Chuyến đi biển vô cực Thái Bình trong thời điểm giao mùa được tóm tắt bằng 3 từ: rực rỡ, mênh mông và bình yên.
Mùa hè nắng gay gắt và hoàng hôn đỏ rực đã khép lại. Mùa thu nắng dịu dàng và gió lãng đãng sắp bắt đầu. Trong tuần giao mùa, mưa gió triền miên, chúng tôi ướt sũng chạy về nhà sau buổi xem phim, định hoãn lại chuyến đi nhưng rồi trong một khắc, cả hai bật dậy, nhét hết quần áo vào ba lô, cột 2 cái ghế gấp sau yên xe, đội nón bảo hiểm Pikachu và lên đường.
Đêm dong xe về biển vô cực Thái Bình
17g30 thứ 6, mưa vừa tạnh sau một ngày tầm tã từ sáng sớm, chúng tôi hoàn thành 3 điều trong to-do-list hôm nay: làm thủ tục xuất viện, xem phim Bên trong vỏ kén vàng và ăn lẩu.
18g đã có mặt ở cầu Vĩnh Tuy, bầu trời phía xa ửng đỏ một chút. Chạy mải miết hơn 100km, đường khá dễ đi. Admin Group Biển vô cực Thái Bình – 1 người địa phương đã cảnh báo chúng tôi không nên đi vì hai ngày tới trời vẫn sẽ mưa. Vậy mà tối nay, chúng tôi thấy bầu trời lấp lánh ánh sao, rất nhiều sao và bắt đầu le lói hy vọng ngày mai sẽ có bình minh.
22g, nhận phòng ở nhà nghỉ Yến Xuân, nhà nghỉ gần biển vô cực Quang Lang nhất. Giá 1 đêm trả phòng trước 8g là 180k, sau mỗi tiếng tính thêm 15k. Tắm táp cho trôi bụi bẩn cũng là lúc cơn đói kéo đến, chúng tôi ăn hết bay con vịt giời hấp mua dọc đường, uống cạn chai nước suối, no nê lên giường đi ngủ lúc 0g với báo thức đặt lúc 3g30 rạng sáng mai.
Ngày 1
Mặt trời lên trên biển vô cực Quang Lang
Vật vã với 1 mớ chuông báo, chúng tôi chính thức dậy lúc 4g15, đánh răng rửa mặt và thay đồ đi ra biển. Chúng tôi lên đường với bộ đồ nghề cơ bản: tripod và 2 cái ghế gấp. Trời tối mịt, men theo con đường nhỏ cạnh nhà máy, chúng tôi ra đến bãi gửi xe rồi lội bộ ra biển.
Thái Bình có 2 biển vô cực: Thụy Xuân và Quang Lang, cách nhau tầm 5km. Biển Thụy Xuân rộng lớn hơn, đông đúc hơn, có xe đưa ra tận nơi (chúng tôi sẽ trải nghiệm vào hôm sau). Biển Quang Lang vắng vẻ, hoang sơ, diện tích cũng nhỏ hơn. Đường ra biển Quang Lang ngắn hơn và trơn trượt hơn.
Đường sình lầy, nền đất mềm rất khó đi, đi chân đất là cách tốt nhất, bạn có thể mang tất để tránh bị đất đá làm đau chân. Chúng tôi dùng đèn flash của điện thoại soi đường và đi theo vài đoàn người khác. Rất nhiều người dân đã dậy từ rất sớm, lội ra biển đào ốc móng tay. Những con ốc sinh sản tự nhiên ở đây rất nhỏ, bằng 1/3 loại ốc tôi thường thấy.
Sau gần 1 tiếng đi bộ, 5g30, mặt trời ló dạng và soi rõ không gian mênh mông xung quanh. Chúng tôi xếp ghế ra ngồi nghỉ mệt và ngắm quang cảnh xung quanh.
