Luôn có những đám mây bay trên đầu chúng ta. Nhưng nếu cả ngày không ngẩng mặt lên, ta sẽ không bao giờ nhìn thấy mây trắng đang bay lãng đãng, gió vẫn nhè nhẹ lướt qua làn da mỏng manh và nắng vẫn tung tăng nhảy múa. Lâu lắm rồi Mật không ngẩng mặt lên nhìn trời. Đến lúc nhớ ra thì Mật đã đặt một tấm vé đi Hà Nội. Bay như những cánh chim, ừa phải thế chứ.
Đó là một chuyến đi ngẫu nhiên với những điểm đến không tính trước. Khởi đầu chuyến đi, Mật không biết mình sẽ có một đêm thổn thức với rượu nếp, người lạ và những ký ức chẳng thèm báo trước, cứ thế rủ nhau ùa về.
Ký ức cất giữ những gì đã xảy ra trong đời, tất nhiên, không phải mọi chuyện đều là ký ức. Ký ức có lúc rất muốn gìn giữ, đôi khi lại muốn quên đi, nhưng nếu được lựa chọn, thật khó để ta chọn xóa bỏ nó. Vì tác dụng phụ của việc xóa đi những ký ức buồn là ta phải chấp nhận xóa toàn bộ sự hiện diện của một người nào đó trong cuộc đời. Người nào đó dù đem đến cảm xúc vui buồn lẫn lộn thì ta cũng chẳng nỡ thẳng thừng xóa đi.
Mật đáp xuống sân bay Nội Bài đã gần trưa, vẫy một chiếc xe ôm đến bến xe Mỹ Đình. Mật yêu Hà Nội, nhưng mỗi chuyến ra Bắc, Hà Nội phải là điểm dừng chân cuối cùng.
Chú xe ôm cẩn trọng nhất Mật từng gặp trong đời. Chú chạy xe chậm rãi, từ tốn đúng cái chất “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng đèn xanh còn đến 20 giây mà chú đã dừng thì hơi quá cẩn thận rồi. Bao giờ mới đến Mỹ Đình.
Cứ đi rồi sẽ đến, đó là cách chú trả lời. 12 giờ trưa, Mật có mặt ở Mỹ Đình mà vẫn chưa biết mình sẽ bắt xe đi đâu. Phía Bắc cũng rộng lớn lắm chứ chẳng phải đùa. Đông Bắc hay Tây Bắc? Đi thăm chốn cũ hay ghé chốn mới? Mật đưa ra quyết định bằng cách vác ba lô đi quanh bến xe, đi ngang xe nào mà thấy có cảm giác muốn đi thì chọn xe đó.
Ok, xe Mộc Châu được chọn. Mật cũng chẳng biết tại sao lại là Mộc Châu, tích tắc vài giây, Mật đã trao tiền vé. Thế thì đi thôi chứ bàn tính thế nào nữa. Cái nắng mùa đông chẳng gắt gao, những cung đường đèo cứ thế uốn lượn, sương mù vùng cao đã bảnh bao xuất hiện, thì ra chỉ vài tiếng thôi, người ta có thể tự đưa mình đến vùng đất mới gặp những con người mới.
Mật chọn bừa một nhà nghỉ nhỏ gần thị trấn Nông Trường, thuê bừa một chiếc xe máy. Gọi là “bừa” vì Mật chẳng lựa chọn nhiều, đến mức tối hôm đó Mật mới ngỡ ngàng nhận ra, chiếc xe phát ra tiếng kêu lạch cạch mỗi lần nổ máy và cái phòng của Mật gần một nơi nào đó Mật không biết, nhưng đêm tối om, trong cái lạnh da diết của chuyến đi mùa đông, mùi phân bò trỗi lên đậm đặc. Thôi thì, hối hận cũng đã muộn màng.
