Để trả lời cho câu hỏi “Quyền lực mềm (soft power) là gì?” và đưa ra các ví dụ cụ thể về quyền lực mềm, mình dịch 1 bài trên Master Class kết hợp thêm thông tin từ nguồn khác. Mọi người xem bài gốc tại đây nhé.
Nếu có bất kỳ ý kiến đóng góp/phản hồi nào về bài này, mời mọi người để lại bình luận bên dưới.
Quyền lực mềm là gì?
Joseph S. Nye, Jr., một nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard đã đặt ra khái niệm Quyền lực mềm vào cuối những năm 1980. Các nhà khoa học chính trị sử dụng quyền lực mềm để thảo luận về chính sách đối ngoại và phong cách điều hành của các nhà lãnh đạo chính trị ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Định nghĩa ban đầu của Joseph Nye về quyền lực mềm “là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không phải ép buộc hoặc mua chuộc.” Đến năm 1999, ông đưa ra một khái niệm cụ thể hơn: “Quyền lực mềm là kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hoá và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi hay chế độ do mình định ra để hành xử theo ý tưởng của mình. Quyền lực mềm chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sức thuyết phục của thông tin”.
Sự khác nhau giữa Quyền lực mềm & Quyền lực cứng (Soft Power vs Hard Power)
Trong lĩnh vực chính trị quốc tế, sự khác biệt giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng nằm ở cách họ thể hiện sự ảnh hưởng. Quyền lực mềm dựa vào các đặc điểm hấp dẫn của một quốc gia, như xã hội dân sự, quyền con người và cơ hội thành công cá nhân, thúc đẩy các quốc gia khác muốn đạt được mục tiêu tương tự.
Trong khi đó, quyền lực cứng ép buộc sự tuân thủ thông qua lực lượng quân sự, trừng phạt kinh tế hoặc kiểm soát xuất khẩu để ép buộc những nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia khác phải đồng ý.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một ví dụ về quyền lực cứng dẫn đến sự mở rộng lãnh thổ lớn nhất qua lực lượng kể từ cuối Thế chiến II. Mỹ xâm lược vào Iraq cũng là một ví dụ về quyền lực (sức mạnh) cứng.
5 ví dụ về quyền lực mềm
Nhà khoa học chính trị Joseph Nye cho rằng quyền lực mềm của một quốc gia dựa trên 3 nguồn lực: văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại.
Dưới đây là một số ví dụ về quyền lực mềm mà các quốc gia và các nhà lãnh đạo chính trị đã sử dụng để gây ảnh hưởng lên các mối quan hệ quốc tế:
1. Kinh doanh và thương mại
Quyền lực mềm tập trung vào sức hấp dẫn trong kinh doanh của một quốc gia, sự thành công của nền kinh tế và khả năng đổi mới. Ví dụ, Nhật Bản nắm giữ quyền lực lớn trong kinh doanh vì mức đầu tư cao và có nhiều công ty công nghiệp ô tô và điện tử nổi tiếng toàn cầu.
2. Văn hóa
Đây là sức mạnh của một quốc gia trong việc ảnh hưởng đến các quốc gia khác thông qua sự phong phú về văn hóa, chẳng hạn như nghệ thuật, văn học, âm nhạc hoặc thậm chí là văn hóa đại chúng.
Quyền lực mềm của Mỹ bao gồm các phương tiện truyền thông phổ biến như phim ảnh, âm nhạc và truyền hình. Liên minh châu Âu thu hút những người hâm mộ nghệ thuật, âm nhạc và kiến trúc. Âm nhạc K-pop của Hàn Quốc thu hút người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới với giai điệu hấp dẫn và những màn trình diễn lôi cuốn.
3. Giáo dục
Quyền lực mềm trong giáo dục là khi một quốc gia trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nghiên cứu quốc tế nhờ các tổ chức và học giả chất lượng cao. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế.
4. Quản trị
Quyền lực mềm trong quản trị có nghĩa là tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân, tạo ra một xã hội dân chủ. Ví dụ, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ủng hộ nhân quyền và luật pháp quốc tế.
5. Quan hệ quốc tế và ngoại giao
Sử dụng quyền lực mềm trong các hoạt động đối ngoại giúp đóng góp cho sự phát triển toàn cầu thông qua việc giải quyết các nhiệm vụ công (public affairs), như xung đột quốc tế giữa các siêu cường.
Quyền lực mềm (soft power) có tác động tích cực và có thể đo lường được, nó giúp con người giảm đi những nỗi đau, mất mát. Trong khi đó, quyền lực cứng (hard power) là nguyên nhân gốc rễ của mọi cuộc chiến tranh, kể cả chiến tranh lạnh.
Joseph Nye cho rằng cách tiếp cận hiệu quả nhất đối với chính sách đối ngoại trong thế kỷ 21 là kết hợp giữa quyền lực cứng và mềm, còn được gọi là quyền lực thông minh.
Ví dụ, Trung Quốc đã sử dụng quyền lực thông minh để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Trung Quốc mở rộng quan hệ kinh tế với hầu hết các quốc gia khác (quyền lực mềm) nhưng từ chối dân chủ và tự do bằng cách duy trì hệ thống chính trị độc đảng (quyền lực cứng).