Mặt trời nhô thêm từng chút, khung cảnh rực rỡ và sáng bừng lên. Mở ra trước mắt chúng tôi là sự kì vĩ đến ngỡ ngàng của tự nhiên, mặt biển và bầu trời hòa làm một, không còn thấy được đường chân trời nữa. Mây, mặt trời, mặt nước biển, ánh sáng, gió, mọi món quà của thiên nhiên tạo nên một kì quan đẹp sững sờ. Mỗi khoảnh khắc trong suốt 3 tiếng ngắm nhìn biển vô cực đều quý giá. Từng phút trôi qua đều đẹp hơn hàng ngàn bức ảnh tôi đã từng xem.
Mồ hôi trên cánh đồng muối
Sau khi nghỉ ngơi và chuyển về nhà nghỉ Xuân Hương gần biển Thụy Xuân, 15g chúng tôi xuất phát đi thăm ruộng muối và Phủ Bà chúa muối. Trong cuộc viếng thăm đó, chúng tôi vô tình gặp người dân đang làm việc trên ruộng muối và được nghe về sự vất vả của nghề này.
Thay vì lội bộ cả tiếng, chỉ 15 phút sau, xe đưa tất cả đến một không gian biển lớn như sân vận động Mỹ Đình. Trời hôm nay nhiều mây cực, chỉ một vài vệt bình minh đỏ. Không gian 4 bề đều dần chuyển thành vô cực khiến mọi người không ngừng xuýt xoa.
Người làm muối, hay diêm dân, phải cào đất ruộng để cát đen trồi lên bề mặt, và họ sẽ thu hoạch cát đó bỏ vào những thùng phi xanh đặt sẵn ở ruộng. Công việc này tôi thấy giống “đãi cát tìm vàng”, diêm dân tìm hạt muối quý trong những đụn cát cao ngất được lấy từ những đồng ruông bao la.
Sau mỗi trận mưa, mọi người phải ra cào cho ruộng sạch nước. Nếu cào ruộng xong mà trời lại mưa tiếp thì coi như toi công. Nắng trên ruộng muối rất chói chang, nóng hầm hập nhưng cái nắng đó giúp diêm dân thu hoạch được muối tinh. Mọi người đội nón, buộc khăn đầu và che mặt kín mít nhưng tôi vẫn nhìn rõ vết ửng đỏ do cháy nắng trên khuôn mặt của những người lao động vất vả đó.
Chiều tà trên biển Đồng Châu
Chúng tôi chạy thẳng hướng biển Đồng Châu cách ruộng muối khoảng 30km. Gọi là bãi tắm nhưng biển Đồng Châu không có bãi cát, xung quanh có nhiều quán hải sản và khu vui chơi. Biển đánh bắt hải sản nên có rất nhiều chòi ở tạm của ngư dân và thuyền đánh bắt tạo nên khung cảnh độc đáo.
Trước khi đi về, chúng tôi bắt được khoảnh khắc hoàng hôn hiếm hoi.
Ngày 2
Chiếc gương soi khổng lồ ở biển vô cực Thụy Xuân
4g sáng, chuông điện thoại kêu inh ỏi kéo chúng tôi ra khỏi đêm nhậu say khướt. Mang tâm trạng hưng phấn của việc săn biển vô cực quá thành công hôm trước, chúng tôi đi 1 quãng ngắn là đã đến bãi gửi xe của người dân dựng bên đường và mua vé để đi xe tự chế, 60k/ người/ vé khứ hồi 2 chiều. Trải nghiệm ngồi trên con xe độc đáo này quả thực rất thú vị. Bánh xe là bánh máy cày cỡ lớn, nhìn rất giống bánh xe tăng. Thân xe là khung sắt được hàn cắt thủ công như xe lam. Trên xe bố trí 3 hàng ghế và nhiều tay nắm.
Trời vẫn tối đen, con xe hùng hổ nhảy nhót trên sình lầy, tay lái của các anh người bản địa quả thực đáng ngưỡng mộ. Tầm 30 người trên xe hú hét và ngỡ ngàng trước độ chiến của con xe.
