trước lúc chết

Kiếp sống này

Ba mình lúc nãy gọi điện thoại đã hỏi thế này: “Con lên mạng tra giúp ba thuốc gì mà uống vào chết luôn đi. Ba nói thiệt”.

Và mình đã nói những câu rất vô nghĩa như là: “Trước sau gì cũng phải chết, ba không phải vội. Đến lúc ông bà gọi thì đi, cố chết chi bằng cố sống”.

Đương nhiên mình biết tại sao ba lại nói như thế. Mình đã luôn nghĩ, nếu một ngày mình mắc ung thư hay bất cứ bệnh nào mà bác sĩ bảo là không chữa được thì ok, mình sẽ không chữa. Cứ về nhà, thong dong sống cho hết những ngày còn lại của kiếp này.

“Trào lưu ngày nay về việc kéo dài tuổi thọ, sống đến hơn một trăm tuổi, là vô cùng điên rồ. Chẳng khác nào tiếp tục lái chiếc xe Ford cũ kỹ sau khi đã đi được hai trăm nghìn dặm, ba trăm nghìn dặm. Thân xe rỉ sét, bộ truyền động đã phải sửa chữa năm lần bảy lượt, động cơ rơi rụng tứ tung, thế nhưng bạn vẫn nhất quyết không thay đổi. Trong khi đó, một chiếc xe Corvette đang mới coong đang chờ bạn ngay góc đường. Tất cả những gì bạn phải làm là nhẹ nhàng bước ra chiếc xe Ford cũ kỹ và ngồi vào chiếc xe Corvette mỹ miều. Người lái xe, tức linh hồn, không bao giờ thay đổi. Chỉ có chiếc xe là khác mà thôi. Và biết đâu đấy một chiếc xe Ferrari đang chờ bạn ở cuối đường”.

Nhưng khi va vào thực tế, mình nhận ra 2 điều:

  • Những ngày còn lại trong kiếp này không chắc đã “thong dong”

Chúng ta có thể chọn sống đơn giản, nhẹ nhàng, không sân si, không chấp nhất. Điều đó không có nghĩa là ta sẽ không đau đớn, về mặt thể xác. Những cơn đau từ khối u trong xương, gan dần dà di căn sang các bộ phận khác sẽ khiến ta quằn quại suốt đêm, suốt ngày, không thể đứng, không thể ngồi, càng không thể nằm, không thể ăn ngon ngủ yên như lẽ đương nhiên. Thế thì khi cơn đau co rút từng tế bào, ta làm sao sống cuộc đời thong dong? Nó chính là “người đang đau chân thì chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình thôi”.

Nỗi đau về thể xác hay về tinh thần đều là nghiệp. Sự đau đớn hay thăng hoa cũng đều là nghiệp, đều là nhân quả. Sự đi tiếp từ kiếp này qua kiếp khác chính là luân hồi. Chúng ta không sống để khỏe, nhưng chúng ta phải khỏe để sống.

Tư tưởng của con người là nguồn năng lượng rất lớn. Linh hồn là nơi lưu trữ năng lượng khổng lồ này. Cơ thể con người là phương tiện. Cơ thể không khỏe thì nói chuyện sống thong dong là rất khó. Nhưng càng oán trách, càng chấp niệm, càng níu giữ thì càng đau đớn.

  • Bước ra khỏi chiếc Ford và tiến đến một chiếc Ferrari cần nhiều bước hơn ta nghĩ

Đây là một tình huống dù lường trước vẫn không đỡ được. Nếu chết theo cách nằm ngủ một giấc, khi thức dậy đã sang thế giới bên kia thì thật hạnh phúc. Mình luôn nghĩ người phải gieo được muôn vạn nghiệp lành mới có thể đến đi nhẹ bẫng như thế. Hồi mình cận tử, những giây phút cuối cùng trước khi được cứu sống, trong đầu mình chỉ kịp lướt qua hình ảnh vài người thân. Lúc đó mình đã nghĩ thế này “À thì ra mình chết như thế, như thế này đây, thì ra không cần chuẩn bị gì cả”.

Mình không có thời gian để nghĩ gì nhiều hơn thế, vì đó là tai nạn bất ngờ. Nhưng với những người mắc bệnh hiểm nghèo, họ dư thừa thời gian để suy nghĩ và càng nghĩ càng khó nghĩ.

Ba mình thấy bản thân mắc kẹt trong chiếc Ford cũ kỹ, tồi tàn. Như cái cách chúng ta mang xe đi sửa, ba mình chỉ muốn bác sĩ chắp vá cái thân xác này, tống những khối u đi và trả lại cho ba mình cơ thể khỏe mạnh lúc trước. Ba mình không thể nhìn thấy chiếc Ferrari nào phía trước. Hoặc nếu thấy, thì như hôm nay, ba muốn đốt rụi chiếc Ford rỉ sét này, vì nếu cứ kẹt trong nó thì ba không đi đâu được.

Thế mới nói ngày ngày chúng ta có thể tu tập, đọc sách, thiền chánh niệm, nhưng phải đến khi va vào một bài tập thực tế ta mới biết mình đã thuộc bài hay chưa, mà nếu thuộc rồi thì đã thực hành được chưa. Gần gũi hơn của chuyện này chính là chúng ta khi học chữ “nhẫn”, chữ “giận”. Lý thuyết thì vững rồi nhưng phải va vào những tình huống chạm ngưỡng thì ta mới biết mình nhẫn đến đâu, xử lý cơn giận như thế nào.

Mình từng trở về từ cửa tử nên đối với mình mà nói, tất cả những ngày sau đó đều là “bonus” – “cộng thêm”. Tức là đến nay mình sống cộng thêm gần 3 năm, hơn 1000 ngày rồi.

