Phim Manchester by the Sea nhận được 6 đề cử tại Oscar 2017, bao gồm giải Phim hay nhất, Đạo diễn, Kịch bản gốc, Nam diễn viên chính (Casey Affleck) – thắng giải năm đó, Nam diễn viên phụ (Lucas Hedges) và Nữ diễn viên phụ (Michelle Williams).
Đạo diễn, Biên kịch: Kenneth Lonergan
Quay phim: Jody Lee Lipes
Dựng phim: Jennifer Lame
Diễn viên: Casey Affleck, Michelle Williams, Kyle Chandler, Gretchen Mol, Lucas Hedges
Thước phim về nỗi đau mất mát người thân
Manchester by the Sea là câu chuyện về người đàn ông tên Lee Chandler (Casey Affleck). Lee sống trầm lặng và tẻ nhạt qua từng mùa đông lạnh lẽo dài đằng đẵng, lặp đi lặp lại ở xứ New England. Lee làm công việc dọn dẹp và sửa chữa nhà cửa cho cư dân ở thành phố Quincy thuộc ngoại vi Boston. Lee không thích trò chuyện với mọi người, chỉ bầu bạn với những trận đấu bóng rổ, khúc côn cầu trên băng và mấy chai bia. Lee lầm lì, ít nói, nóng tính, không ngại ẩu đả.
Manchester by the Sea kể một lúc hai câu chuyện của Lee. Câu chuyện bên trên là câu chuyện của hiện tại. Còn trong quá khứ, Lee có cuộc sống hạnh phúc cùng một vợ ba con và những chuyến ra khơi với người anh trai Joe Chandler (Kyle Chandler) và cậu nhóc Patrick – con trai Joe.
Câu chuyện hiện tại và quá khứ kết nối với nhau bằng cái chết của người anh trai Joe Chandler. Sau khi được báo tin anh trai mất, Lee trở lại Manchester by the Sea. Lần trở lại này, nỗi đau nhân lên khi Lee chẳng được nhìn mặt anh trai lần cuối, còn phải đối diện với quá khứ đau đớn đầy lỗi lầm, ân hận và mất mát.
Sự kiện mất mát của hiện tại khiến Lee phải nhận trách nhiệm chăm sóc Patrick – đứa cháu trai đang ở độ tuổi ẩm ương và gặp lại Randi (Michelle Williams) – người vợ từng cùng anh trải qua những năm tháng hạnh phúc, nay đã tái hôn và có một cậu nhóc đáng yêu.
Xuyên suốt bộ phim là nỗi mất mát kéo dài. Nhưng mất mát và nỗi buồn không đi kèm với nước mắt. Đạo diễn Kenneth Lonergan không dùng nước mắt để khắc họa sự tuyệt vọng của các nhân vật trong phim. Ông để cho nhân vật che đậy vết thương đang rách toác bên trong bằng vẻ ngoài bình thường.
Cho đến trước 2016, Lonergan mới chỉ thực hiện hai bộ phim dài. Song, thành tích của ông đầy ấn tượng khi từng là tác giả kịch bản của You Can Count On Me (2000) cùng Gangs of New York (2002) – 2 tác phẩm giúp ông 2 lần nhận đề cử Oscar trong vai trò biên kịch.
Kenneth Lonergan thuyết phục khán giả bằng lối kể chuyện theo trường phái hiện thực. Ông rất tiết chế trong việc sử dụng âm nhạc, rất nhiều cảnh trong phim thiếu vắng âm nhạc, thậm chí là thiếu vắng thoại phim, kể cả những cảnh đau lòng nhất. Những khoảng lặng dài càng khiến nỗi đau thêm chân thực. Thời gian trên phim trôi chậm, cũng như thời gian của những người đang trải qua mất mát, rất chậm, rất đau.