Dù có mặt trời hay không, mỗi trải nghiệm đều khác biệt và đáng giá.
Thăm chùa Keo Thái Bình
Trên đường về Hà Nội, chúng tôi ghé chùa Keo – ngôi chùa cổ nổi tiếng của tỉnh Thái Bình và rất gần đền Trần của Nam Định. Chùa làm bằng gỗ, sân vườn rộng, ao nước lớn, khuôn viên cổ kính rất đẹp.
Dọc đường đi, chúng tôi tiếp tục ghé thăm 3 nhà thờ nguy nga khác và kết chuyến Thái Bình bằng việc ghé chùa Bung, cách chùa Keo chỉ vài trăm mét.
Thăm nhà Bá Kiến trong truyện Nam Cao
Chơi chưa đủ đô, hành trình la cà lại xuyên Thái Bình về Hà Nam để ghé nhà Bá Kiến trong truyện “Chí Phèo” của Nam Cao. Ngôi nhà 900m2 giờ chỉ còn vỏn vẹn 1 gian và khoảng sân trước đã xuống cấp, đối diện là các lò cá kho làng Vũ Đại nức tiếng.
Cũng như chuyến Nam Định, chúng tôi tiến về Hà Nội theo đường đê sông Hồng để ngắm nhìn sự trù phú của làng quê Bắc Bộ.
Món ngon dọc đường
Chuyến đi này tụi mình ăn uống thỏa thê và rất hài lòng. Đồ ăn ngon và rẻ, đến cốc cafe dọc đường cũng đậm vị. Mình điểm lại vài món ngon Thái Bình:
Gỏi cá nhệch, gỏi ốc móng tay
Vùng Thái Thụy, Thái Bình có mức sống tương đối bình dân. Xe chở ra biển 60k/2 chiều mà người dân nào cũng bảo đắt. Thế nhưng cá nhệch đặc sản thì 1 triệu/kg.
Sau 1 vòng hỏi thăm người địa phương thì chúng tôi được chỉ đến quán gỏi Chung Vui, quán bán đủ loại gỏi cá, sứa, ốc và chỉ bán mang về. Gỏi ở đây trộn với rất nhiều thính, ăn kèm đủ thứ rau và nước mắm me. Lạ miệng, đáng thử.
Chúng tôi mua 200 gram cá nhệch với giá 200k. Đúng lúc có người dân mang ốc móng tay sang bán cho chủ quán nên chúng tôi mua luôn 100k gỏi ốc móng tay.
Canh cá rô đồng
Quán canh cá ở Thụy Xuân buổi sáng đông đúc, một bát 25k đầy ụ và thơm ngon.
Nhậu bia hơi
Buổi tối, chúng tôi ghé quán Tít ở Thụy Xuân làm bữa nhậu bình dân 5 món và bia lon, bia hơi đủ cả. No say chỉ với hơn 300k, vui quá vui.
Bánh xèo bánh khọt TP Thái Bình
Ở thành phố Thái Bình có quán Hương Xưa bán bánh xèo 40k, bánh khọt 40k cùng trà sâm lạnh 10k. Ngon hơn những quán bánh xèo ở Hà Nội mà tôi từng ăn.
Hải sản chợ Long Biên
Kết thúc chuyến đi Thái Bình bằng bữa hải sản ở quán Hương Lan gần sân bóng bãi Long Biên =)), quán có món mực một nắng nướng muối ớt ngon bá cháy, ngoài ra mình còn gọi thêm nộm sứa và miến cua cùng 2 lon coca.
Hành trình 3 đêm 2 ngày lượn Thái Bình thật nhiều niềm vui. Chuyến đi này đánh dấu 1 năm đồng hành của chúng tôi.
Chúc mừng chúng ta và cùng nhau trải qua trạm kế tiếp nào. ♥️