Rất nhiều ngày, tôi nói “chán quá”.
Rất nhiều lần trong ngày, tôi nói: “chán quá”.
Tôi nghĩ mình rất giỏi sống những ngày chán (buồn chán, nhàm chán, chán chường).
Khi tôi nói chán tức là trong đầu tôi đang muốn một cái gì đó khác với hiện tại, để tôi biết hôm nay khác với hôm qua. Ví dụ nếu hôm nay tôi không đi làm, tôi đi cafe, ăn uống và ngắm mưa rơi, hôm nay sẽ không chán như hôm qua. Nếu ngày mai, tôi tan làm và ra hồ ngồi uống nhân trần, ngày mai sẽ không chán như hôm nay. Nếu hôm nào đó, tôi đi uống vào buổi tối, hôm đó có thể khác mọi ngày. Nếu tôi đã đi uống vài ngày liên tiếp, một ngày không uống sẽ ít chán hơn.
Cái gì đó quá nhiều dễ dẫn đến buồn chán. Khi nói đến chán, trong đầu tôi nảy ra hình ảnh tương phản giữa lúc này ảm đạm và những lúc khác tươi sáng. Đối lập với buồn chán là gì, là vui vẻ? Không phải, là phấn khích! Cái gì cũng được, miễn là nó có thể “kích thích” một sự hào hứng trong ta, nó sẽ làm ta đỡ chán hơn.
Trước đây, để tôi nhớ xem, gần 6 năm trước, một người sếp nói rằng: “Chúng ta có thể buồn, nhưng không được/không nên chán. Mỗi ngày của tôi đều không nhàm chán và tôi lúc nào cũng thấy có gì đó để làm mình thích thú”.
Sau này, tôi cảm nhận khác đi một chút. Cuộc đời rõ ràng có rất nhiều buồn chán, nhàm chán, chán đến phát điên ấy chứ. Không muốn so sánh nhưng trí tưởng tượng của tôi bao giờ cũng lôi những khoảnh khắc nhàm chán và phấn khích đặt cạnh nhau hoặc đối lập nhau.
Điều quan trọng không phải là làm gì để cuộc đời mình không chán, mà là sống qua những ngày chán đó như thế nào. Khi lần đầu tiên được nếm rượu, tôi nhận có sự phấn khích sau hàng năm dài chỉ uống nước lọc. Khi lâu lâu du lịch một lần, tôi dường như phấn khích trước mọi cảnh vật và rung động trước mọi khoảnh khắc giản đơn của thiên nhiên. Và rồi, uống rượu quá nhiều, du lịch quá nhiều, việc chịu đựng cuộc sống giống nhau ngày qua ngày trở nên vất vả hơn. Hơn nữa, việc tìm kiếm và cảm nhận những điều mới mẻ gây phấn khích cũng khó khăn hơn. Ngày nào cũng đi làm thì chán đi làm, ngày nào cũng đi chơi thì thấy tẻ nhạt và tiếp tục muốn cái gì đó hứng thú hơn.
Quá ít tạo ra thèm muốn. Quá nhiều lại gây mệt mỏi. Giống như sau một đêm say sưa, sáng hôm sau lại thấy trống rỗng và buồn chán hơn. Những thỏa mãn tự nhiên, giản đơn không đủ làm ta thỏa mãn nữa. Giống như ăn cay nhiều quá, bao nhiêu ớt cũng thấy không đủ nữa. Phấn khích quá mức có thể làm chai lì khả năng cảm nhận.
Có phải khi kể về cuộc đời mình, ta thường chỉ nhắc đến những khoảnh khắc ấn tượng mà bỏ qua những ngày lặng lẽ? Vậy mà những bộ phim, những quyển sách có quá nhiều twist lại không còn gì gây phấn khích nữa. Ngày nào cũng náo nhiệt thì cuộc đời có lẽ không còn hấp dẫn.
Như mọi sự ở đời, số lượng và chất lượng đều quan trọng.
đời có mấy ngày chán? nhiều chứ nhỉ, chỉ là ta phải học cách sống những ngày chán không vô nghĩa