Sống tiếp không quá khó, nhưng sống tốt thì khó quá
Đạo diễn Kenneth Lonergan chắc hẳn thấu hiểu sâu sắc về tâm lý con người khi trải qua mất mát nên mới có thể “cầm trịch” bộ phim thực tế như thế. Người xem sẽ bắt gặp những tình huống tưởng kỳ lạ nhưng rất quen thuộc khi mất người thân. Đó là việc phải trả giá với nhà xác, đấu tranh tâm lý với việc có nhìn mặt người thân lần cuối hay không, là cảm giác dằn vặt của Patrick khi phải đợi đến mùa xuân mới có thể chôn cất bố mình. Bối cảnh lạnh lẽo của mùa đông bao trùm lên cả tác phẩm khiến nỗi mất mát càng thêm tê tái.
Khi Lee ở đồn cảnh sát để khai báo về tai nạn/tai họa kinh hoàng xảy ra với gia đình mình, anh cảnh sát đã nói rằng: “Chúng tôi không khởi kiện anh. Anh phạm sai lầm như triệu người khác”. Sự bao dung của người đại diện cho pháp luật không làm Lee nhẹ nhõm. Không ai hiểu được những gì anh phải trải qua. Không ai buộc tội nhưng sự đau khổ của vợ Lee và chính anh đã giam cầm anh. Đó cũng là lý do mà anh phải rất khó khăn mới có thể trở lại Manchester by the Sea, mà nếu không có sự ra đi của anh trai, không ai biết Lee có trở lại Manchester hay không.
Khi người thân mất, mỗi người có cách đối diện và sống tiếp khác nhau. Trong quá khứ, Lee đã rời Manchester, đến thành phố Quincy tiếp tục chuỗi ngày sống cho có sống. Ở hiện tại, Lee dù thương cháu trai đến mấy cũng không thể ở lại Manchester. Anh không thể vượt qua nỗi đau trong quá khứ, kể cả khi vợ cũ là Randi đã tìm cách giãi bày tâm sự, để cả hai có thể chữa lành vết thương thì Lee vẫn chưa thể đối mặt. Lee vẫn sống tiếp, nhưng chưa thể sống tốt.
Cậu nhóc Patrick có cách đối mặt tưởng như khác Lee. Patrick không sốc vì cái chết đã được dự báo từ trước của bố. Ngay sau đó, cậu nhóc bận rộn với những cuộc tình tuổi mới lớn. Nỗi đau mất mát dường như chỉ xẹt ngang qua đời Patrick. Ấy vậy mà khi cậu thấy những hộp thịt trong ngăn đông tủ lạnh, Patrick vỡ òa, không gì có thể giấu diếm được nữa. Cậu bật khóc bất lực khi nghĩ đến người bố đang nằm trong nhà xác, được đông lạnh đợi đến mùa xuân mới có thể chôn cất. Sự vỡ òa đó làm sụp đổ tất cả sự “ổn” trước đây của cậu. Patrick cũng sống tiếp, nhưng chưa thể sống tốt.
Manchester by the Sea chứng minh rằng, không có cái gọi là “hậu mất mát”, mất mát là từ đó trở về sau, cuộc đời của bạn sẽ mãi mãi mất đi một người. Hành trình chữa lành nỗi đau đó là bất tận và vô cùng khó khăn. Nhưng điều tốt đẹp là, ký ức của con người vẫn luôn ở đó trong tâm trí nhau.
Như người vợ, người mẹ Randi đã bước tiếp và có một cuộc sống mới, vẫn canh cánh chuyện xưa và ngoảnh đầu lại sẻ chia vì biết Lee còn đang mắc kẹt với quá khứ. Phụ nữ hóa ra lại mạnh mẽ đến như vậy.
Như cảnh cuối phim, Lee và Patrick lại ra khơi trên con tàu mà người anh/người bố Joe Chandler để lại và hai cậu cháu đã rất nỗ lực để giữ con tàu ấy. Ánh mặt trời ấm áp, con người sẽ tiếp tục hướng về phía trước dù bằng cách nào đi nữa.