Đi thăm mộ không phải chuyện lạ gì với người dân xứ mình, nhưng phải đến khi Mai yêu thương mất, tôi mới có lần đầu tiên đi chăm mộ và thăm mộ vào những dịp đặc biệt: ngày giỗ, trước Tết và mùng Một Tết.
Ở nơi tôi sống, nghĩa trang nằm giữa bạt ngàn mía. Từ đường lớn, rẽ vào một tí đã thấy thấp thoáng những ngôi mộ đủ kiểu đủ màu. Gia đình tôi không sống cùng hai bên nội – ngoại nên từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ đi thăm mộ một cách đúng nghĩa. Đến khi Mai mất, tôi đều đặn ghé thăm nơi này cùng gia đình Mai vài lần mỗi năm. Đó là thời điểm trước ngày giỗ, đúng ngày giỗ, đâu đó hai mươi mấy Tết, ba mươi Tết và đúng mùng Một Tết. Riêng mùng Một Tết, tất cả các gia đình có người thân đang an trú nơi nghĩa trang đều sẽ đến đây từ sáng sớm. Mọi người ăn mặc chỉn chu, mang theo nhang khói, bánh trái. Nghĩa trang ngày này trở thành một nơi đông đúc, nhộn nhịp lạ thường.
Luật bất thành văn, mỗi lần đi thăm mộ, chúng tôi mang theo một chiếc giỏ đựng mấy chai nước sạch, khăn lau, bật lửa, nhang, hoa, bánh và luôn đi theo một trình tự cố định. Đầu tiên là ghé mộ bà ngoại, tiếp đến là mộ Mai, sau cùng là mộ em bé Xíu. Đến mỗi ngôi mộ, chúng tôi lần lượt lau dọn, châm nước đầy ly, xếp bánh, thắp nhang. Sau đó, chúng tôi chia nhang ra, mỗi người cầm tầm chục cây, đi thắp cho các ngôi mộ bên cạnh.
Tôi vẫn có thói quen dừng lại trước những ngôi mộ, nhìn ngó một chút. Tôi nhìn tên tuổi, quê quán của họ, năm sinh năm mất và xem ai là người lập mộ. Thỉnh thoảng tôi nhận ra trong “đám đông” có những người tôi từng quen biết, nhiều năm rồi không gặp, hóa ra họ ở đây. Thỉnh thoảng tôi thấy những ngôi mộ đề hai chữ ngắn gọn “Vô Danh”, chẳng biết ai lập mộ cho họ. Có những người mất khi tuổi đã về già, có những người mất khi còn rất trẻ, và cũng có những người mất khi còn chưa lọt lòng. Có những ngôi mộ to lớn, mái vòm khang trang, cổng rào chỉn chu. Có những ngôi mộ nhỏ xíu, khép nép, cỏ cây mọc um tùm.
Ở xứ tôi, trừ ngày chôn cất, người ta không khóc khi thăm mộ. Người ta cũng không đến mộ để ngồi xuống “bên cạnh” người thân, tỉ tê nỗi lòng như tôi thường thấy trong phim. Có lúc nhẹ nhàng, có lúc nặng nề, nhưng họ ít bộc lộ cảm xúc khi đến nghĩa trang. Kể cả tôi, có nhớ thương đến mấy cũng kiềm lòng lại, dù chính tôi cũng không hiểu vì sao.
Đôi khi chúng tôi nói chuyện về những ngôi mộ. “Nhà” này của ai, vì sao mà mất, những ký ức mỏng tang được gợi lại qua mấy câu nói ngắn gọn. Đôi khi chúng tôi nói chuyện về gia đình của những người nằm xuống. Có lần, dì tôi vừa nhổ cỏ quanh ngôi mộ xóm làng, vừa ca thán: “Con cái nhà này thấy cũng khá giả, đi siêu thị, đăng hình Facebook suốt mà sao để mộ bố nhếch nhác thế này”. Chuyện chẳng liên quan vậy mà cũng thành một câu chuyện.
Quy luật sinh tử là tuyệt đối. Đời người ngắn dài, buồn vui, sướng khổ, đến lúc rồi sẽ phải nằm xuống, không thể làm khác, dù chấp nhận, dù không. Có những cái chết rất dư dả thời giờ để mà ngẫm nghĩ về những bài học, những được – mất trong cuộc đời mình. Có những cái chết rất đột ngột, người ta vừa nhoẻn miệng cười đó, chẳng biết được mấy giây sau đã lìa xa cõi đời.
Lần nào đứng trước mộ Mai, tôi cũng bần thần rất lâu, ngắm nghía gương mặt mà tôi chưa từng quên, đọc lại từng dòng chữ được khắc trên mộ. Kiếp nhân sinh này, Mai đã ghé qua và đã đi qua.
Mỗi cái chết được vẽ nên bởi một cuộc đời. Và mỗi cái chết cũng vẽ nên nhiều cuộc đời.
Thăm mộ có lẽ là văn hóa Việt, nhiều ký ức ùa về ngày tảo mộ.