Xe đỗ trước nhà lúc 5 giờ sáng. Trời còn tối mịt. Tôi bật đèn flash từ điện thoại, chậm rãi bước vào sân, rồi mở cửa, vào nhà. Sau cánh cửa gỗ là bàn thờ ba.
Ngày này năm trước, tôi cũng đi một chuyến xe từ Hà Nội về quê. Chuyến xe dài 7 tiếng. Tôi nhìn ra cửa sổ, mưa tầm tã. Cả vùng quê chìm vào bóng tối lạnh lẽo, ướt át. Giông gió, cúp điện. Dượng chạy ra đón tôi vào nhà, dẫn tôi đến giường ba. Giường được dời từ phòng ngủ ra bên ngoài cho tiện mọi người đến thăm lần cuối. Ba thở thoi thóp, không thể mở mắt, không ăn, không nói gì được nữa. Tôi nắm tay ba, nói khẽ “con về rồi”. Vậy mà, trên khuôn mặt ba, hai dòng nước mắt chảy dài.
Vị trí đặt chiếc giường ấy, chỉ vài ngày sau là nơi đặt bàn thờ ba. Chị họ phụ trách đọc điếu văn, vốn là giáo viên Ngữ văn, chị mở đầu đã khiến mọi người rưng rưng: “Ông Thành ra đi vào một ngày nắng ráo sau những ngày mưa dầm dề…” Một kiếp người khép lại. Sau đám tang ba, anh em chúng tôi mỗi người mỗi nơi, tiếp tục lăn lộn với cuộc đời. Mấy ngày đầu, chị tôi thỉnh thoảng nhắn hỏi tôi có nhớ ba không. Rồi dường như chẳng ai nhắc về ba nữa. Một năm qua, thỉnh thoảng tôi vẫn quên là ba đã đi. Có những lần trở về sau chuyến đi xa, tôi muốn kể ba nghe, cầm điện thoại lên gọi mới nhớ ra đã chẳng thể gọi được nữa. Ba luôn hứng thú khi nghe tôi kể về những vùng đất mới, những câu chuyện ly kỳ, những người tốt dọc đường.
Giỗ ba diễn ra trong 2 ngày. Dù không thích nghi được cuộc sống ở quê nội, lần này tôi trở về mà không đặt vé khứ hồi. Tôi muốn ở đây lâu hơn một chút, vì cả năm qua, tôi thèm nói về ba. Và không đâu khác, chỉ có nơi này là có bóng hình ba, cũng chỉ có những người này là biết về ba. Tôi đã nghĩ về một ngày giỗ ấm cúng, nơi tất cả họ hàng, người quen của người đã khuất tụ họp, quây quần và nhắc nhớ về những kỷ niệm, về hành trình cùng ba chiến đấu với ung thư, về những khoảnh khắc khóc cười với nhau. Một mâm cơm đủ đầy tiếp sức cho những câu chuyện.
Nhưng sao chẳng ai nhắc về ba cả.
Ngày giỗ là dịp mọi người tưởng nhớ về người đã khuất, không phải vậy sao? Tôi hỏi câu này khi ngày giỗ ba, khối lượng việc nhiều đến bạt ngàn. Lịch trình dọn dẹp, nấu nướng và bày biện mâm cúng từ mộ đến nhà dày đặc. Anh em chúng tôi chia nhau ra làm dường như không có lúc nào nghỉ ngơi. Ngôi nhà nhỏ xíu trở nên chật ních, dòng họ tụ tập đông nghẹt, người lớn, trẻ nhỏ nói chuyện huyên náo. Những đứa con chỉ biết lao vào làm và làm để tránh lời chê bai của người lớn. Một ngày giỗ khác xa những gì tôi tưởng tượng.
Chỉ một vài giây phút hiếm hoi khi đang rửa bát, tôi và chị mới nói về ba. Chúng tôi nhớ lại lúc ba điều trị ở bệnh viện ung bướu cách quê nhà 400km, 4 anh em thay nhau vào chăm sóc. Đó là một hành trình dài và nhiều đau đớn.
Những ngày cuối đời, ba tôi sợ chết và sợ ai đó nhắc đến cái chết. Lý do đơn giản thôi, ba chưa sẵn sàng ra đi. Dù từ những đầu tiên phát hiện ung thư giai đoạn cuối, ba tôi mơ thấy bà nội về hỏi thăm. Ba bảo chắc bà nội về dẫn ba đi cùng. Nhưng ba chưa muốn đi. Dù mỗi ngày nằm trong bệnh viện ung bướu, chứng kiến từng bệnh nhân rời xa cõi đời, ba không muốn chấp nhận cái kết đó. Mỗi khi có ai đó hấp hối, ba giục chúng tôi đẩy ba ra ngoài hành lang. Ba không muốn nhìn, không muốn nghe. Ba đòi mua lá trầu về xông, để âm khí bay đi thật xa.
Tôi nhớ một trưa hè tháng 5, bệnh viện nóng đổ lửa, ba tôi nhận điện thoại họ hàng báo tin chú Hải mất rồi, bị đột quỵ. Ba khóc nức nở. Tôi biết ba buồn vì chú đi đột ngột, và ba càng buồn hơn khi biết cái chết thì ra ở gần đến thế. Một đời người có hai lần trẻ con. Gần đất xa trời, ba tập đi, tập cử động tay, tập ăn, tập uống và đến những ngày cuối cùng, ba tập nói, tập mở mắt. Ba tập luyện cho sự sống, tuyệt nhiên không tập được đón nhận cái chết. Bác sĩ trưởng khoa bảo người đứng trước cửa tử mà biết chấp nhận mới là người bản lĩnh. Tôi bảo với bác sĩ, cháu đồng ý về mặt quan điểm, nhưng cháu càng đồng cảm khi người ta chống cự. Mỗi ngày sống là một ngày đến gần hơn với cái chết, nhưng chúng ta cũng chỉ chúc mừng sinh nhật, không ai chúc mừng ngày giỗ cả.
