Đường mây qua xứ tuyết – The way of the white clouds – Lama Anagarika Govinda – Nguyên Phong phóng tác
Đôi lời về tác phẩm
Đường mây qua xứ tuyết là cuốn du ký của Lạt ma Govinda và được Nguyên Phong phóng tác. Cuốn sách ghi nhận những gì Lạt ma Govinda chứng kiến và cảm nhận trong thời gian du hành ở Tây Tạng. Với tôi, đây không phải là tác phẩm dễ đọc, dễ cảm thụ, dễ ngấm (kể cả khi so sánh với các tác phẩm phóng tác khác của Nguyên Phong), đặc biệt là với những người có tư duy logic, khoa học.
Ngay trong tác phẩm, tác giả cũng nhắc đi nhắc lại rằng “kinh nghiệm tâm linh” là điều rất khó giải thích bằng lời. Kinh nghiệm tâm linh vẫn là điều huyền bí phụ thuộc vào căn tánh, phương pháp tu luyện, hành trình tu tập,…
“Để có thể hiểu được những diễn tiến đã xảy ra trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải quay trở lại đi tìm nguyên nhân của những lý do đã khiến đời sống của chúng ta trở nên như thế. Đôi khi chỉ một cái nhìn, một cử chỉ hay một câu nói, cũng có thể thay đổi hẳn cuộc đời chúng ta“.
Tôi không thể tóm tắt tác phẩm này vì bản thân nó là một hành trình kỳ vĩ và đầy ắp những hiện tượng kỳ lạ. Cuốn sách đề cập đến vô số hiện tượng kỳ lạ chưa thể lý giải một cách thuyết phục như khinh công, chữa bệnh bằng đức tin, vấn linh, thần giao cách cảm, lên đồng nhập cốt,…
Chương cuối “Đường vào xứ Tuyết” là hành trình Lạt ma Govinda thực sự đặt chân đến xứ sở với truyền thống tâm linh cao cả để khám phá, hành lễ, nghiên cứu và lưu truyền lại công trình tâm linh đồ sộ cho đời sau. Đây là chương sách đầy hấp dẫn nhưng tôi không cách nào tóm tắt được. Mong bạn có duyên đọc sách.
Bên dưới cũng chẳng phải review sách Đường mây qua xứ Tuyết, tôi chỉ trích lại một vài đoạn giúp tôi khai mở hoặc giải thích đôi điều tôi vẫn thường gặp trong đời sống.
“Những điều huyền bí quả thực khơi gợi trí tò mò tìm hiểu của con người. Nhưng đồng thời, đó cũng là cái cớ để những kẻ tu hành tự định lại sự tồn tại của cái ngã trong chính mình. Hành trình tu tập của tôi hẳn còn dài lắm.”
Vì sao ta sống trong thế giới bất toàn?
“Con phải biết rằng lý do chúng ta sống trong cái thế giới bất toàn này là chúng ta còn bất toàn, và tất cả mọi sự xảy ra đều chịu sự chi phối của Luật Nhân Quả. Bằng thái độ sống chân chính, con có thể vượt qua các khó khăn trở ngại, thay thế những sự kiện bất toàn bằng những điều toàn vẹn, và nhờ thế không những con vẹn toàn hơn mà còn biến thế giới này thành tốt đẹp.
Theo ngài thì trước khi bước chân vào con đường tu thiền, một người phải trau dồi thân-khẩu-ý cho thật trong sạch. Chỉ khi nào giữ vững được thân-khẩu-ý thì mới nên bước chân vào con đường tu thiền. Bước đầu của việc tu thiền là làm nảy nở lòng từ bi nơi mình, vì đó là điều kiện quan trọng nhất. Thiếu điều kiện này, thì việc tu thiền không những sẽ không mang lại kết quả gì mà còn rất nguy hiểm về sau, vì chỉ có từ bi mới giúp ta vượt qua được các trở ngại do các tình cảm ích kỷ và các giới hạn chật hẹp của tri thức gây nên. Để đạt đến thái độ này, người tu thiền phải coi tất cả mọi chúng sinh như người thân trong gia đình, vì không một sinh vật nào trong vũ trụ này mà không có sự liên hệ với nhau trải qua vô lượng kiếp luân hồi”.
Ý nghĩa câu kinh “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”
“Khi lòng từ bi phát triển trọn vẹn, người tu thiền không ao ước sự giải thoát cho chính mình nữa, mà thấy mình và chúng sinh không hề sai khác, mình với tất cả chúng sinh chỉ là một, và khi chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát được?
Khi trí tuệ đã phát triển trọn vẹn, thì làm sao mình có thể lầm lạc, có thể hành động trái với luật thiên nhiên, trái với chân lý được? Khi mọi vật đều sáng tỏ, không còn vô minh, tất cả mọi sự thật đều phơi bày rõ ràng thì đâu còn mê đắm, đâu còn khổ đau. Khi từ bi và trí tuệ đều phát triển trọn vẹn thì không còn sự phân biệt nữa. Từ bi cũng là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi, và người tu đã chứng đắc, đã đi vào con đường Trung Đạo, thấy rõ bản thể chân như của sự vật: Tất cả đều là một, hình tướng tuy khác nhưng thể tánh chỉ có một”.
Tự do là như thế nào?
“Làm sao có thể gọi là “tự do” khi từng chi tiết nhỏ nhặt của đời sống đều được hoạch định cẩn thận? Làm sao có thể gọi là “tự do” khi mỗi giây mỗi phút đều được kiểm soát bởi những thời khóa biểu hay cái đồng hồ? Và “tự do” cũng không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi.
Khi nói đến “tự do”, ta nói về khả năng chấp nhận tất cả mọi sự vô thường trong trời đất. Tự do là đón nhận cuộc sống với vòng tay mở rộng, là khả năng thay đổi theo hoàn cảnh chung quanh nhưng vẫn kiên định, không mất đi lòng tin vững chắc nơi mình. Tự do là trải nghiệm tất cả mọi sự, mọi lẽ ở đời với tinh thần khách quan vô tư, là quan sát bằng “thấu kính” trong suốt, không thành kiến.
Con người phát minh ra đồng hồ để đo lường thời gian, nhưng họ cũng vô tình chia cắt sự sống đang cuồn cuộn chảy khắp nơi thành những mảnh vụn nhỏ rời rạc. Họ càng cố gắng tiết kiệm thời giờ chừng nào, thì càng mất đi sự sống màu nhiệm chừng đó. Tự do thật sự là sống từng giờ, từng phút khi quá khứ trở thành hiện tại và hiện tại chính là tương lai – một thứ hiện tại vĩnh cửu”.
Nghỉ ngơi trong yên lành
“Từ đó tôi nghiệm thêm rằng sự nghỉ ngơi trong yên lành vô cùng cần thiết cho những người hoạt động trí óc. Xã hội văn minh đã buộc con người phải quay cuồng làm việc để kiếm sống. Sau đó người ta tạo ra thêm nhiều loại hình giải trí để giúp con người thoải mái hơn. Nhưng đa số phương tiện giải trí lại còn ồn ào, náo nhiệt và quay cuồng hơn nữa, khiến thể xác mong manh vốn đã mệt mỏi lại còn phải chịu đựng thêm nhiều hơn những kích động thần kinh. Chẳng trách gì xã hội càng văn minh càng nảy sinh những căn bệnh thần kinh, sự khủng hoảng tinh thần hoặc những chứng bệnh nan y.
Tóm lại, con người đã thực sự không biết nghỉ ngơi. Nếu họ biết tìm một chỗ vắng vẻ, ngồi yên tập trung tinh thần, đế cho thân thể tự thanh lọc các chất ô nhiễm cặn bã tạo ra bởi nhịp độ quay cuồng của hoàn cảnh xã hội, thì hẳn đã phòng ngừa được nhiều thứ bệnh tật”.
Vì sao các thần chú, chân ngôn Phật giáo không được dịch nghĩa?
“Mật Tông là bí mật không thể sử dụng lời nói, ngôn ngữ mà diễn tả được. Pháp môn này đề cao việc sử dụng mantra – thần chú như một hình thức nhiếp tâm. Trong các thần chú, các Dharani (chân ngôn) hay ngôn ngữ của chư Phật là tinh hoa của tất cả. Đến đây, cần phải phân biệt thần chú, tức những âm + hiệu huyền bí, với chân ngôn – những tinh hoa – những ý tưởng ẩn kín trong tâm Phật mà chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu được toàn vẹn.
Một số tôn giáo khác như Ấn Độ giáo cũng thường sử dụng mantra nhưng Dharani thì chỉ có ở Phật giáo. Nguyên văn các chân ngôn được ghi lại bằng tiếng Phạn và thường không được dịch ra các ngôn ngữ khác vì sẽ không thể diễn tả hết các nghĩa được. Ngoài ra chân ngôn thường có rất nhiều ý nghĩa huyền diệu, nếu dịch nghĩa này thì mất nghĩa kia, không thể dịch một cách toàn vẹn vì ngôn ngữ tự nó vốn đã là một giới hạn giữa các vật thể địa lý và văn hóa. Trong khi đó, người trì tụng chỉ cần tĩnh tâm, chí thành, tin tưởng thì tâm ý người đó sẽ khế hợp với chân tâm của chư Phật mà được cảm ứng. Nếu dịch nghĩa sẽ khiến người trì tụng dễ sinh lòng phân biệt, suy diễn nghĩa lý này nọ, phát sinh các vọng tưởng”.
Sự khác nhau giữa Mật Tông Tây Tạng và Mật Tông Ấn giáo
Trong cuốn Đường mây qua xứ tuyết, tác giả viết: “Những buổi học với Lạt ma Phiyang đã giúp tôi thêm sáng tỏ, minh bạch về sự khác nhau giữa Mật Tông Tây Tạng và Mật Tông Ấn giáo. Tuy cả hai đều sử dụng những phương tiện giống nhau như thần chú, phương pháp luyện luồng hỏa hầu bằng “hỏa xà” kundalini nhưng mục đích thì hoàn toàn khác hẳn nhau. Một bên chủ trương khai mở trí tuệ để hoàn toàn giải thoát khỏi luân hồi, trong khi một bên chỉ chú trọng đến việc phát triển những quyền năng nội tại để đạt đến trạng thái tuyệt đối (brahman). Một bên tìm cách quên mình (vô ngã) và một bên tìm cách phát triển bản ngã của chính mình (hữu ngã)”.
Chúc bạn có một hành trình đọc sách và khai mở tâm trí ý nghĩa. <3