Nói gì khi gặp bác sĩ khám và điều trị trầm cảm? – Một bài dịch kết hợp kinh nghiệm cá nhân.
Trầm cảm dường như đã trở nên phổ biến đến mức… chúng ta có thể tự chẩn đoán cho mình dựa trên những biểu hiện thường thấy. Tuy nhiên, việc đến bệnh viện, gặp bác sĩ để khám và điều trị trầm cảm mang một ý nghĩa khác và thực sự là một thử thách.
Rào cản đầu tiên đến từ việc chúng ta không hoàn toàn muốn cải thiện cuộc sống của mình. Hiểu tình hình và muốn thay đổi là 2 chuyện khác nhau. Đó là lý do mà có rất nhiều bài viết, video về cách vượt qua trầm cảm nhưng nó không thể tác động đến chúng ta, đơn giản vì không phải ai cũng đủ mạnh mẽ, đủ quyết tâm để viết một câu chuyện mới. Nhấn chìm bản thân trong đau khổ và tuyệt vọng đôi khi dễ dàng hơn là vượt qua nó, mình không nói điều này đúng với tất cả nhé.
Rào cản thứ hai đến từ việc chúng ta không biết nhiều về các cơ sở điều trị trầm cảm và cảm thấy khó mở lời khi nhắc về nó. Lưu ý là không có khái niệm “bác sĩ tâm lý”. “Psychologist” là nhà tâm lý, chuyên gia tâm lý, còn “Psychiatrist” là bác sĩ tâm thần. Chuyên gia tâm lý quan sát, trò chuyện và tìm cách cái thiện thể trạng và cảm xúc của khách hàng (mình tạm gọi thế vì chưa tìm ra từ chính xác hơn) nhưng không kê toa. Bác sĩ tâm thần là người thực hành y khoa và có thể can thiệp bằng việc kê toa.
Chúng ta thường tránh dùng từ “tâm thần” vì nghe nó nặng nề, tiêu cực, nhưng từ bây giờ, hãy bình thường hóa nó, vì sức khỏe tinh thần cần được xem trọng và chăm sóc tương tự như sức khỏe thể chất. Cả 2 cùng khỏe thì chúng ta mới khỏe.
Nội dung bên dưới là bài dịch từ Verywellmind kết hợp với kinh nghiệm điều trị của bản thân. Bài viết gốc bằng tiếng Anh ở đây.
Khám và điều trị trầm cảm, bắt đầu như thế nào?
Nếu bạn muốn sử dụng bảo hiểm y tế thì bạn phải đến khám ở các bệnh viện đúng tuyến trước (bệnh viện quận/huyện, trạm y tế phường/xã) sau đó yêu cầu bác sĩ cho bạn được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa.
Hầu hết các tỉnh ở Việt Nam đều có bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Ngoài ra, bạn có thể khám ở Khoa Nội thần kinh/khoa Tâm thần ở một số bệnh viện lớn. Với mình thì việc khám ở bệnh viện tâm thần là lựa chọn tốt hơn vì: các bác sĩ dường như nhanh chóng hiểu vấn đề của bạn hơn, dành nhiều thời gian để nói chuyện để tìm ra lý do đằng sau. Trong khi đó, bác sĩ ở chuyên khoa trong 1 bệnh viện lại tập trung tìm hiểu những nguyên nhân và biểu hiện bao quát hơn. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất, thay đổi nội tiết tố, tình trạng tuyến giáp, hội chứng cổ vai gáy, áp lực công việc, tác dụng phụ của các thuốc khác,… sẽ được cân nhắc là những nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn cảm xúc và dẫn đến bạn cảm thấy mình mắc trầm cảm. )Như đã nói thì đây chỉ là trải nghiệm cá nhân của mình.)
