Chinh phục cực Tây A Pa Chải vào tháng 6 là trải nghiệm như thế nào?
Chuyến đi 7 ngày này có thể tóm gọn bằng câu “Ai lên Tây Bắc mùa sạt lở? Không ai cả ngoài hai tụi mình”. Lúc xuất phát, mình chưa từng nghĩ sẽ vật vã lăn lê bò trườn trên những cung đường xấu đến thế. Ngày trở về, thân xác rã rời còn tinh thần thì khoan khoái đến lạ.
Điện Biên – Lai Châu là 2 nơi mình muốn đi nhất trong chặng gap year này và quyết định để nó ở cuối chặng. Lúc đó, mình đang ở Bắc Hà (Lào Cai), còn bạn đường của mình ở Hà Nội. Như mọi lần, chuyến đi được quyết định nhanh chóng. Mỗi đứa xuất phát ở một đầu cầu và hẹn gặp nhau tại thành phố Điện Biên.
Lịch trình của tụi mình:
Ngày 1: gặp nhau ở thành phố Điện Biên sau chuyến xe dài – thăm chiến tích đồi A1, D1, bảo tàng Điện Biên Phủ – cánh đồng Mường Thanh – đêm ngủ ở thành phố Điện Biên
Ngày 2: 300km lên cực Tây A Pa Chải – đêm ngủ ở đồn biên phòng A Pa Chải
Ngày 3: dự định từ A Pa Chải đi thượng nguồn sông Đà nhưng kế hoạch đổ bể vì đường sạt lở quá – đi theo hướng Mường Tè – đêm ngủ ở Mường Chà.
Ngày 4: di tích vua Thái Đèo Văn Long – cao nguyên Sìn Hồ – hang động Pu Sam Cáp – đêm ngủ ở thành phố Lai Châu
Ngày 5: bản Tả Lèng – bản Si Thâu Chải – thác Tác Tình – đồi chè Tân Uyên – Mù Cang Chải – vượt đèo Khau Phạ – đêm ngủ ở thung lũng Khau Phạ
Ngày 6: núi Hổ ngắm toàn cảnh Khau Phạ – Tú Lệ – đêm ngủ ở Trạm Tấu (Yên Bái)
Ngày 7: bản Cu Vai – Xím Vàng – Tà Xùa (Sơn La) – đêm về Hà Nội
Bão táp trên những chuyến xe đến Điện Biên
Mình đã ở Bắc Hà (Lào Cai) được 4 ngày, quyết định chạy 100km sang Sa Pa để xem thị trấn mù sương (bây giờ là thị xã) có gì thay đổi không. Từ Sa Pa, mình chạy xuống thành phố Lào Cai như đã hẹn với chủ xe để đi xe khách (gửi kèm chiếc xe máy của mình) sang Điện Biên.
Xe đã đặt trước vài ngày nhưng mình tính không bằng xe tính =)), mình đến điểm hẹn là bến xe cũ Lào Cai thì mới biết là xe đã đổi lịch chạy và đã đi Lào Cai – Điện Biên vào hôm trước. Vì chỉ có duy nhất 1 chuyến xe giường nằm đi tuyến này nên mình ngơ mất một lúc rồi quyết định tấp lề hỏi người địa phương xem còn xe nào đến Điện Biên không. Cuối cùng, mình lên 1 chiếc xe limousine 9 chỗ, còn xe máy của mình được chở bằng xe tải. Người và xe hẹn sáng mai gặp nhau ở thành phố Điện Biên.
Và đó là chuyến xe bão táp nhất đời mình. Xe 9 chỗ nhét 14 khách, đến chỗ thở còn không có nói gì đến chỗ ngồi. Đường đèo uốn lượn nên cái đứa say xe hạng nặng như mình nôn thốc tháo mấy đợt méo xệch cả mặt. Bằng một năng lực thần kỳ nào đó mà mình rúc vào giữa hai hàng ghế, nằm bệt xuống mặc kệ mọi người đạp chân lên tấm thân yếu ớt này. Chuyến xe 8 tiếng dài như 8 ngày.
