Cô Thuần đón tôi ở cảng. Một buổi trưa tháng 3 ngập nắng. Cô dẫn tôi về nhà, những vị khách ăn xong bữa trưa đậm mùi biển sẽ rời Lý Sơn. Tôi gần như là người duy nhất ở nhà cô Thuần những ngày sắp tới.
Hè dịu dàng ra khơi
Xe khách thả tôi và chiếc xe máy xuống thành phố Quảng Ngãi vào lúc 3 giờ sáng. Sau một đêm, tôi đã xa Khánh Hòa. Còn quá sớm để chạy về cảng Sa Kỳ, cây xăng chưa mở cửa. Tôi ghé một quán ăn uống nhỏ mở xuyên đêm, gọi một cốc cafe sữa đá và ngồi đến 5g sáng. Quán bún bò và cây xăng đã mở cửa, lần lượt dẫn tôi đến Sa Kỳ.
Tôi chạy một mạch đến Mũi Ba Làng An. Nhân dân Ba Làng An (An Hải, An Kỳ, An Vĩnh) là những người đã khai hoang nên đảo Lý Sơn và trực tiếp tham gia vào đội Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Mặt trời lên. Đỏ rực, “đẹp như ngày mới”. Mặt trời mọc trên biển là vẻ đẹp của sự hoành tráng, tinh khôi và diệu kỳ. Lúc làn da chạm vào tảng đá lạnh buốt, tôi nhớ đến thời sinh viên, nửa đêm thường cùng tụi bạn dong xe đi Vũng Tàu, khuya muộn, chúng tôi ngồi ngắm biển và ăn cá viên chiên, sau đó ngủ trên đá và đợi mặt trời lên. Tuổi trẻ hừng hực, tôi đã chọn những chuyến đi ngắn dài để chạy dọc bờ biển miền Trung. Xanh ngắt, trong veo và nóng bỏng.
Sóng đánh mạnh vào mạn tàu suốt một giờ đồng hồ. Gần 300 người lắc lư. Chiếc Sirius theo tôi đi khắp nơi, thêm một lần được ra đảo. Tôi dự định ở Lý Sơn chỉ 3 ngày, sau đó sẽ đi Hội An 3 ngày và ở Đà Nẵng, Huế 1-2 tháng. Chi phí đưa xe máy ra đảo bằng tiền thuê xe 3 ngày, nhưng tôi vẫn quyết định đưa xe ra. Đúng đắn. Vì vừa ra đảo thì bệnh, tôi chưa quyết được ngày về đất liền.
Ở đảo, người ta không sợ mất xe máy, chìa khóa xe cứ treo đủng đỉnh. Ở đảo, người ta luôn đội mũ bảo hiểm dù chỉ di chuyển một đoạn ngắn. Có lẽ vì Lý Sơn là huyện đảo quân sự, an ninh và trật tự giao thông được chấp hành rất nghiêm túc. Lý Sơn rộng lớn hơn những hòn đảo tôi từng đi, nhưng một buổi dong xe là đã đi hết ngõ ngách đảo Lớn. Đảo Bé bé như cái tên, chỉ cần đi bộ một lúc.
Nhưng, Lý Sơn sẽ làm ta ở lại lâu hơn và khi rời đi, sẽ nhớ nhiều hơn.
Mặt trời mọc và lặn là đặc sản Lý Sơn
Cô Thuần bắt đầu làm homestay từ 2014 trong chính ngôi nhà của gia đình cô. Homestay ở Lý Sơn giữ đúng nghĩa gốc của nó. Người ta đến chơi, ngủ trong căn phòng đơn sơ với rèm hồng, ga nệm và vỏ gối có những bông hoa màu hồng, màu xanh, không phải kiểu vỏ màu trắng như ở khách sạn. Con gái cô Thuần bằng tuổi tôi, đang là người vận hành chính của homestay, sau khi gia đình cô chuyển sang một căn nhà mới sát bên.
Người Quảng Ngãi có chất giọng địa phương rất riêng biệt, cộng thêm cách nói chuyện dân dã của người miền biển, tôi lập tức cảm thấy thân quen. Con gái cô Thuần chỉ cho tôi những điểm ngắm mặt trời đẹp nhất Lý Sơn: bình minh ở Hòn Mù Cu, hoàng hôn ở Cổng Tò Vò và đỉnh Thới Lới cả sáng lẫn chiều.
10 ngày ở đây, tôi duy trì lịch sinh hoạt: ăn sáng, dạo 1 vòng chợ, về nhà, ăn trưa, chiều đi một vòng quanh đảo, ngắm hoàng hôn, ăn tối, dạo biển đêm.
Đồ ăn trên đảo hợp vị người con miền Trung là tôi. Tất cả bữa cơm tôi đều ăn ở quán Đại Hằng, nhân viên quen mặt nên luôn giảm giá và hỏi một cách tò mò “sao ở đảo lâu thế”. Tôi ăn ram bắp, bánh mì, bánh xèo, kem flan và mua trái cây ở nhiều quán khác nhau. Đồ ăn trên đảo rẻ và tươi ngon.
