career path

Ai cũng có “career path”, “career passion” nhưng tôi thì không

Dạo gần đây, tần suất mọi người hỏi tôi “career path của em là gì?” ngày càng nhiều. Trong khi đó, tôi cũng tự vấn để hiểu rõ hơn chính mình, rồi nhận ra sự thật là tôi chưa có career path, ít nhất là ở thời điểm này.

Tôi đi làm chính thức đâu đó khoảng 5 năm, con số tương đối nhỏ so với các anh chị đồng nghiệp vốn đã dày dặn kinh nghiệm. Ở công ty cũ, sếp cũng từng hỏi tôi về career path. Và lần này, ở công ty hiện tại, tôi được hỏi câu này đã hơn chục lần.

Những lần đầu, tôi trả lời qua loa, “em muốn trở thành abc”, “em muốn học thêm xyz”. Nhưng kỳ thực, lòng tôi biết rõ, đó chỉ là những câu trả lời tôi nghĩ ngay lúc đó vì tôi không thể nói, mình chẳng có ý niệm gì về career path.

career path

Career path nói cho dễ hiểu thì là “con đường sự nghiệp”. Sự nghiệp là hành trình dài hạn, bao hàm cả lộ trình công việc lẫn kỹ năng, kiến thức. Nhiều người cho rằng, nếu không xác định được con đường sự nghiệp thì thứ bạn đang làm chỉ là “công việc”, chứ bạn không thực sự xây dựng được “sự nghiệp”.

“Sự nghiệp” có thể phát triển theo chiều ngang lẫn chiều dọc, và bạn cần có kế hoạch cụ thể cho từng năm. Đây chính xác là điều tôi không có.

Sau vài năm đi làm, tôi chẳng có mục tiêu nghề nghiệp nào cụ thể. Tôi không có nhu cầu xây dựng một con đường phát triển dài hạn, không cần 1-2 năm nữa mình phải trở thành Manager, 4 năm nữa thành Senior Manager. Không gì cả. Và khi đi làm mà chẳng có mục tiêu rõ ràng, tôi bị đánh giá là “không có ambitious (khao khát). Tại sao nhiều người vẫn yêu cầu quyết liệt về “career path”“ambitious”? Đó là vì hầu hết nghĩ rằng một người có đam mê và mục tiêu sẽ làm việc tốt hơn với một người không đam mê và không mục tiêu.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng:

  1. Công việc là một phần của cuộc sống. Khi chọn một công việc nào đó để làm ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, tôi chọn công việc đáp ứng các tiêu chí: phù hợp về chuyên môn + ít nhiều có hứng thú + chế độ làm việc hợp lý + lương thưởng, quyền lợi rõ ràng + những thứ mình có thể cống hiến + những thứ mình có thể học hỏi.
  2. Luôn luôn, khi đã nhận bất kỳ công việc nào, tôi sẽ làm với tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình làm việc, sẽ có những thứ xảy ra theo ý mình và có rất nhiều thứ xảy ra không theo ý mình, điều này như mọi thứ trong đời, dù muốn hay không cũng chẳng thể tránh khỏi. Tôi chấp nhận và trải qua nó một cách chuyên nghiệp, rất ít khi phản ứng dữ dội.
  3. Đam mê quan trọng, nhưng thái độ làm việc quan trọng hơn. Sẽ có những người rất đam mê nhưng thiếu chuyên nghiệp. Và ngược lại, có những người tuyệt đối chuyên nghiệp và trách nhiệm.
  4. Đừng áp đặt thước đo của mình lên người khác. Mỗi người có những tiêu chuẩn riêng và hãy nhìn vào kết quả công việc, thay vì dùng ý kiến chủ quan đánh giá nhau.
  5. Có những người có khao khát, tham vọng, đặt mục tiêu thăng chức. Và có những người không có. Đó là cách thế giới này vận hành.
  6. Kể cả khi không đam mê và đặt mục tiêu to lớn, người ta vẫn có thể làm việc tốt và rất tốt. Vì đó là cách họ yêu công việc và yêu cuộc sống.
career path

Tôi không nghĩ có nhiều người đồng ý với quan điểm này của tôi. Thế nên, thỉnh thoảng tôi cũng thấy hơi cô đơn. Sự thật nữa là, những người không đặt mục tiêu to lớn (như tôi) thì ít khi làm ở vị trí lớn (đương nhiên, vì họ tìm thấy niềm vui khác quan trọng hơn) nên tiếng nói của nhóm người như tôi nhỏ bé hơn rất nhiều.

Song, sau tất cả, tôi yêu thái độ và con đường mình lựa chọn. Vì mỗi ngày, tôi vẫn làm việc, hoàn thành nó với kết quả tốt nhất tôi có thể làm. Tôi dùng công việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Tôi cũng yêu và biết ơn công việc, như cách tôi biết ơn từng điều tôi có trong cuộc đời này.

Mong mọi người vẫn luôn hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *