Nhận ra mình đang cạn kiệt cảm xúc tức là bạn hoàn toàn có cơ hội vượt qua. Điều bạn cần là phương pháp và bài viết này hy vọng sẽ giúp được bạn.
Cạn kiệt hay kiệt quệ cảm xúc là trạng thái mà bạn cảm thấy mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần trong một thời gian dài. Nguyên nhân có thể đến từ công việc, trường học, các mối quan hệ, cú sốc,… Nó khiến bạn mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, cáu gắt, về lâu dài sẽ dẫn đến trầm cảm và gây thiệt hại lớn đấy.
Cụ thể về cạn kiệt cảm xúc, các dấu hiệu và ảnh hưởng của nó, bạn đọc ở bài viết trước nhé: https://imbrown.net/archives/can-kiet-cam-xuc-rat-nhieu-nguoi-gap-phai-ma-chang-he-biet/
Danh sách những trở ngại, thách thức trong cuộc sống này là vô tận phải không? Đối mặt và xử lý nó sẽ khiến bạn cạn kiệt cảm xúc. Càng như vậy, bạn càng không thể thoát được lòng lẩn quẩn bế tắc đó. Vậy nên, hãy thử áp dụng những cách sau đây.
1. Thừa nhận rằng bạn đang cạn kiệt cảm xúc
Cạn kiệt cảm xúc và căng thẳng không giống nhau. Sự cạn kiệt cảm xúc do căng thẳng, mệt mỏi tích lũy trong một thời gian dài dẫn đến trạng thái bế tắc.
Hãy đọc qua hết các dấu hiệu của cạn kiệt cảm xúc và nếu bạn đang trải qua tất thảy thì rõ rồi đấy. Giai đoạn đầu tiên của mọi sự phục hồi là chấp nhận. Chấp nhận sự thật rằng bạn đang không ổn. Hầu hết mọi người đều phớt lờ hoặc giả vờ, an ủi bản thân rằng “mọi thứ đều ổn”. Thật ra thì mệt thật đấy, không ổn tí nào đâu. Chấp nhận nó sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với nó.
2. Xác định lý do
Có thể chỉ có một lý do khiến bạn cạn kiệt, hoặc cũng có thể có rất nhiều. Điều quan trọng là dành vài phút điểm qua những sự kiện trong cuộc sống của bạn để xác định nguyên nhân thật sự.
Trạng thái kiệt quệ cảm xúc có thể bắt đầu khi bạn đang phải đối mặt với:
- Vấn đề áp lực kinh tế. “Điều gì còn giải quyết được bằng tiền thì còn may mắn” đôi khi chỉ là lý thuyết.
- Đương đầu với nhiều áp lực trong cuộc sống: công việc, học tập, gia đình,…
- Trải qua một sự kiện to lớn: người thân qua đời, chia tay, ly hôn, rớt đại học,…
- Làm việc liên tục hoặc làm việc trong môi trường căng thẳng
- Không giải tỏa được cảm xúc trong một thời gian dài
- Sinh em bé hoặc đang nuôi con
3. Giải quyết vấn đề của bạn
Khi đã biết vấn đề đến từ đâu thì phải bắt tay vào giải quyết nó thôi. Chắc chắn, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những vấn đề biết đó, nhưng không phải nói giải quyết là được ngay. Bạn có thể cho mình một khoảng thời gian nhất định, quan trọng nhất là bạn phải tin tưởng bản thân.
Mọi chuyện xảy ra đều có cái tốt của nó. Hãy nhìn vào những mặt tích cực nhất. Với công việc, nên đối mặt thì đối mặt, nên từ bỏ thì từ bỏ. Lựa chọn nào cũng có đánh đổi, và khi đã lựa chọn, cứ bình thản chấp nhận. Với tình cảm cũng thế.
Còn với những vấn đề về tài chính, bạn nên tìm kiếm những giải pháp từ chuyên gia hoặc học hỏi bí quyết từ những người thực sự có kiến thức. Thật ra, kiến thức trên Internet là vô biên, chỉ cần bạn chịu áp dụng một cách nghiêm khắc, hẳn sẽ có lối ra.
Những khúc mắc trong cuộc sống, đừng ôm đồm một mình, hãy chia sẻ với ai đó, giải phóng cảm xúc là cách hiệu quả để bạn cảm thấy thoải mái hơn.
4. Dành thời gian nghỉ ngơi
Thể chất và tinh thần của bạn đều đã quá mệt mỏi rồi. Hãy nghỉ ngơi. Mọi thứ chỉ tốt khi bạn ổn, chứ bạn không thể hoàn thành công việc khi bản thân bạn còn chưa đâu vào đâu. Mạnh dạn dành cho mình vài ngày nghỉ, có thể đi đâu đó hoặc làm bất kỳ điều gì bạn thích để cơ thể bạn được hồi phục.
5. Chăm sóc bản thân tốt hơn
Rõ ràng chúng ta dành nhiều thời gian cho các mối quan hệ, công việc, yêu đương hơn thời gian cho bản thân. Thôi thì giờ là lúc bạn nên lắng nghe cơ thể, nghỉ ngơi khi thấy mệt, ăn khi thấy đói và thực hiện đầy đủ các hoạt động cần thiết cho sức khỏe như tập thể dục hoặc xem một bộ phim vui thật vui.
Đừng quên, uống đủ nước, ăn nhiều rau. Hoặc đăng ký tham gia một khóa học, một buổi workshop mới mẻ, những thứ này có thể giúp bạn phấn chấn hơn.
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể tránh được sự cạn kiệt cảm xúc, nhưng nếu đã lỡ dính vào thì yên tâm, làm hết các cách trên sẽ chiến thắng được nó thôi.
Đừng làm việc quá sức, hãy tử tế với cơ thể và tâm hồn. Hãy đặt tình yêu bản thân lên đầu tiên.
Bài viết có tham khảo từ: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-upside-things/201908/how-deal-emotional-burnout