Hôm trước chị Ngọc bảo là xem phim 39 xong thì nghĩ đến mình. Chị viết thế này:

“Xem tập cuối phim 39, nghĩ tới T, trùng hợp là cũng sắp đến giỗ M của T. Chắc M cũng vậy, chỉ mong T sống tiếp thật tốt, ngủ ngon ko cần uống thuốc. Như Chan Young, M đã sống cuộc đời tuy ngắn nhưng được yêu thương tròn đầy rồi. Còn mấy đứa có vẻ mạnh mẽ hay cười giỡn, mấy đứa tỉnh quá đó, mới là đáng lo.”

Sau đó, chị vào Blog mình dặn thêm một câu:

“Thực ra dù chuẩn bị trước hay đột ngột, thì người đã đi đó cũng chỉ mong người ở lại sống tiếp bình yên. Nếu ko thì người kia cũng áy náy ko yên”.

Lúc đọc câu này, thật lòng mình có chút hổ thẹn, hổ thẹn với M. Vì mạng sống của mình, nói theo một cách nào đó thì được M đấu tranh/nhường cho, thế mà mình đã sống chưa thật tốt.

Nói tới đây, mình lại đặt câu hỏi: Như thế nào là sống tốt?

Mình đã noi theo M sống thiện lành, không sân si, không hờn giận, không giành giựt. Thậm chí ba năm qua mình rất hiếm khi nổi giận, trách móc hay nghĩ xấu cho ai. Mình học tha thứ, tha thứ cho ba, tha thứ cho những người làm mình đau. Mình học chấp nhận, học không kỳ vọng, không cố kiểm soát. Học yêu thương, học cho đi.

Vậy thì tại sao mình lại nói mình sống chưa thật tốt?

“Thật là tốt nếu chúng ta ngủ ngon mỗi tối

Ngủ một giấc thật ngon và ăn cũng thật ngon.

Chúng ta làm việc chăm chỉ, nghỉ ngơi tốt.

Và nếu như có một giấc ngủ ngon mỗi tối, thì có thể xem là bạn đã có một cuộc sống vô cùng lý tưởng.”

Câu này trong phim “Trời đẹp em sẽ đến”. Mình từng trích ra vì rất tâm đắc. Nhưng không làm được. Mình không thể ngủ ngon mỗi tối, thậm chí là không thể ngủ suốt nhiều năm. Hôm trước bác sĩ bảo mình “Nhẽ ra em nên đi khám từ vài năm trước”. Lúc chạy xe về mình khóc. Không phải vì sợ bệnh, mà vì hổ thẹn. M trao cho mình một cuộc sống nối dài vậy mà mình lại không thể ăn ngon ngủ yên. Chiều này khi ông ngoại nhắc lại cái năm M đi, trời cũng vào mùa mưa thế này. Mình chợt nhận ra cái sự tĩnh lặng nào đó trong lòng mình, nhè nhẹ thôi nhưng hình như không đau đớn dữ dội như trước nữa.

Đi xa quá, trở lại câu chuyện của ba mình, là khi biết mình sắp chết, nhưng lại không biết bao giờ mới chết và từng ngày chịu đựng đau đớn thì phải thế nào?

Xin lỗi cuộc đời chứ mình làm gì có câu trả lời.

Ba mình nói: “Những người ba muốn gặp ba đều đã gặp thì đi cũng được rồi”. Để được như thế cũng là một câu chuyện đấu tranh rất dài của mình, của ba và của cả nhà. Mình đấu tranh để ba đồng ý trở về VN chữa bệnh cũng như sống những ngày cuối đời bên gia đình. Ba đấu tranh với chặng đường gian khổ để trở về, 3 chuyến bay, 3 chuyến xe kéo dài suốt 3 ngày vật vờ, vừa đau vừa mệt. Hồi Tết nghe ba kể về những quãng đời đi làm ở Cam, ở những ngọn núi dãy rừng, những con đập, thượng nguồn khắp Việt Nam, mình chợt nghĩ “Cuộc đời một người thì ra có thể dài đến như thế, đi qua nhiều chặng đường đời đến như thế”.

Trước đó ba mình nói vẫn còn nhiều việc ba muốn thấy ví dụ như “Ba muốn thấy anh con xây được nhà, thấy em con cưới được vợ và quan trọng nhất là thấy con cưới được chồng”. Nhưng mình biết, ba mình dần dà chấp nhận rằng mình có thể không (hoặc chưa) lấy chồng mà vẫn sống hạnh phúc rồi.

Những ngày ở Đà Nẵng thăm ba, mình đã luôn cố gắng thông chốt vào bệnh viện nhiều nhất có thể (bệnh viện vẫn đang không cho người nhà vào thăm bệnh), vì đối với mình mà nói, mỗi lần gặp ba bây giờ đều có thể là lần cuối, nên phải tranh thủ và phải vui vẻ. Gần đây khi cầu nguyện, mình không cầu bình an nữa, mình nghĩ mình cần gửi thông điệp gì đó thật cụ thể và thực tế đến vũ trụ, nên mình cầu nguyện cho ba sống những ngày sau này ít đớn đau, ra đi thanh thản và sống an vui ở một kiếp sống khác.

Tôi cho rằng khi ai đó qua đời

Linh hồn họ sẽ trở về nhân thế

Phủ lên mình lớp ngụy trang bảo vệ

Rồi được một người mẹ khác sinh ra.

Thân thể rắn hơn, trí óc sáng hơn,

Linh hồn cũ lại bước tiếp trên con đường.

– John Masefield –

2 bình luận về “Kiếp sống này

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *