Và chui tọt vào cánh gà, trò chuyện với nghệ sĩ hát bội.
Mỗi năm vào tháng Giêng, đình Phú Nhuận (TP.HCM) tổ chức Lễ hội Kỳ Yên một lần để cầu an, tế thần Thành hoàng. Buổi tối, trong cái nóng hầm hập, các gia đình tất bật đến đình, già trẻ lớn bé đều có mặt.
Gần 7 giờ tối, khi tiếng đờn tiếng trống bắt đầu cất lên, người dân kéo đến thưởng thức hát bội càng đông. Sân khấu nhỏ xíu, dựng đối diện các gian thờ cúng, sau lưng sân khấu là khu vực hậu trường được dựng tạm bợ.
Hát bội là nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nó gắn với những ngôi chùa, mái đình, những lễ hội cúng kỳ yên. Đọc qua sách báo, chúng tôi biết như vậy nhưng tận mắt xem thì đây đúng là lần đầu tiên.
Trên sân khấu, các nghệ sĩ của đoàn hát bội Ngọc Khanh say sưa trình diễn. Họ hóa trang rất kỳ công, diện trang phục lấp lánh, mang hia cong. Trong hát bội, chỉ cần nhìn mặt là biết ngay nhân vật đó tốt xấu thế nào. Người nghĩa khí, trung trực thì vẽ mặt màu đỏ, thư sinh vì vẽ mặt trắng, người nóng tính ngay thẳng thì vẽ mặt đen, còn những kẻ gian trá thì vẽ mặt mốc,…
Nghệ thuật hát bội mang tính ước lệ. Ví như cảnh phi ngựa, chẳng có con ngựa nào trên sâu khấu cả nhưng người nghệ sĩ vẫn cầm một chiếc roi dài có gắn lông, làm động tác chân đá lên ngựa, một tay đang cầm dây cương, một tay phất roi về phía trước, hai chân chạy nhịp nhịp. Như vậy cũng đủ để khán giả biết là họ đang cưỡi ngựa.
Bên dưới sân khấu, khán giả vỗ tay hò reo theo từng nhịp diễn. Vài người trong đoàn hát đến đưa cho chúng tôi những cái quạt giấy. Ban đầu, tôi cứ nghĩ do thời tiết nóng nực nên đoàn đưa quạt để mọi người phe phẩy cho mát. Đến khi tôi thấy khán giả thi nhau ném quạt giấy lên sân khấu tôi mới biết, khi xem hát bội, nếu khán giả cảm thấy yêu thích thì sẽ nhét tiền vào quạt giấy, ném lên sân khấu. Đó là một cách tán thưởng của khán giả đối với đoàn hát.
Tôi cố chen chân vào đám đông, len lỏi đến cánh gà để được ngắm các nghệ sĩ trang điểm, chuẩn bị đồ diễn. Đằng sau sân khấu, khu vực hậu trường nhỏ xíu nhưng là nơi sinh hoạt, ăn uống, trang điểm, nghỉ ngơi của hơn 30 người.
Trong không gian chật hẹp đó, mỗi người tất bật một việc khác nhau. Người kẻ chân mày, tô son, vẽ mặt. Người đang vuốt ve bộ áo giáp nặng trịch, người đang cẩn thận chỉnh trang đồ diễn. Ở góc nhỏ sát bên cạnh, một vài người tranh thủ chợp mắt hoặc vội vã ăn cơm. Chắc đã quá quen với sự tò mò của người khác mà khi nhận ra sự có mặt của tôi, họ không ngạc nhiên, thậm chí còn bắt chuyện: “Chụp hình hả, cứ vô chụp thoải mái đi con”.
Thấy một chú nghệ sĩ đang chăm chú vẽ mặt, tôi lân la tới hỏi chuyện thì mới biết chú là nghệ sĩ Minh Được. Chú là người Tiền Giang, theo học hát bội từ năm 16 tuổi đến bây giờ đã 61 tuổi. Con trai chú cũng nối nghiệp, chính là nghệ sĩ Minh Minh Tài.
“Hát bội khó lắm, cực kỳ khó. Đi hát mấy chục năm rồi mà bây giờ chú vẫn còn học tuồng mà. Nhịp “ư, a” phải luyện tập bài bản, chưa kể mỗi người phải diễn được nhiều loại vai khác nhau. Như đêm nay là chú diễn hai vai, diễn xong một vai là chạy vô đây vẽ mặt lại từ đầu rồi chuẩn bị lên sân khấu diễn vai khác. Trước giờ diễn hai tiếng là phải bắt đầu trang điểm rồi. Vẽ, pha màu thấy vậy mà khó lắm, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, điêu luyện và tinh thần chịu khó học hỏi nên không phải ai cũng theo được nghề này.
Phải yêu, đam mê lắm mới theo được chứ nói mà làm vì tiền thì càng không có, tiền bạc có nhiêu đâu. Đoàn diễn đông người, những lúc không có lịch diễn thì mọi người lại ai về nhà ấy, làm những công việc khác nhau, có người làm trang phục để bán cho các đoàn hát, có người thì làm kỹ thuật âm thanh, cũng đủ thứ nghề hết.”
Nói rồi chú đứng dậy, chỉnh trang quần áo của mình và cả bạn diễn. Đêm đó, vở diễn kéo dài đến 12 giờ đêm. Vậy là phải 2, 3 giờ sáng mọi người mới được nghỉ ngơi. Có những đêm diễn dài hơn thế nữa, và cũng có những đêm bắt đầu diễn từ 0 giờ, kéo dài tới sáng mới kết thúc.
Trong mấy chục mét vuông chật hẹp, ẩm thấp này, tôi cảm nhận rõ mùi nghèo khổ vất vả, mùi mồ hôi, mùi son phấn rẻ tiền, mùi thuốc lá. Tôi cũng cảm nhận được vị bạc bẽo, cay đắng của cái nghề này. Nhưng tôi cũng nhìn thấy nét hồ hởi đam mê trên nét mặt từng người. Những nghệ sĩ trẻ nấp sau cánh gà hồi hộp chuẩn bị lên diễn vai người lính. Nghệ sĩ lão thành tranh thủ nghỉ ngơi để rồi lại hăng say cất tiếng hát. Những người làm hậu trường tươi cười khi thấy khán giả vỗ tay, ném quạt giấy lên.
Đi xem hát bội, không chỉ nghe, xem mà còn cảm được nhiều điều lắm. Hẹn năm sau, đi xem tiếp. <3