Quy trình khám trầm cảm thông thường là: 1. gặp bác sĩ, chia sẻ về vấn đề của mình 2. bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết: phổ biến nhất là đo điện não và làm trắc nghiệm tâm lý, ngoài ra còn có thể đo lưu huyết não hoặc chụp cộng hưởng từ, tùy vào tình trạng của bạn 3. kết luận dựa trên kết quả 4. tư vấn & kê toa.
Chi phí thăm khám và xét nghiệm ở các bệnh viện tâm thần rất rẻ, kể cả khi bạn không có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thuốc điều trị thường khá đắt. Đặc thù thuốc thần kinh kê toa chỉ mua được ở các bệnh viện mà bạn khám, đem toa đi mua ở tỉnh thành khác rất khó. Vì thế, nếu bạn là người hay di chuyển thì khi bác sĩ kê toa, hãy nhờ họ viết các tên thuốc có thể thay thế.
Sơ lược qua quá trình thăm khám trầm cảm là như thế,
Giờ thì chúng ta sẽ nói gì với bác sĩ đây?
Bắt đầu từ việc nói ra cảm xúc của bạn
Việc bày tỏ và mô tả cảm xúc không phải điều dễ dàng với người trầm cảm. Song, nếu bạn đã đi đến bước gặp bác sĩ thì có lẽ bạn đã sẵn sàng.
Khi bác sĩ hỏi về trạng thái tinh thần của bạn, hãy nói bất kỳ điều gì bạn nghĩ đến. Ví dụ như bạn cảm thấy xa lạ với bản thân, cảm thấy u uất, đau buồn, không kiểm soát được cảm xúc và bạn tin rằng bạn đang bị trầm cảm. Hãy nói ra bất cứ lo lắng nào của bạn.
Bạn không nhất thiết phải nghiên cứu về trầm cảm trước khi gặp bác sĩ. Tuy nhiên, đọc qua các triệu chứng phổ biến của trầm cảm có thể giúp bạn diễn đạt thành lời những gì bạn đã trải qua, như vậy việc nói chuyện với bác sĩ cũng trở nên dễ dàng hơn.
Bạn có thể chia sẻ những cảm giác thực sự của mình như:
“Tôi thiếu động lực để gặp gỡ bạn bè hoặc rời khỏi nhà.”
“Tôi không thấy giá trị của bản thân và cảm giác đó sẽ không biến mất.”
“Tôi từng có ý nghĩ tự tử và chúng khiến tôi sợ hãi, thậm chí có lúc tôi còn không sợ hãi với ý định đó.”
Mang theo nhật ký
Hãy thử viết nhật ký hoặc note trong điện thoại về các triệu chứng của bạn, thời điểm bạn gặp phải chúng, chúng kéo dài bao lâu, điều gì có vẻ giúp giảm bớt chúng (nếu có) và bất kỳ yếu tố gây căng thẳng hoặc tác nhân nào mà bạn cảm thấy đang tác động đến cuộc sống của mình. Khi đến gặp bác sĩ, hãy mang theo nó. Điều quan trọng nhất là truyền đạt những gì đang diễn ra với bác sĩ và việc tham khảo các ghi chú có thể giúp bạn làm được điều đó.
Đừng tô vẽ, cũng đừng né tránh khi nói về cảm xúc của mình
Điều quan trọng là phải thẳng thắn về các triệu chứng của bạn. Đừng bỏ qua hoặc giảm thiểu những gì bạn đã trải qua, cũng đừng nói quá lên. Ngay cả những triệu chứng trầm cảm nhẹ cũng có thể làm gián đoạn cuộc sống của bạn và thường có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu không được điều trị.
Bạn có thể nói điều gì đó chẳng hạn như:
“Tôi cảm thấy vô vọng trong vài tuần qua.”
“Lúc nào tôi cũng cảm thấy buồn và mệt mỏi.”
“Các triệu chứng khiến tôi khó có thể hoạt động bình thường.”
