Có người ngồi khóc ở góc nhà

Có người ngồi khóc ở góc nhà – Ai mà không từng khóc trong đời. Mấy chục năm số ít của cuộc đời mình, tôi khóc vô số lần. Có những trận khóc như cơn địa chấn, có những lần khóc vu vơ bé nhỏ.

Khóc té ngã, trầy đầu gối. Khóc điểm kém, mẹ đánh tét mông. Khóc cãi nhau với bạn không lại. Khóc bạn nghỉ chơi. Khóc vui mừng. Khóc buồn tủi. Khóc tức giận. Khóc đau lòng. Khóc ấm ức.

Thuở mười mấy đôi mươi, tôi khóc nhiều nhất vì ấm ức. Mình không như vậy mà người ta nói mình thế này thế nọ. Mình đúng mà người ta nói mình sai. Mình chỉ là mình mà người ta chê bai cười cợt.

Lúc nhỏ, khóc là phải khóc sao cho người lớn thấy, chứ không ai thấy thì khóc làm gì. Đến khi dậy thì, trừ lúc bị đòn roi rõ đau thì khóc ở nhà phải trốn ra sau hè, khóc ở lớp thì gục mặt xuống bàn. Để người ta thấy mình khóc, người ta nghĩ mình yếu đuối, ngại. Lúc mới yêu, khóc phải để người yêu thấy, cho họ biết đường mà làm hòa. Yêu lâu lâu, dặn mình có khóc cũng không để ai thấy, họ lại nghĩ mình không thể sống thiếu họ. Càng lớn, càng biết cách giấu đi những giọt nước mắt. Khóc ít đi hoặc nhiều hơn, nhưng phải khóc một mình.

Thế mới có những ngày cười cười nói nói vỡ cả làng, rồi khép cánh cửa, nước mắt rơi lã chã. Những đêm quá nhiều nỗi buồn, khóc rưng rức nhưng giấu giỏi dữ lắm, người nằm cạnh không tài nào biết được.

Khóc vì mình. Và khóc vì người khác. Mà khóc vì người khác, suy cho cùng cũng là khóc vì mình. Nỗi đau của người ta đôi khi trở thành cảm xúc của mình.

Nhìn một cụ già bán vé số chống gậy, tập tành đeo khẩu trang đi khắp phố phường những ngày thành phố sắp giãn cách, làm sao mà không khóc. Đang chạy xe, thấy cô đi xe đạp chở mớ ve chai, bìa cứng còn to hơn người cô, nước mắt rơi thành dòng. Những ngày dịch bệnh, nhìn người nghèo tràn ra vỉa hè, cái nghèo đói vượt lên trên mọi nỗi sợ, mắt tự dưng đỏ hoe. Chuyện của người ta đâu phải của mình mà khóc. Thì ra sự cơ cực của người khác có thể khiến lòng mình dâng lên một nỗi xốn xang khó tả. Và nỗi xốn xang đó có thể tạm mô tả qua nước mắt.

Có người ngồi khóc ở góc nhà

Nhưng cái sự khóc khiến tôi không muốn trải qua và không muốn thấy nhất, là cái khóc bất lực. Nước mắt rơi vào giây phút biết mình mất đi một người thân mãi mãi là cái khóc bất lực nhất trên đời. Nước mắt lúc đó, nếu có ai đó chịu khó hứng lại chắc cũng đủ thành một dòng sông. Nó nhiều đến mức, đưa tay lau liên tục cũng không nhanh bằng tốc độ nước mắt rơi. Nó còn nhiều đến mức, lúc đó nghĩ rằng, cả đời này không còn nước mắt để khóc thêm một lần nào nữa.

Khóc bất lực cũng ập đến khi biết tin người thân người thương đang trong một hoàn cảnh bi kịch mà mình thì muốn lắm, cố lắm, chẳng thể giúp được gì. Ai có thể làm gì khi người nhà đang phải một mình chống chọi với muôn vàn nỗi sợ hãi trong bệnh viện dã chiến. Ai có thể làm gì khi ruột thịt đang ở khu phong tỏa. Ai có thể làm gì khi nghĩ đến cảnh những người quan trọng nhất cuộc đời mình có thể lắm sẽ lần lượt rời đi, như lá lìa cành, và mình cũng chỉ là một chiếc lá. Không ai biết phải làm gì cả. Dù chưa từng chuẩn bị tâm lý cho bất kỳ sự mất mát nào trong đời hay đã từng trải qua nỗi đau người đi kẻ ở, cũng đều bất lực. Thương yêu đến đâu cũng không thể bên nhau mãi được.

Có người ngồi khóc ở góc nhà, vì bất lực như thế đó. Một người cười có thể làm một nhóm người cùng cười. Một người khóc, những người khác chưa chắc đã khóc theo, nhưng cái sự khóc đôi khi chỉ là một cách biểu lộ của nỗi đau. Không khóc cũng rất đau.

Có người ngồi khóc ở góc nhà, vì bất lực. Có rất nhiều người không thể khóc, nhưng cũng bất lực, đau lòng và tuyệt vọng lắm.

Lúc nhỏ hay dỗ dành nhau “đừng khóc nữa, nín đi, sưng mắt rồi”. Lớn lên, chẳng bảo nhau kiềm nén làm gì những giọt nước mắt. Nếu những giọt nước đã chực trào nơi khóe mắt, hãy tôn trọng nó. Nếu nước mắt nối nước mắt, thì cứ để nó tuôn mà thôi. Khóc nhiều đến đâu cũng có lúc dừng. Nhưng bản chất của cái sự khóc đó, nếu là niềm đau bất lực thì nó còn âm ỉ lâu lắm lâu lắm.

Khóc rất dễ lây truyền. Nhiều khi kiềm chế lắm rồi, mà nhìn người đối diện khóc, tự dưng nước mắt chảy ngon lành. Bên nhau mà khóc, cũng lại là một dạng yêu thương. Vì phải thương thì mới cho nhau nhìn thấy mặt mũi tèm lem, phải quý lắm mới trưng ra giây phút yếu lòng, phải đồng cảm lắm mới yên lặng trước nước mắt. Và phải mạnh mẽ lắm mới có thể khóc trước ai đó khác.

Khóc có lẽ cũng là một dạng đối mặt. Thấu rõ tình huống bi thương. Nhìn thẳng vào những điều mình không thể nắm giữ được mãi mãi. Nhìn mình và nhìn nhau.

Khóc cũng là một dạng cảm xúc phổ biến để biểu thị những bài học. Học quý trọng nhau từng giây từng phút. Học yêu thương dù gần hay xa. Học thể hiện yêu thương dù khó đó, biết chứ.

Những ngày này, rất dễ khóc, khóc cho yêu thương. Và yêu thương thì không có điều khoản loại trừ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *