Bắt trẻ đồng xanh

Bắt trẻ đồng xanh – Vài dòng cảm nhận chết tiệt

Đọc quyển “Bắt trẻ đồng xanh” vào thời điểm tôi không thực sự ổn là một trải nghiệm thú vị hơn tôi tưởng. Không màu mè tô vẽ, J.D.Salinger để thanh niên 17 tuổi Holden Caulfield vùng vẫy, quay cuồng trong mớ suy nghĩ u tối, lạc lõng và phản kháng với thực tế cuộc sống một cách yếu ớt, nhạy cảm và đôi khi chân thành.

Thú thật là tôi đã tưởng “Bắt trẻ đồng xanh” là một quyển nhẹ nhàng, thơ thẩn vì cái bìa xanh và xinh của nó. Thế nhưng từ trang đầu tiên, tác giả đã làm tôi ngạc nhiên và trong suốt quá trình đọc quyển sách này, tôi vừa chán ghét vừa đồng cảm.

Truyện được kể từ ngôi thứ nhất, nhân vật tôi là Holden Caulfield, thanh niên 17 tuổi rớt 4 môn và bị đuổi khỏi trường. Đây không phải lần đầu tiên Holden Caulfield bị đuổi và tất nhiên không có gì đảm bảo đây là lần cuối. Holden Caulfield nhìn cuộc đời và cộng đồng xung quanh cậu với con mắt chán ghét, khinh khỉnh và coi thường mọi thứ. Cậu thông minh, biết cư xử sao cho phù hợp khi cậu thấy cần thiết. Tuy nhiên, bao trùm lên đời sống của cậu là phản ứng cay nghiệt, và hạ thấp mọi quy tắc của xã hội.

Holden Caulfield ghét Pencey – ngôi trường thứ n cậu nghỉ học, cậu bị buộc thôi học tuy nhiên thì cậu chủ động cho điều đó. Cậu ghét Stradlater, Ackley, Maurice và nói thẳng ra, cậu ghét gần như tất cả những người cậu gặp.

“Quý hóa. Đấy là một từ tôi chúa ghét. Bộ tịch. Mỗi khi nghe nó là tôi muốn nôn ngay.”

“Nó lại có một tính tình khủng khiếp. Nó cũng là một thằng hơi chó má nữa. Tôi không mê nó lắm, nói thật với bạn.”

“Ối giời, tôi ghét cái kiểu nói đó bỏ mẹ đi ấy”

“Tôi còn có mụ dì thối mồm này nữa cứ liên tục bảo em nằm đó thật bình yên”.

Duy chỉ có một đối tượng mà Holden Caulfield thực lòng yêu quý: những đứa trẻ, đặc biệt là hai đứa em Allie và Phoebe của cậu. Chính sự hồn nhiên, trong sáng và đáng yêu của Allie và Phoebe đã sưởi ấm và giữ cậu lại với cuộc đời đáng ghét này. Holden Caulfield cũng có thái độ nhẹ nhàng hơn đôi chút với người anh D.B. và ông thầy Antolini, những người mà cậu thực lòng yêu quý.

Link đặt sách tại đây!

Bắt trẻ đồng xanh

Holden Caulfield không phải người xấu, không bạo loạn, cậu chỉ nổi loạn và chán ghét mọi thứ. Không phải cậu chán ghét vì cậu thua kém hay vì cậu không làm được. Holden Caulfield thực chất là một học sinh thông minh, tuy nhiên thì cậu “không bao giờ làm một cái quái gì đáng lẽ phải làm”.

Chính cái sự cô đơn, lạc lõng, nổi loạn và quay cuồng của Holden Caulfield khiến tôi bực bội và đồng cảm ghê gớm, dù cho bối cảnh xã hội khác nhau, nhưng với tôi mà nói, xã hội này cũng chỉ có từng đó thứ, từng đó kiểu người, và tôi phải nói thật là tôi không ưa hầu hết những người tôi gặp, không ưa vì vẻ giả tạo và tự cho mình đúng của họ. Thế nên tôi thấy hả dạ khi Holden Caulfield chửi thầm mọi thứ mọi người với cái vẻ tục tĩu, trần trụi và thô thiển.

“Tôi thấy một chuyện làm tôi điên tiết. Một kẻ nào đã viết trên tường mấy chữ “Đù má”. Nó làm tôi nổi sùng lên được.”

“Ối giời, sao mà tôi ghét ai hét vào tôi cái lời “Chúc may mắn” như thế khi rời một nơi nào. Nghe thật chán chường bỏ mẹ”.

“Nếu bạn có một triệu năm để làm đi nữa, bạn cũng không thể nào chùi sạch dù cho chỉ một nửa số câu “Đù má” trên thế giới. Thật là vô phương.”