Trong cái không gian đậm mùi bất đắc dĩ đó, Mật nhớ ra mình phải đi ăn cá hồi. Đến Mộc Châu mà không ăn cá hồi thì tiếc lắm, ăn cá hồi trong cái rét đậm này mà không uống rượu thì càng phí. Cá hồi ở Mộc Châu không bán cho một người, người ta bán mỗi suất 250 nghìn và chỉ nhận phục vụ 2 người trở lên. Mật phải tốt phước lắm mới nhận được sự ưu ái đặc biệt của quán cá hồi Vườn Đào. Chú chủ quán sau khi nằng nặc bảo Mật ra sân sau ngắm cá hồi dù Mật thấy chả có gì để ngắm, thì đã mời Mật vào bàn. Có bốn món lần lượt được dọn ra: cá hồi sống cắt từng lát óng ánh ăn kèm với rau tía tô, xoài và mù tạt, cá hồi chiên xù giòn rụm nóng hổi, da cá hồi chiên dậy vị và tô cháo thơm nức mũi.
“Cho cháu một chai rượu táo mèo”. Rượu ở đây có vài chục nghìn một chai thôi. Mật thèm rượu táo mèo từ lâu lắm rồi, lần này phải uống cho đã. Chú chủ quán phản đối, ơ kìa, chú bảo quán chú thì rượu nếp nấu là ngon nhất. Chú chỉ bán cho cháu đồ ngon nhất và chú uống cùng cháu. Uống rượu nếp một mình buồn lắm. Chú nói chứ không hỏi, rồi chú ngồi xuống rót rượu, cạn chén. Chuyện trò đôi điều, tự dưng đêm không còn lạnh nữa. Mộc Châu mười độ mà sao Mật thấy ấm quá. Chẳng biết ấm do rượu hay do uống cùng chú.
Những chuyến đi một mình cho ta sự cởi mở và mở lòng. Hình như chỉ trong những lần đi một mình, ta mới bạo dạn nói chuyện với người lạ, bất kỳ ai ta gặp, ta cũng dễ trao nhau nụ cười, chắc vì ta biết, họ sẽ không giao ta cái deadline nào gấp gáp đâu. Có những câu chuyện ta giấu kín với người quen, ta sợ người thân biết nhưng sà vào một người lạ, ta biết ơn vì họ đã lắng nghe. Đời này biết có gặp lại nhau không mà phải e dè, ta đã nghĩ như vậy đấy. Thật kỳ lạ, mà cũng thật thi vị.
Chén chú chén cháu được hơn chục chén, chú phải quay lại bán buôn tiếp, ai rảnh mà tiếp cả tối. Mấy chục phút còn lại, Mật vừa nhâm nhi rượu vừa ăn sạch cá hồi. Chú nói đúng thật, rượu nếp nấu Mộc Châu ngon ơi là ngon, cái vị nồng đó khi đi vào thực quản chỉ hơi gắt lên một chút rồi lại ấm ngay. Thơm cả miệng, thơm cả dạ dày và thơm cả tấm lòng. Tự dưng, Mật muốn khóc. Rượu xộc lên mũi hay do Mật uống nhiều quá, chẳng biết cái nào mới đúng. Mật vội vã trở về nhà nghỉ, không thể khóc ở quán người ta được. Chú tốt bụng mà thấy thì không hay lắm, chú lại tưởng Mật khóc vì tiếc tiền hay yếu đuối nhớ nhà thì ngại lắm.
Thị trấn Nông Trường về đêm vắng queo, gió rít từng cơn. Cỏ cây ướt đẫm sương, trong cái lạnh tái tê đó, Mật quên mất mình vừa thấy rất ấm lòng, Mật nghe tiếng côn trùng kêu trong từng lùm cây. Mật thấy ánh đèn vàng hắt lên từng góc đường.
Những chuyến đi một mình rất vui, nhưng cũng rất buồn là vậy. Chỉ có đi một mình ta mới có chuyến đi hoàn toàn của mình. Lịch trình của mình. Thời gian của mình. Món ngon của mình. Cung đường của mình. Bạn mới của mình. Câu chuyện của mình. Trải nghiệm đáng nhớ của riêng mình. Nhưng đi một mình đâu chỉ có vậy. Ta còn có, nỗi buồn của mình.
Nỗi buồn không được sinh ra trong chuyến đi một mình. Nỗi buồn có trước đó, nhưng được khéo léo cất giấu. Đến khi một mình ở xứ người, nỗi buồn không muốn sống lặng lẽ nữa. Nỗi buồn có tiếng nói của nó, và không chỉ nói, nó còn biết giãy giụa làm ta đau đậm đà. Nỗi buồn mạnh mẽ nhất khi nó gặp được cái lạnh tê tái, chút thức uống có cồn. Ngay lúc đó, ký ức trỗi dậy, ta không còn sức kháng cự.
Mật nhớ đến laotong của mình. Trong văn hóa Trung Quốc, laotong chỉ mối quan hệ chị em thân thiết không giấu nhau bất cứ điều gì. Laotong của Mật là Ù.
Ù không ù chút nào, à cũng có thời gian ngắn, Ù rất ù, sau đó, Ù nói không giảm cân nhưng lại xuống ký rất nhiều. Chắc Ù xạo, con gái không thích nói ra chuyện mình nỗ lực giảm cân mà muốn người ta nghĩ mình tự nhiên thon thả.
Bao lâu rồi Mật chưa gặp Ù. 1 năm 8 tháng. Mùa đông hằng năm, Mật sẽ nhận rất nhiều quà từ Ù, vì Ù biết Mật thích mùa đông, thích cái lạnh, thích ăn ngon, thích mặc đẹp. Mật khôn quá, cái gì ngon lành là thích hết, nhưng Ù chiều tất cả. Ù trích tiền lương ít ỏi mua cho Mật gấu bông, áo đẹp, bánh kem, đôi giày. Ù không tiếc cái cho Mật. Tiền bạc, thời gian, sự dịu dàng, tình thương, lòng bao dung.
Mật nhớ Ù quá, nhớ đến đâu nước mắt chảy dài đến đó. Mật sẽ không bao giờ được gặp lại Ù nữa, dù rằng bằng tất cả sức mạnh lý trí và kiến thức tâm linh, Mật tin rằng hai đứa sẽ gặp nhau ở một kiếp khác, vì đã là tình nghĩa đậm sâu thì ta chắc chắn gặp lại. Nhưng kiếp này, gặp nhau là chuyện không thể.
Ù đã che chở cho Mật suốt một kiếp người, cho đến tận giây phút cuối của ngày ra đi, Ù cũng nắm chặt tay Mật. Mật không buông tay, nhưng Ù đã đi. Ký ức đau buồn đó, Mật chưa từng quên. Dù mỗi lần nhớ là một lần đau rất đau, Mật không muốn quên, vì nếu xóa đi ký ức đó, Mật không tưởng tượng được cuộc sống không có Ù.
Sau khi Ù mất, Mật bình thản đi học, đi làm, đi chơi như chưa có gì xảy ra. Nhưng Mật không giấu được sự bần thần trên gương mặt và sự mất mát chiếm hết con tim mình. Mật có một lời hứa chưa kịp thực hiện với Ù đó là dẫn Ù đi chơi miền Bắc vào mùa đông. Cái hẹn đó mãi mãi là ước hẹn.
Lúc nhỏ, Ù với Mật đều mong sẽ lớn thật nhanh. Nhưng hai đứa không biết, lớn lên đồng nghĩa với việc ta phải tập làm quen với chia ly, mất mát và mất nhau. Chưa kịp hiểu chuyện, hai đứa đã hai ngả.
Đêm rượu nếp Mộc Châu, Mật tưởng là phải vui lắm.
Cũng vui thật. Mật đã vui vì cá hồi, vì rượu, vì cái lạnh xuyên qua ba lớp áo làm ướt đẫm tâm hồn, vì tình người xứ lạ làm tan chảy mọi dòng cảm xúc khắc khoải. Mật cũng vui vì ký ức yêu thương với Ù vẫn vẹn nguyên như thế.
(truyện)