Săn mây ở Lai Châu – Sau đêm nghỉ chân ở Mường Chà, buổi sáng thứ 4 của hành trình, tụi mình dong xe thẳng tiến về Lai Châu. Nếu như Điện Biên là mở đầu chông gai thì Lai Châu là thức quà ngọt ngào với 2 đứa mê mây trời.
Lịch trình của tụi mình ở Lai Châu:
Ngày 4: di tích vua Đèo Văn Long – cao nguyên Sìn Hồ – hang động Pu Sam Cáp – đêm ngủ ở thành phố Lai Châu
Ngày 5: bản Tả Lèng – bản Si Thâu Chải – thác Tác Tình – đồi chè Tân Uyên – Mù Cang Chải – vượt đèo Khau Phạ – đêm ngủ ở thung lũng Khau Phạ
Full lịch trình ở đây: Hành trình cho người lì đòn
Sáng sớm, 2 đứa dắt nhau đi ăn phở, uống cafe và tắm gội cho em xe sau mấy ngày lao động vất vả rồi bắt đầu chạy dọc Quốc lộ, thẳng về hướng Mường Lay, qua cầu Hang Tôm để đến địa phận tỉnh Lai Châu.
Di tích vua Thái – Đèo Văn Long
Điểm đến đầu tiên trong hành trình Lai Châu là phế tích dinh thự Đèo Văn Long thuộc dự án bảo tồn di sản lòng hồ thủy điện Sơn La, ở ngã ba sông Nậm Na và sông Đà. Ngược dòng lịch sử thì sau khi chiếm được Lai Châu, thực dân Pháp dựng lên một bộ máy quan lại người bản xứ. Cha con chúa Thái Đèo Văn Long chia nhau cai quản các châu lỵ.
Phế tích đã hoang tàn, nằm ẩn mình bên dòng sông nên hơi khó tìm, bạn cứ men theo chỉ dẫn của google map, sau đó hỏi han thêm người bản địa để đến nơi nhé. Tụi mình mạnh dạn đi theo trực giác, đến nơi thăm thú một chút rồi lên đường đi tiếp.
Cao nguyên Sìn Hồ
Sìn Hồ là nơi mình nhất định phải ghé thăm trong chuyến này vì đã biết đến cao nguyên xinh đẹp, khí hậu mát mẻ này trước đó. Sìn Hồ vắng vẻ, hoang sơ. Những ngôi nhà gỗ nhỏ bé lọt thỏm giữa ruộng đồng và núi rừng. Thú vui săn mây chưa bao giờ trở nên dễ dàng đến thế. Mây vờn khắp Sìn Hồ, trên những ngọn núi trập trùng, sà xuống thăm những thửa ruộng và ngó nghiêng tụi mình – 2 đứa xàm xí dong xe lên Tây Bắc mùa sạt lở.
Hang động Pu Sam Cáp
Sau khi ăn trưa ở Sìn Hồ, tụi mình tiếp tục chạy xe về thành phố Lai Châu, dọc đường đi thì ghé quần thể hang động Pu Sam Cáp chơi – nơi được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất hang động của Tây Bắc. Ban quản lý hang động chu đáo chuẩn bị sẵn cho du khách mấy đôi dép tổ ong vì đường vào hang lẫn bên trong hang đều hơi trơn, dễ trượt. Hang động đẹp, tuy nhiên, bạn nên xem kỹ bản đồ và hỏi ban quản lý về các lối ra vào để không phải mỗi đứa hiểu một kiểu rồi choảng nhau như tụi mình.
Tối đó, tụi mình lượn về thành phố Lai Châu ăn uống, ngủ nghỉ và kiếm chỗ giặt quần áo.
Bản Tả Lèng
Sáng hôm sau, tụi mình đèo nhau lên bản Tả Lèng cách thành phố Lai Châu không xa lắm. Bản làng này nổi tiếng với những ruộng bậc thang đẹp lấp lánh vào mùa nước đổ. Mình đến đây vào mùa lúa xanh – mùa lúa yêu thích của mình nên ngắm nhìn bản làng xanh ngắt nức nở rất thích mắt và mềm dịu con tim. Viết đến đây, hình ảnh 2 đứa đi xe lên những con đường nhỏ xíu, một bên là cây cỏ, một bên là mây vắt ngang ruộng lúa vẫn hiện lên trong đầu mình rõ mồn một. Cảm giác lúc đó thật bình yên, thật dễ chịu. Nụ cười của mình, của bạn mình cứ lấp ló ở khóe môi, khóe mắt. Rất là nhớ.
Lạc lối lên Si Thâu Chải
Điểm đến tiếp theo của tụi mình là Khau Phạ thuộc tỉnh Yên Bái. Tụi mình tiếp tục hành trình từ thành phố Lai Châu đi xuyên qua Mù Cang Chải, về Khau Phạ. Dọc đường thì ghé thác Tác Tình và động Tiên Sơn. Nhưng vì lạc đường mà tụi mình chạy tuốt luốt lên bản Sì Thâu Chải – một bản nhỏ nằm ở độ cao 1400 mét so với mực nước biển. Ngôi làng này tập trung hơn 60 hộ dân dân tộc Dao. Đường lên bản ngoằn ngoèo, quanh co với hơn 5km phải chạy lên ga, đi số 1 hết sức mỏi tay mỏi chân mỏi người. Bù lại khung cảnh ven đường tuyệt đẹp, trời xanh mây trắng, lúa cũng xanh và nắng vàng rực rỡ.
Những chuyến phượt miền Bắc, niềm vui luôn nằm trên đường đi, thỉnh thoảng tụi mình lại rẽ vào một bản làng hoặc một điểm đến mơ hồ, chẳng phải để đến một nơi nào cả, cũng chẳng cố tìm kiếm điều gì cả, chỉ đơn giản là thả hồn vào những cung đường hùng vĩ, bát ngát xanh, như mình từng viết:
“Để gió vỗ vào và ta vỡ thành thơ”
Tạm biệt Sì Thâu Chải, tạm biệt Lai Châu dịu dàng, xinh đẹp. Tụi mình lại lang thang về Yên Bái và Sơn La. Hẹn kể tiếp ở “Hành trình cho người lì đòn P3 – Xuyên Mù Cang Chải, về Khau Phạ, thăm Xím Vàng” nhé!