Bạn mình xuất phát từ Hà Nội cũng không khá hơn là mấy. Chuyến xe 12 tiếng 30 giường nhét 45 người nên chỗ nằm là thứ xa xỉ. Sau chuyến xe lam lũ, hai đứa gặp nhau ở thành phố Điện Biên mà xúc động gì đâu, tưởng mới đi tị nạn về chứ đi du lịch mà cực dữ vậy. Kiệt sức quá nên 2 đứa quyết định ngủ nghỉ và đi tham quan thành phố Điện Biên một hôm, ngày mai hồi sức mới đi A Pa Chải.
Mách nhỏ là nếu muốn đi Điện Biên, mọi người nên đi máy bay từ Hà Nội nhé. Sân bay Điện Biên rất gần trung tâm và giá vé cũng mềm chứ đi xe khách thì thôi, khó quá bỏ qua.
Trong mấy điểm tham quan ở Điện Biên thì mình thích đồi A1 hơn hẳn: điểm di tích hiếm hoi mà mình thấy có mấy tấm bảng kể chuyện lịch sử. Phát hiện của tụi mình là thành phố Điện Biện lẫn Lai Châu đều không có rạp chiếu phim.
Chiều đến, tụi mình đi mua bắp luộc rồi đi một ngôi chùa gần cánh đồng Mường Thanh. Tối thì đi bộ dạo lòng vòng quảng trường.
Mây giăng trên đường đến cực Tây
Sáng ngày 2 tụi mình dậy ăn sáng rồi lên đường đi A Pa Chải. Với phong cách du lịch lười biếng đặc trưng, mình không dậy sớm nổi nếu không có kế hoạch đón bình minh, cứ ngủ đủ giấc rồi thong dong mà đi.
Tụi mình chọn cung đường dài vì muốn ghé thăm lòng hồ thủy điện Sông Đà và đi qua cầu Hang Tôm – cây cầu nằm trên Quốc lộ, vắt qua sông Đà và nối liền 2 tỉnh Điện Biên – Lai Châu. Nhưng sau khi đi rồi thì mình nghĩ cung đường này sẽ ngắn và tiện hơn, cầu Hang Tôm cũng không có gì đặc sắc, mọi người có thể tham khảo: TP. Điện Biên Phủ – Mường Chà – Mường Nhé – A Pa Chải.
Đường dài và tan nát do ảnh hưởng sạt lở nên gần 8g tối tụi mình mới đến đồn biên phòng A Pa Chải. Đoạn đường gần đồn có mấy chục con bò “dàn binh bố trận” giữa đường nên bạn nhớ chú ý chạy thật chậm, mình né bò thì được chứ bò chả thèm né mình đâu.
Để chinh phục cực Tây A Pa Chải, bạn phải đến đồn biên phòng khai báo, sau đó bộ đội biên phòng sẽ dẫn đoàn của bạn đi (chi phí tính theo đoàn, 400k/đoàn). Nếu đến đồn biên phòng muộn như tụi mình thì thông thường, các bạn sẽ được sắp xếp ngủ tại khu nhà sàn (80k/người/đêm) để sáng hôm sau chinh phục mốc 0.
Tụi mình đến đúng lúc đồn biên phòng đang có tiệc nên được mời vào ăn nhậu cùng. Vui vì không tốn tiền và chuyện trò rôm rả, còn mệt vì phải uống rượu nhiều mà tụi mình thì mới đi đường xa nên hơi đuối. Hôm đó, các anh tinh ý xếp cho tụi mình một phòng riêng để tránh ồn ào. Phòng ở đồn biên phòng thì tiện nghi chỉ ở mức cơ bản. Nếu bạn thích phòng sạch đẹp hơn thì có thể tham khảo 1 nhà nghỉ (duy nhất) ở gần đồn.
Đêm đó mệt rã người lại còn uống rượu nên tụi mình ngủ ngon luôn, nhờ vậy mà có sức để ngày hôm sau lăn xả hết mình.