Lý Sơn có quá trình phát triển lâu dài và bền vững. Lý Sơn không nổi lên một cách đột ngột kéo theo sự ồ ạt xây dựng homestay, quán cafe, không tấp nập như những hòn đảo khác. Lý Sơn bình thản đón du khách đều đặn hằng năm, mỗi dịp hè, mỗi ngày biển êm.
Bên cạnh du lịch, nguồn thu chính của người dân đến từ tỏi. Tôi đã nghe người ta gọi Lý Sơn là vương quốc tỏi nhưng phải đến khi ở Lý Sơn tôi mới hiểu tỏi gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân ra sao. Từ 5 giờ sáng, người dân đã túm tụm lại làm tỏi và bán tỏi. Buổi chiều, đồng tỏi nhộn nhịp. Hoàng hôn buông, người dân chở tỏi về nhà. Những ruộng tỏi xanh mướt, yên bình.
Yên bình, người ta luôn cảm thấy như vậy mỗi khi đến đảo
Nhiều năm trước, khi đứng ở làng chài Hòn Đỏ (Ninh Thuận), tôi cũng thắc mắc, những người dân đang dập dìu trong thuyền thúng, những người quanh năm sống với lưới, với tôm cá và cả những người bán quán ăn ngay trên bờ, cách biển chỉ chục mét, họ có cảm thấy bình yên ở chính nơi họ sinh ra, lớn lên và lao động không? Mỗi mùa mưa bão, người ta liệu có muốn bỏ hết tất cả đống đổ nát để đi đến một vùng đất khác? Liệu những đôi bàn tay lấm lem và những nếp nhăn xô lấy nhau trên gương mặt rám màu nắng có từng muốn từ bỏ?
Những hòn đảo đã có từ trăm năm trước. Trẻ con học cấp 1, cấp 2, cấp 3 ngay trên đảo. Cho đến năm 18, học sinh mới rời đảo trở thành sinh viên hoặc một cái tên nào đó khác. Họ đã rời đảo, nhưng có lẽ đã trở về, vì đảo không bao giờ thưa bóng người, lúc nào cũng tấp nập người già, người trẻ. Vì biển lấy đi của cải, nhưng biển còn cho đi nhiều hơn thế.
Biển Lý Sơn tháng 3 đẹp vô cùng
Nắng vàng mà không gay gắt, dịu dàng, nồng cháy. Tụi trẻ con mang diều ra chơi, trên là xanh nền trời, dưới là xanh nước biển. Diều tung bay trong mùa hè xanh, mặn và thấm.
Người dân trên đảo cười hiền hòa như nắng tháng 3. Tôi không quen người Quảng Ngãi nào khác trước đó, nhưng rồi tôi quen cô Thuần, quen anh chị ở quán cơm. Và 1 tháng sau, tôi quen cô Én.
Cô Én bảo nhà cô gần cảng Sa Kỳ, sau này nếu đi Lý Sơn thì gọi cho cô, cô dẫn đi chơi sướng luôn. Cô Én ra Đà Nẵng chăm mẹ bệnh ung thư và tôi cũng có mặt ở đó chăm ba. Cô bảo tôi nhỏ nhắn và mạnh mẽ giống con gái cô, con cô đang nằm ở một bệnh viện cách chúng tôi không xa, chỉ một mình.
Ngày nào tôi cũng lên đỉnh Thới Lới, ở đó tôi nhìn thấy biển bao la, thấy cột cờ thiêng liêng và chỉ cần rẽ sang trái một đoạn, tôi ngắm được toàn bộ Lý Sơn từ trên cao. Tôi chạy quanh hồ nước Thới Lới, hoàng hôn ở đây rất đẹp.
Tôi thích Thới Lới, thích cái gương cầu lồi và cả những chú bộ đội hay vẫy tay chào khách du lịch. Tôi thích những ngày bình dị ở Lý Sơn, chỉ ăn, dạo biển, hít thở, ngắm mặt trời và dưỡng sức.
Những cuốn ram bắp giòn rụm như ngày hè năm ấy,
trước khi một lần nữa, mùa hè không rực rỡ trong tôi. Mùa hè xanh lá đã không còn bất tận, mùa hè xanh nước biển lại quá nhiều hoang hoải. Nhưng những ngày hè, lúc nào cũng cho tôi cảm giác, tôi đã sống những ngày rất xanh. Nắng sẽ rất gay gắt, rồi mưa sẽ đến và một mùa mới sẽ đến cùng những cơn mưa.
Ngày thứ 10, khi tôi rời đảo, biển động. Tôi đã ngắm nghía rất lâu những ngọn sóng, con tàu lênh đênh, bờ kè, ngọn hải đăng, sân phơi tỏi. Con gái cô Thuần đưa tôi ra cảng. Giọng Quảng Ngãi đặc sệt chào tạm biệt tôi.
Tôi đưa tay đón giọt nắng dịu dàng cuối cùng giữa biển khơi, tạm biệt mùa hè 2022.