Sau Hội quán người Hoa ở Huế, lần này mình viết về Hội quán người Hoa ở Hội An với những dấu tích cổ kính, trầm lắng.
Bộ ảnh này vẫn do em Quang Thành của nhóm Journeys in Hue chụp.
Hội An thì đã quá nổi tiếng rồi. Mọi người thường ghé và yêu thích Hội An vì những góc phổ cổ kính, xinh đẹp, dừng chân ở bất cứ góc nào cũng có thể cho ra những tấm ảnh đẹp. Mình đã đến Hội An 3 lần, đã đi bộ, đạp xe len lỏi vào từng góc phố nhỏ vào sáng sớm lẫn đêm muộn, đã ăn uống no nê, nghe nhạc acoustic và ngồi trên thuyền đi dọc dòng sông Hoài. Thế nhưng đi một mình và tự lần mò nên mãi đến sau này, mình mới biết trong các vé tham quan Hội An có cả vé tham quan các Hội quán: 40k/vé 3 điểm và 60k/vé 5 điểm.
Chính vì nằm trong cụm di sản văn hóa thế giới nên các Hội quán người Hoa ở Hội An được tu sửa, giữ gìn chỉn chu hơn. Song, bây giờ các Hội quán chỉ có con cháu của người gốc Hoa trông giữ, đón khách du lịch chứ gần như không còn người Hoa sinh sống.
Lưu ý trước khi đọc tiếp: bài viết rất nhiều ảnh, mọi người hoan hỉ đợi 5 giây để web load ảnh nhé ^^
Đặc biệt lưu ý đến chiếc link đặt phòng Hội An trên Agoda này nhé. Mình từng đặt một chiếc villa (quên tên ahuhu) trên này với giá rẻ bèo, có luôn xe đạp miễn phí, thật là tuyệt.
Phố cổ Hội An trước đây là một thương cảng lớn, trên bến dưới thuyền, là nơi sinh sống và làm ăn của các bộ phận Hoa Kiều. Khi phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại, những người Hán giong buồm xuôi về phương Nam, tìm đến các vùng đất mới để nương náu, làm ăn. Dù đã tạo dựng cuộc sống mới, họ vẫn luôn đau đáu muốn trở về quê hương. Chính vì thế, ở những vùng đất mới, họ vẫn mang theo và giữ gìn nếp sống, văn hóa, tín ngưỡng của mình.
Bên cạnh người Hoa thì còn có người Hẹ nhưng số lượng ít hơn và họ chung sống với nhau. Những Hội quán khác nhau đại diện cho những dân tộc khác nhau. Hội quán là nơi mọi người sinh hoạt hội họp đời sống tín ngưỡng, và là nơi họ liên lạc, giúp đỡ lẫn nhau thể hiện đời sống tinh thần rất đoàn kết. Hội An có 5 Hội quán bao gồm Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Dương Thương, Triều Châu và Tụy Tiên Đường Minh Hương.
Hội Quán Quảng Đông
Người Hoa rất giỏi làm ăn, buôn bán, giao thương trên biển, trọng chữ tín. Vì thế họ thờ Quan Công – nhân vật đại diện cho nhân lễ nghĩa trí tín, đặc biệt là chữ tín và Quảng Đông là quê gốc của Quan Công.
Khi trao đổi tiền bạc, cần người làm chứng hoặc trong quá trình buôn bán, cần vay tiền, hay khi xảy ra tranh cãi, cần phân xử, mọi người sẽ kéo nhau đến hỏi ý Quan Công bằng cách quăng đồng xu 3 lần, nếu sấp-ngửa 2 lần thì tức là Quan Công đồng ý.
Hội quán Dương Thương
Hay còn được biết đến là trường Hoa văn lễ nghĩa – nơi giữ gìn, truyền dạy văn hóa tốt đẹp của người Hoa. Đây là nơi thờ Thiên Hậu Ngũ Bang và sinh hoạt đồng hương của người Hoa ở Việt Nam.
Hội quán Phúc Kiến
Trong các Hội quán cổ thì Phước Kiến là hội quán lớn và được nhiều du khách biết đến nhất. Tương truyền, tiền thân Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu vào năm 1697.
Phúc Kiến là quê bà Thiên Hậu, trong tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu là người cứu giúp người dân ở các vùng lũ lụt. Vì thế khi tiến về Nam, họ mang theo tượng bà Thánh Mẫu và khi đặt chân đến vùng đất ở hạ lưu sông Thu Bồn, họ đặt tên nơi này là Hội An – nơi hội tụ những điều an lành.
Tụy Tiên Đường Minh Hương
Đây là nơi hội họp của người Minh Hương. Tụy Tiên Đường Minh Hương có lối bài trí, kiến trúc đặc trưng của người Hoa: dạng nhà ống, có sân trời, phía trước có 1 bàn dài để mọi người hội họp. Gian trước có điện thờ Quan Công, Thánh Mẫu, gian sau thờ những người có công hoặc các vị thần thánh khác như 6 vị tướng, 12 bà mụ sanh thai, thần tài,…
Hội quán Hải Nam
Hội quán Hải Nam hay còn gọi là Quỳnh Phủ Hội quán đơn sơ, trầm lắng, yên ắng hơn. Hội quán thờ 108 thương nhân người Hoa bị chết oan do quan quân nhà Nguyễn tưởng nhầm là tàu của giặc cướp nên đã nã đại bác bắn chìm thuyền. Sau khi điều tra rõ sự tình, vua Tự Đức sắc phong họ là “Nghĩa Liệt Chiêu ứng”, cho phép xây đền thờ cúng để thờ cúng.
Hội quán Triều Châu
Mang đặc trưng của người Triều Châu, Hội quán này nổi bật về mỹ thuật, kiến trúc. Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, Hội quán tổ chức lễ cúng Nguyên tiêu và giỗ tổ tiền hiền linh đình với sự tham gia của người Hoa gốc Triều Châu ở Hội An và các địa phương lân cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,…
Chúc bạn một hành trình khám phá Hội An vui vẻ!