Từ khi học tiểu học, mỗi năm tôi đều đặn chứng kiến ba cúng giỗ ông. Gia đình tôi sống xa quê nội 20 tiếng đồng hồ đi xe đò. Ông nội mất, ba tôi đem ảnh ông về nhà, trịnh trọng đặt lên bàn thờ. Mỗi năm một lần, mẹ tôi chuẩn bị giỗ từ trước một ngày. Mâm cúng chỉn chu, đủ đầy gà, vịt, lợn, bò.
Ba cúng giỗ ông. Và bây giờ, chúng tôi cúng giỗ ba.
Phần mộ của ba nằm trong khu đất mộ của gia đình. Bên phải là mộ bà nội. Bên trái là mộ em họ tôi – con trai của chú. Mộ ba tôi nằm giữa. Mỗi lần lên mộ, tôi đều len lén nhìn chú. Người đàn ông 52 tuổi, đen đúa, thân hình gầy gò, những nếp nhăn chạy dài trên gương mặt khắc khổ. Người đàn ông đó từng lang bạt khắp những miền đất xa xôi, từng lên rừng xuống biển lập nghiệp. Nhưng hai năm nay, chú chỉ quẩn quanh trong rẫy với cây cối, với con gà con heo, mỗi lúc họ hàng tụ họp, tôi thấy chú hay ngồi thẫn thở trên võng.
“Chú không còn muốn làm gì nữa. Chú muốn mặc kệ tất cả. Vì tất cả những người thân yêu nhất của chú đều nằm trên mộ cả rồi. Mẹ, con trai và anh trai lần lượt bỏ đi. Chú không còn gì cả”.
Nhiều ngày sau, câu nói của chú vẫn ám ảnh tôi. Tháng 9 âm lịch có đám giỗ của ông nội, bà nội, ba tôi và con trai chú. Một tháng có quá nhiều ngày họ hàng tụ tập cúng bái và ăn uống. Một tháng mất mát nối tiếp mất mát. Tôi còn nhớ chú luôn né tránh việc vào viện chăm ba tôi, kể cả khi phải ở trong viện, chú cũng cố tìm cách ra bên ngoài hành lang nhiều nhất có thể.
Tôi hiểu, khi nỗi đau mất con còn chưa nguôi ngoai, chú sợ đối mặt với cảnh sinh ly tử biệt một lần nữa. Chú sợ phải tiễn thêm một người thân. Tôi cũng có cùng nỗi sợ với chú. Vào cái đêm ba tôi nguy kịch ở bệnh viện, tôi chạy đôn chạy đáo tìm bác sĩ, tìm mọi sự giúp đỡ, lúc đó tôi nói với ba: “Ba có thể đợi đến sáng mai được không, lúc đó có cô chú vào với con, đừng để con một mình tiễn ba đi”. Tôi đã từng một mình tiễn biệt người thân yêu nhất cõi đời. Ba năm sau đó, tôi vẫn mắc kẹt trong nỗi mất mát ấy, chưa thể thoát ra. Tôi và chú đều rất mệt mỏi rồi.
Tôi muốn ôm lấy chú, muốn nói với chú: “Vì chú còn vợ và những đứa con. Vì con còn mẹ. Vì chúng ta phải sống tiếp.” Nhưng mọi câu từ đều nằm lại ở cổ họng, không có âm thanh nào thoát ra. Tôi cứ nhìn chú, nắm lấy cánh tay chú, rồi lặng im. Xoa dịu nỗi đau của nhau là một chuyện rất khó. Chữa lành lại không có trong từ điển của chú tôi.
Thầy cúng đến, anh em chúng tôi mặc áo tang, đội khăn tang. Anh trai tôi là con trai trưởng, theo tục lệ ở đây thì phải chống một chiếc gậy trong suốt thời gian làm lễ cúng. Anh liên tục quỳ lạy, dâng rượu dâng trà theo hướng dẫn của thầy cúng. Chị tôi dâng cơm. Còn tôi dâng trầu cau và thuốc lá. Tôi cảm thấy rất xa lạ, xưa nay ba tôi chẳng mấy khi ăn trầu và tôi thì luôn càu nhàu chuyện ba hút quá nhiều thuốc. Khi bắt đầu và kết thúc lễ, anh tôi sẽ “xin ý kiến” ba bằng cách thảy hai đồng xu, nếu 1 xấp 1 ngửa tức là được ba tôi đồng ý, còn nếu cùng xấp cùng ngửa thì phải xin lại cho đến lúc được mới thôi.
Phần lễ kết thúc, ăn uống rộn ràng, tính toán tiền nong. Tôi và anh rể lên mộ lần nữa, anh rể cất tiếng chào ba, “chúng con về đây, ba an nghỉ nhé.”
Đám giỗ kết thúc. Ai rồi sẽ về nhà nấy, tiếp tục cuộc đời của mình. Dù ngắn dù dài. Chiếc vé khứ hồi được đặt nhanh chóng hơn dự tính. Những ngày giỗ ồn ào và tất bật thế này, dẫu nhớ nhung người thân đến thế nào, tôi cũng không muốn trở lại nữa. Có lẽ, tôi nên nhớ ba theo cách khác. Hay vốn dĩ tôi đã làm thế rồi.