Chinh phục cực Tây A Pa Chải trong màn mưa
Ngày thứ 3 của hành trình tụi mình mới thực sự chạm đến mốc 0 – cột mốc là ngã 3 biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E. Cột cao có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng chữ Quốc ngữ riêng và Quốc huy của mỗi quốc gia.
Bữa sáng là mì gói hai trứng do các anh bộ đội nấu. Ăn no nê thì một anh bộ đội được cử dẫn tụi mình cùng 1 đoàn khác lên mốc 0. Đoàn này gồm 1 chú dẫn con cháu đi du lịch trải nghiệm. Với các bạn không vững tay lái, đồn biên phòng sẽ sắp xếp cán bộ hoặc người dân địa phương chở đi (100k/người). Còn nhìn mặt tụi mình thì các anh không hề lo lắng, cho 2 đứa tự đèo nhau đi. Nào ngờ, tụi mình lại phụ lòng các anh, té lên té xuống.
Hôm đó mưa gió tơi bời, đường quanh co trơn trượt nên đoạn đường chỉ tầm 8km từ đồn biên phòng đến điểm leo mà chạy mãi chạy mãi mới đến. Chiều đi dù gặp nhiều khó khăn nhưng tụi mình vẫn vượt qua được. Chiều về thì 2 đứa té cái ạch phi vào bãi phân trâu. Tiếp đó thì mình té thêm cú nữa, rớt xuống xe rồi trượt thêm một đoạn. May mắn là không có chấn thương gì. Còn xui là mọi người chứng kiến hết cú té hài hước của mình nên cứ nhìn mặt là cười ha hả.
Lên đến mốc 0, mệt nhoài, nhưng ai cũng cười rất tươi. Đứng ngắm nghía một lúc thì bắt đầu chụp hình kỷ niệm với cột mốc, với anh bộ đội và với nhau.
Quãng đường đi quá trắc trở nên chú áo vàng cứ nhắc đi nhắc lại là thương bộ đội biên phòng quá. Các anh phải công tác ở một nơi xa xôi hẻo lánh, đường sá khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đi bộ tuần tra trong rừng rất gian nan. Anh bộ đội đi cùng đoàn mình sau 14 tháng công tác mới được về thăm nhà 1 lần. Nhà anh ở Lạng Sơn, muốn về nhà, anh phải đi xe khách 300km từ A Pa Chải đến thành phố Điện Biên, rồi bay từ ĐB về Hà Nội, tiếp tục đi từ HN về Lạng Sơn. Mình mới đùa rằng, nếu biết trước cái nghề này gian nan thế thì ai mà dám chọn.
Tụi mình trở về đồn biên phòng vào khoảng 12 giờ trưa. Trời vẫn mưa tầm tã, người ướt chèm nhẹp. Mưa thì mưa, tụi mình tiếp tục lên đường, lượn theo cung Pắc Ma để đi cột mốc 17, 18 nhưng đường sạt lở tan nát quá, lại gặp người dân địa phương can ngăn nên tụi mình phải quay đầu trong tiếc nuối.
Tụi mình định chạy luôn về Lai Châu nhưng lạc đường, sạt lở các kiểu đã khiến tụi mình chạy mãi mới đến Mường Chà, quá mệt rồi nên quyết định ngủ nghỉ ở đây, mai đi tiếp. Đến bây giờ, khi nhắc đến đoạn đường chạy từ A Pa Chải về Mường Chà, bạn mình vẫn tả bằng từ “tuyệt vọng”.
Đổi lại, tụi mình đã có một chuyến Điện Biên đáng nhớ và hành trình chinh phục cực Tây A Pa Chải đáng giá.
Hẹn kể tiếp Hành trình cho người lì đòn P2: Không cần săn mây ở Lai Châu ở bài viết tiếp theo.
Bạn đường ko tin em nên mới ko cho em chở, chẳng phải yêu thương gì đâu. Bạn đường thật sáng suốt!
Bạn em bảo đó là bản năng, nghe kiểu nào cũng không thấy yêu thương gì cạ.