỉ cần mình sống đàng hoàng, đừng làm hại ai, giúp được ai thì giúp là tốt rồi.