Yêu cầu giới thiệu chuyên gia tâm lý
Mặc dù bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, nhưng bạn nếu bạn nghĩ là mình cần thêm những liệu pháp khác hoặc cần sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, hãy nói điều đó với bác sĩ để nhận được sự tư vấn về chuyên môn.
Yên tâm về những chia sẻ của bạn với bác sĩ
Bạn không cần phải lo lắng về việc bạn bè, gia đình hoặc công ty sẽ phát hiện ra chứng trầm cảm của bạn. Vì Quy tắc về quyền riêng tư của HIPAA (Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế) ngăn bác sĩ tiết lộ thông tin y tế cá nhân mà không có sự cho phép của bạn. Quan trọng hơn, không cần phải mặc cảm về việc mình mắc trầm cảm. Hãy xem nó như một bệnh phổ biến và tập trung cải thiện cuộc sống của mình.
Nếu cần thiết, hãy gặp bác sĩ khác
Bạn hiểu rõ bản thân mình nhất. Nếu bác sĩ bác bỏ những lo lắng của bạn, không thể hiện sự đồng cảm, dường như không lắng nghe và không đặt câu hỏi, bạn nên cân nhắc đến gặp bác sĩ khác, thậm chí là bệnh viện khác để chắc chắn hơn về tình trạng và điều trị đúng hướng.
Quản lý kỳ vọng của bản thân
Điều trị trầm cảm cần thời gian, vì vậy điều quan trọng là phải có những kỳ vọng thực tế. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc chống trầm cảm, có thể mất vài tuần trước khi bạn bắt đầu nhận thấy sự khác biệt trong cảm xúc của mình.
Trị liệu cũng cần có thời gian và bạn có thể cần vài buổi trị liệu trước khi bắt đầu cảm thấy mình đang phát triển các kỹ năng kiểm soát triệu chứng/cảm xúc của mình. Chỉ cần nhớ rằng việc điều trị vẫn đang tiến triển đúng hướng, hãy tiếp tục bước về phía trước.
Bên cạnh việc gặp bác sĩ để điều trị trầm cảm, mình nghĩ việc tự điều trị thông qua chủ động chăm sóc chất lượng cuộc sống của mình là rất quan trọng, thậm chí đóng vai trò quyết định.
Chăm sóc giấc ngủ
Có một mối quan hệ phức tạp giữa giấc ngủ và chứng trầm cảm. Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm. Ngủ kém làm tăng nguy cơ trầm cảm và trầm cảm dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ.
Luyện tập thể dục đều đặn
Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp tăng hiệu quả trong điều trị trầm cảm nhẹ đến trung bình.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Không có chế độ ăn uống cụ thể nào làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, lựa chọn một chế độ ăn uống đa dạng, đủ chất là một điểm khởi đầu tốt.
Tránh xa các nguồn cơn gây căng thẳng
Căng thẳng có thể khiến việc duy trì các thói quen lành mạnh và các chiến lược đối phó trầm cảm trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, trầm cảm cũng có thể khiến bạn khó kiểm soát căng thẳng hơn. Vì vậy, hãy làm quen và áp dụng các kỹ thuật giúp giảm căng thẳng như hít thở sâu, đi dạo, yoga, làm những điều bạn yêu thích như đọc sách, xem phim thư giãn,…
Tóm lại
Mình hiểu là ai cũng cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với bác sĩ về trạng thái tinh thần của mình, nhưng đây là bước quan trọng đầu tiên để cải thiện sức khỏe. Nói với bác sĩ rằng bạn đang cảm thấy suy sụp và bạn nghi ngờ mình có thể bị trầm cảm. Sau đó, bác sĩ sẽ loại trừ hoặc xác định bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào có thể góp phần gây ra các triệu chứng của bạn, đồng thời đề xuất các phương pháp điều trị thích hợp.
Bắt đầu hành trình khám & điều trị trầm cảm này có thể giúp bạn nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết để bạn sống tốt hơn!