/Always remember you this way/ Người phụ nữ từng ôm tôi vỗ về, dặn dò mấy câu “bạn đi rồi, con cố sống thay phần bạn” đã rời đi vào ngày rằm tháng tư, một ngày thiêng liêng với chúng tôi.
Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ cùng quẫn đến mức nào nếu năm đó không có cái ôm của mợ. Cái ôm mà đến tận bây giờ vẫn tiếp sức cho tôi đi về phía trước.
Mùng 1 Tết năm nay, mợ Bảy diện chiếc áo đỏ, quần tây, mang đôi guốc mộc mạc, vẫn nói mấy câu quen thuộc, dặn tôi sống tốt, sớm kiếm được người yêu thương. Mợ Bảy tần tảo, hiền lành, không hưởng thụ. Mợ Bảy hay khóc, hay than vãn và cả đời dành dụm từng đồng lương phụ hồ để nuôi con.
Thằng Phước vừa đi vừa hát trong đám tang mẹ nó. Mọi người hỏi mẹ mất rồi ai nấu cơm cho con ăn, nó tỉnh rụi “con tự nấu”, vậy mà ai cũng rưng rưng. Bé Chúc nói từ bây giờ tan làm sẽ chạy về nhà, 30km, để nấu cơm cúng mẹ. Nó dặn thằng em, mỗi buổi tối nhớ dành thời gian đọc kinh cầu nguyện cho mẹ. Tụi nhỏ ngồi ở hiên nhà thẫn thờ nhìn cây me, hỏi “mẹ mất rồi, Tết tới ai sẽ làm me ngâm cho cả nhà.”
Tự dưng lúc đó tôi biết ơn thằng Minh, vì có nó đồng hành, tôi mới có thể bay về tiễn mợ. Nếu chỉ có một mình, chắc tôi đã lùi bước. 5 năm, tiễn 3 người thân theo 3 niềm đau đớn khác nhau, tôi nghĩ mình đã kiệt quệ. Người đầu tiên ra đi, tôi chính thức giam giữ bản thân bằng quãng đời u ám. Người thứ hai ra đi, tôi sợ hãi nhiều hơn. Và bây giờ, người thứ ba cũng để lại rất nhiều đau thương.
Hai đứa con của mợ Bảy rơi vào hoàn cảnh đau buồn bậc nhất, mọi thứ trong đời còn chưa kịp bắt đầu thì mẹ đã rời xa. Phía đối diện, nhà hung thủ, ba đứa nhỏ bơ vơ, hoảng loạn khi bố nó giết ba mạng người, trong đó có mẹ nó. Sự ngơ ngác, ngây thơ và tương lai của tụi nó, người ta chỉ biết thương xót, rồi lắc đầu bất lực. Tất cả đều đã trải qua những đêm thức trắng và một cuộc đời bất an ngay lúc này và phía trước.
Tôi đã không dám nghĩ đến những năm tháng phía trước của những đứa trẻ.
Chúng tôi cùng nhau lên mộ. Mỗi năm chúng tôi sẽ lên mộ vài lần vào khoảng 28 Tết, 30 Tết, mùng 1 Tết và trước ngày giỗ Mai. Trong cùng một chuyến, chúng tôi lần lượt thăm viếng từng người thân. Chuyến đi thăm mộ nào mợ Bảy cũng cặm cụi nhổ cỏ, lau chùi, thắp hương. Kể từ nay, mợ không đi cùng chúng tôi nữa. Kể từ nay, trong mỗi chuyến lên mộ, chúng tôi sẽ thăm viếng thêm một người.
Dù đã nghĩ, đã viết, đã chứng kiến nhiều sự ra đi, tôi hiểu không có sự chuẩn bị nào là đủ và có thể giúp chúng ta bớt đau đớn. Chúng ta rồi sẽ vẫn bần thần, vẫn lạc lõng, vẫn tiếc nuối và chuỗi ngày sau đó, tôi biết rằng khó khăn vô cùng.
Ngày tiễn mợ, tôi chạy lên mộ Mai, tôi nói với nó rằng, tao đã về thay mày tiễn mợ chặng đường cuối. Ngày tiễn ba, tôi khóc vì uất ức, rồi đến tận hôm nay, cũng chính tôi chưa tin là ba đã đi rồi. Đã có những lúc tôi tưởng rằng ba vẫn đang ở bệnh viện và tôi chỉ cần đi bộ một lúc là có thể mang canh khổ qua nhồi thịt cho ba. Ngày tiễn Mai, tôi đứng cách nó một đoạn, không hiểu chuyện gì đã xảy ra với tuổi 24 của chúng tôi.
Những cuộc chia ly có thể nhiều nước mắt hoặc không, nhưng sau đó, nỗi đau và nỗi mất mát mới thực sự ngấm dần, càng ngấm càng đau, càng khó vượt qua.
Như trong Manchester by the sea, người ta che đậy vết thương rách toác bằng vẻ ngoài bình thường. Sống tiếp không quá khó, nhưng sống tốt thì khó quá. Không có cái gọi là “hậu mất mát”, mất mát là từ đó trở về sau, cuộc đời của bạn sẽ mãi mãi mất đi một người. Hành trình chữa lành nỗi đau đó là bất tận và vô cùng khó khăn. Nhưng điều tốt đẹp là, ký ức của con người vẫn luôn ở đó trong tâm trí nhau.