Gần một tháng qua, mình rối nùi trong một đống thứ và đã chẳng biết gọi tên nó là gì. Nhân dịp ngâm cứu, đọc và dịch từ nhiều nguồn khác nhau, mình viết về trạng thái cạn kiệt cảm xúc vì tin chắc hẳn rất nhiều người đang gặp phải tình trạng này.
Đầu tiên, như thế nào là cạn kiệt cảm xúc?
Nếu bạn cũng như mình, trải qua một thời gian căng thẳng kéo dài, mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, cùng một lúc chìm đắm trong mớ hỗn loạn công việc, các mối quan hệ, tình cảm thì có thể bạn đang “kiệt quệ cảm xúc”. Nghe có vẻ mơ hồ nhỉ, nhưng biểu hiện của nó khá cụ thể. Từ từ đọc nhé.
Mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, thay đổi khẩu vị, thất vọng, vô vọng, không có động lực để tiếp tục làm việc là biểu hiện chứng tỏ bạn đang kiệt quệ cảm xúc. Bạn cảm thấy không có lối thoát, rơi vào một lòng lẩn quẩn, bế tắc cùng cực. Bạn không biết phải làm gì để thay đổi mọi thứ. Đây có thể là kết quả của một tuần hoặc một tháng tồi tệ.
Khi nào thì bạn cạn kiệt cảm xúc?
Cạn kiệt cảm xúc xảy ra khi bạn cảm thấy choáng ngợp trước những yếu tố tác động trong cuộc sống của bạn. Dù muốn nhưng bạn nghĩ bản thân không đủ khả năng để kiểm soát cuộc sống, không cân bằng được công việc với đời tư, không đáp ứng được các yêu cầu do chính bản thân đặt ra.
Trạng thái kiệt quệ cảm xúc có thể bắt đầu khi bạn đang phải đối mặt với:
- Vấn đề áp lực kinh tế. “Điều gì còn giải quyết được bằng tiền thì còn may mắn” đôi khi chỉ là lý thuyết.
- Đương đầu với nhiều áp lực trong cuộc sống: công việc, học tập, gia đình,…
- Trải qua một sự kiện to lớn: người thân qua đời, chia tay, ly hôn, rớt đại học,…
- Làm việc liên tục hoặc làm việc trong môi trường căng thẳng
- Không giải tỏa được cảm xúc trong một thời gian dài
- Sinh em bé hoặc đang nuôi con
Dấu hiệu bạn đang cạn kiệt cảm xúc
1. Tâm trạng ngày càng suy sụp, bi quan
Tiến sĩ tâm lý Offner nhận định, sự cạn kiệt cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn theo những cách khác nhau. Trạng thái này kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm hoặc lo lắng. Ví dụ đơn giản, việc bạn mất ngủ trong thời gian dài khiến bạn ngày càng mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần và dễ mắc tràm cảm.
Khi sự căng thẳng và cảm giác suy kiệt vượt quá khả năng chịu đựng của bạn, tâm trạng của bạn sẽ càng tồi tệ hơn và bạn trở nên cáu kỉnh với mọi thứ xung quanh.
2. Cảm thấy tê liệt về mặt cảm xúc
Tức là bạn cảm thấy mất kết nối với mọi thứ, không vui không buồn, không cảm xúc.
3. Không còn động lực
Bạn mất đi nhiệt tình với công việc, không còn hào hứng trong các mối quan hệ, không thiết tha với những dự án mà bạn từng đặt nhiều tâm huyết. Nguồn năng lượng dự trữ của bạn đang bị cạn kiệt.
4. Bỗng dưng muốn… thất bại
Bế tắc, bất lực, vô vọng, không còn gì để mất. Bạn cũng có thể cảm thấy sợ hãi, nhưng bạn cảm thấy dù có nỗ lực cũng không làm tình huống tốt lên được, bạn nản lòng và buông xuôi.
5. Thật sự rất rất rất mệt
Bạn cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc sống của mình. Điều này khiến bạn mệt mỏi về mặt thể chất, năng lượng giảm đáng kể và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
6. Không thể tập trung
Hội chứng “Sương mù não” khá phổ biến ở những người bị kiệt sức về cảm xúc. Bạn hay quên, mất tập trung, thiếu sáng tạo, hay nhầm lẫn.
Sự kiệt sức có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng nhận thức của bạn và bạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung sự chú ý, lập kế hoạch hoặc ghi nhớ mọi thứ.
7. Tự cô lập bản thân
Thật sự là bạn chẳng muốn đối diện với công việc, bạn bè, người thân gì cả. Điều này dễ gặp phải ở những người đang áp lực vì nghiên cứu hoặc vừa trải qua cuộc ly hôn căng thẳng, hoặc đang chăm sóc người thân ốm đau.
8. Thay đổi về thể chất
Cụ thể, bạn đau đầu, nhịp tim nhanh, thay đổi khẩu vị, tăng hoặc giảm cân bất thường, gặp vấn đề tiêu hóa. Bạn gặp khó khăn để chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ mỗi đêm, sau đó, bạn lại ngủ quên vào sáng hôm sau.
9. Chính sự cáu gắt đang làm tổn thương những mối quan hệ
Một vài người rất muốn giúp đỡ bạn, nhưng sự chán nản, tiêu cực, rút lui, thậm chí từ chối thẳng thừng của bạn có thể khiến họ nản lòng.
Nếu hiệu suất công việc hoặc các mối quan hệ thân thiết của bạn đang bị ảnh hưởng do căng thẳng, có lẽ bạn nên dành thời gian để tìm kiếm phương pháp trị liệu.
Sau khi kiểm tra, nếu trải qua những dấu hiệu trên thì chắc rồi, bạn đang rơi vào trạng thái cạn kiệt cảm xúc. Tất nhiên, điều này không tốt một chút nào, nhưng nhận ra vấn đề của mình tức là bạn hoàn toàn có thể cải thiện nó.
Trước tiên, bạn nên kiểm tra nguyên nhân gốc rễ của sự quá tải và mệt mỏi của bạn để điều chỉnh, chữa lành. Về các phương pháp cụ thể, mình sẽ viết tiếp trong bài viết sau nhé!
Nguồn:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/323441