Jeong Kwan sinh ra ở Yeongju – một thành phố phía Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc. Khi còn nhỏ, cha của Joeng Kwan thường bảo: “Người phụ nữ phải làm được 7 món ăn từ rơm, khi đó cô ta mới xứng đáng lấy được tấm chồng tốt”.
Một hôm, cô không kiềm được mà đáp: “Con không tìm cách kiếm chồng, con muốn sống trên núi, trong một lán nhỏ, với thiên nhiên quanh mình. Con muốn được tự tại”.
Năm 17 tuổi, mẹ cô đột ngột qua đời. Cô cảm thấy bối rối và nhận ra rằng không lấy gì đảm bảo cô sẽ không khiến con mình chịu đựng nỗi đau tương tự. Cô không muốn truyền lại nỗi đau đó. Một ngày nọ, cô lặn mất tăm, không mang theo thứ gì bên mình, không nói với bất kỳ ai. Năm 1974, cô rời nhà, xuất gia và trở thành ni cô.
Các đầu bếp hàng đầu và nhà báo của New York Times đều nghiêng mình ngưỡng mộ trước những món ăn mà Jeong Kwan nấu. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ đi theo con đường này, ni cô đúc kết: “Không có sự khác biệt nào giữa làm bếp với việc theo đạo Phật, tất cả đều nhằm mưu cầu sự giác ngộ”.
Cốt yếu nằm ở hiện tại, tôn trọng nguyên liệu và truyền sinh khí vào từng món ăn – đó là cách ni cô nấu ăn. Tương tự, ni cô đưa lòng trắc ẩn, tình thương, sinh khí vào từng cây cỏ trong khu vườn của mình.
“Cứ chia sẻ với thiên nhiên rồi mọi thứ sẽ đẹp đẽ. Khí trời, nước, ánh nắng, mưa, tuyết đều sẽ tạo nên thực phẩm trong lành”.
Jeong Kwan không có cái tôi. “Sáng tạo và cái tôi không thể đi cùng nhau, khi bạn giải phóng bản thân khỏi những suy nghĩ so đo, tị nạnh, tính sáng tạo sẽ bừng mở ra đến vô tận như nước tuôn từ suối nguồn, tuôn ra từ mọi khoảnh khắc.”
Bạn không được là trở ngại của bản thân. Bạn đừng để môi trường sống sở hữu mình. Hãy làm ngược lại, bạn phải có khả năng di chuyển tự do vào tâm trí mình”.
Lúc nhỏ, Jeong Kwan nghĩ rằng phải sống một mình mới được tự do. Nhưng không phải như thế, tự do đến từ việc sống một cách tự nhiên nhất. Tôn trọng, nâng niu và biết ơn.
Khi bố của ni cô 70 tuổi, ông lên chùa vì muốn ở bên cạnh con gái mình nhiều hơn. Ông cho rằng Jeong Kwan rất cực khổ vì đã không kết hôn và xuất gia. Nhưng ông đã thay đổi suy nghĩ, ông nhận ra có một cảm giác bình an trong lối sống này. Trước khi rời đi, ông nói: “Đến nhà vua còn phải cúi đầu trước thầy tu, ta cúi đầu trước con”.
Ông cúi đầu 3 lần trước con gái mình. Một tuần sau, ông qua đời, thanh thản như chìm vào giấc ngủ.
“Nhờ cha mẹ mình tôi mới được xuất gia, tôi đọc kinh cầu nguyện cho họ được hạnh phúc ở kiếp sau. Thậm chí mỗi khi thấy thứ gì đẹp đẽ hoặc ăn một món ngon, tôi lại cám ơn cha mẹ vì sinh khí và phẩm hạnh của họ. Họ đã để tôi được đi theo bản ngã của mình”.
Tập phim tài liệu về ni cô Jeong Kwan nằm trong tập 1, mùa 3 series Chef’s Table của Netflix. Từng khung hình đều đẹp như tranh, âm thanh du dương. Và đặc biệt, nội dung chân thật, tuyệt đỉnh. Hãy xem, lắng nghe, ngẫm nghĩ và biết đâu đó, bạn sẽ có những thay đổi tích cực cho những ngày sắp tới, như mình.
Nguồn ảnh: Netflix