Thề, mấy đoạn Holden Caulfield chửi đời nó đúng ý tôi kinh khủng. Tôi ghét ti tỉ thứ trên đời này bỏ mẹ. Ví dụ như mùa thu đông Hà Nội luôn được mọi người bao gồm cả tôi ca ngợi vì dịu dàng, lãng mạn nhưng kỳ thực cái mùa này, kẹt xe gấp đôi bình thường là ít. Cái thành phố cũ kỹ chỉ giả vờ thanh lịch nhưng hở ra là nghe “địt mẹ” khắp bốn phương – họ nghĩ hét to như thế thì người khác sẽ sợ dù thực ra người ta chỉ khinh chứ không sợ, mấy bà già lúc nào cũng sợ người ta ăn hết của nhà mình, mấy đứa trẻ vác bao nhiêu áo lông và bốt cao cổ trông vẫn vô văn hoá đéo chịu được khi tranh giành một chỗ đứng để tạo 7749 kiểu chụp hình ở khắp mọi nơi công cộng có cây thông giả trân. Ở Hà Nội ấy, người ta thích nghĩ cái nơi nghìn năm văn hiến mặc nhiên làm họ trở nên sang trọng và cao quý hơn người khác. Thế là họ thích nhìn xuống những người từ nơi khác đến và tỏ vẻ dù chúng mày có làm gì thì cũng không giàu và sang được như bọn tao. Họ thích dùng từ “bọn” và giả vờ hỏi mấy câu “sao ở đấy người ta cứ làm chuyện buồn cười thế nhỉ” như một cách thể hiện là họ thì đéo buồn cười. Họ đặc biệt thích cách nghĩ mình là chuẩn mực xã hội dù độ văn minh thì thẳng thắn mà nói là kém. Mấy cái công ty thì bé, ồn, phúc lợi tệ và mấy ông bà lãnh đạo làm việc với thái độ đang ban phát cho cả thế gian những đồng lương ít ỏi, bủn xỉn. Họ vào phòng họp, cho tay vào túi quần và luôn miệng nói “địt mẹ” để chứng minh là họ ngầu chết mẹ đi được. Điên khùng không còn từ ngữ nào để mà chửi. Viết tới đâu là tôi thấy ghét dã man đến đấy, tưởng như có thể chửi mấy ngày mấy đêm không hết chuyện. Mà có riêng gì Hà Nội, tôi còn ghét cả Sài Gòn thành phố không ngủ, hiện đại bậc nhất nhưng bước ra đường là tệ nạn, người vô gia cư tràn lan. Ghét những người chễm chệ ngồi trong ô tô bắn hết nước bẩn lên người khác, ghét người đi xe máy luồn lách như đang giãy đành đạch giữa phố thị chật ních mà tiếng còi của họ dai dẳng đến bực mình, ghét người đi bộ hay kêu than như ai cướp hết vỉa hè của họ nhưng hở ra là họ cũng tràn ra vỉa hè mà ngồi cà phê, ăn vặt. Tôi ghét cả bản thân mình khi gõ những dòng này, khuôn mặt những người tôi ghét hiện lên rõ mồn một nhưng tôi không dám viết tên họ lên chính blog của tôi. Tôi ghét sự hèn hạ, vờ vịt và tưởng là mình khác họ của chính tôi.

Bạn biết bên cạnh cái thái độ bất mãn thì Holden Caulfield còn có cái gì khiến tôi đồng cảm vô cùng không, chính là cái sự bay bay này đây.

“Tôi sẽ dựng cái chòi cạnh rừng, nhưng không ở trong rừng hẳn, vì tôi muốn luôn luôn có nắng thật nhiều vào”.

Sống gần con người là một sự mệt mỏi ghê gớm. Giao tiếp với con người làm tôi phát điên lên được, họ giỏi nhất là tự tạo ra rắc rối rồi tỏ vẻ giỏi giang khi giải quyết mớ rắc rối do chính họ tạo ra. Vờ vịt, đáng thương và huyễn hoặc.

Bắt trẻ đồng xanh

Và tôi nghĩ ai cũng sẽ phát điên vì cái đoạn này:

“Anh cứ tưởng tượng một bầy trẻ con chơi một trò chơi gì đó trong một đồng lúa mạch thật to. Hàng nghìn đứa trẻ con và không có ai ở đấy – không có ai là người lớn, anh muốn nói vậy, trừ anh. Và anh thì đứng trên một mỏm đá điên khùng nào đó. Điều anh phải làm là, anh phải bắt tất cả những đứa trẻ nào chạy gần tới mỏm đá. Nghĩ là nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, thì anh sẽ nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng. Anh sẽ làm như thế suốt ngày. Anh sẽ làm người bắt trẻ đồng xanh các thứ. Anh biết thật là điên khùng, nhưng đấy là điều độc nhất anh muốn làm. Anh biết vậy thật là điên khùng.”

Thế này nhé, nếu hôm nay bạn thấy chán đời và cáu kỉnh bỏ mẹ thì đếch cần phải ngẫm nghĩ cố gắng sống một ngày tích cực, lạc quan làm mẹ gì đâu. Thú thật là lắm lúc tôi không thể nuốt nổi cái thái độ sống vui vẻ giả vờ ấy và cả những thứ bài viết văn vở lai láng kêu gọi mọi người sống tử tế của tôi nữa. Thỉnh thoảng, hãy cứ cục súc một chút và đọc “Bắt trẻ đồng xanh”!

Đặt sách tại đây!

Ghi chú: Đây là link tiếp thị liên kết, nếu bạn đặt sách qua link này thì tôi sẽ nhận được một khoản ủng hộ nho nhỏ. Xin hoan hỉ cám ơn. ♥️

Bắt trẻ đồng xanh