My Liberation Notes – Nhật ký tự do của tôi – những thước phim chân thực như hơi thở mùa hè.
Dạo này cuộc sống của mình biến chuyển không ngừng đến mức đang thất nghiệp chứ bạn bè bảo bay ra Đà Nẵng đi chơi cùng mình mà không thể nhận lời, vì không quyết được ngày mai sẽ ở đâu. Trong khi nó lại mang một vẻ ngoài rất cố định, sáng trưa chiều tối cần làm gì đều được sắp xếp rõ ràng. Những lúc có thời gian nhâm nhi gì đó thì mình mở My Liberation Notes – Nhật ký tự do của tôi lên xem. Tài khoản Netflix tháng nào cũng đóng tiền đều đặn nên thỉnh thoảng phải cày phim chứ nhỉ.
My Liberation Notes là phim Hàn, mới ra đến tập 6 thôi. Từ tập 6 thì diễn biến của phim bắt đầu thay đổi, các nhân vật bước vào hành trình “thoát xác”, trưởng thành. Phim thuộc dòng Slice of life – lát cắt cuộc sống, miêu tả những điều chân thực, bình thường, thân quen và đầy thấu cảm.
Xem My Liberation Notes cảm giác như xem Little Forest (Hàn) phiên bản dài tập. Nhịp phim chậm rãi, nhẹ nhàng, hình ảnh, âm thanh đều rất đẹp và những lời thoại thật-như-đời-mình.
Trong cái mùa hè nóng bức đó, mọi người đều có một điểm chung: không hài lòng với cuộc sống của mình. Họ đang sống trong thực tại và muốn thoát khỏi thực tại.
“Theo các bạn, độ tuổi của thanh niên được tính tới bao nhiêu tuổi?” Đây là câu hỏi trong cuộc khảo sát mà công ty của người chị cả Yeom Gijeong (đang làm nhân viên) thực hiện lấy khảo sát từ người dân Hàn Quốc.
“Ở Seoul, độ tuổi phù hợp để coi là thanh niên là từ 19 đến 29. Nhưng ở Jeolla là hết 39 tuổi. Ở Bonghwa, Bắc Gyeongsan vẫn coi một người là thanh niên đến tận 49 tuổi. 56% người dân Seoul cho rằng độ tuổi phù hợp là từ 19 đến 29 tuổi.”
Như vậy, người thành phố xem độ tuổi thanh niên ngắn hơn nên họ sống gấp rút hơn. Còn người ở nông thôn lại thấy quãng thời gian tuổi trẻ dài hơn, nên sống cũng chậm hơn.
Tuổi trẻ của chúng ta có giới hạn nên mọi người mới hay nói “thanh xuân chỉ có một lần”. Thanh niên là khoảng thời gian đẹp để tận hưởng cuộc sống, nhưng cũng là độ tuổi lao động hăng hái nhất.
Anh trưởng phòng cùng công ty của cô út Mijeong bảo: “Nếu muốn tự do, chỉ có thể ly hôn và nghỉ việc”
Và anh đồng nghiệp đáp lại: “Tôi đã làm một trong hai nhưng vẫn không thấy tự do hơn”.
(Đoạn này mà nói về pháp và tự do trong đời sống tâm linh thì dài miệt mài nhưng đọc tiếp nào, bài này chỉ nói về phim thôi)
Cùng với Mijeong, đây là bộ ba hướng nội thường xuyên bị réo gọi ở công ty vì không chịu tham gia câu lạc bộ nào. Đoạn này mình thấy đồng cảm ghê gớm. Hồi đi làm ghét nhất là bị bắt đi team building rồi chơi mấy cái trò cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, ai chơi thua thì phải lên sân khấu. Uầy, mình còn rất lười đi year end party các kiểu.
Đấy, chiếc phim My Liberation Notes – Nhật ký tự do của tôi cho mình những câu chuyện gần gũi như vậy. Yeom Gijeong không hài lòng với ngoại hình của mình đến nỗi cảm thấy mái tóc dài là một gánh nặng nữ tính =)) Cô còn luôn ấm ức vì dường như mọi người đều vô thức phớt lờ mình, ví dụ như anh giám đốc mua vé số tặng random cả công ty trừ cô.
“Gần đây tôi mất kiên nhẫn. Tôi chỉ muốn chết đi. Sau 14 năm công việc của tôi vẫn vậy, những cuộc hẹn hò vẫn vậy và con người vẫn vậy. Tôi chửi rủa và nổi điên theo cùng một cách. Tất cả đều là sự lặp lại giống nhau”.
“Tôi không muốn chỉ nói gì đó để cảm thấy tôi vẫn tồn tại. Tôi muốn nói chuyện để thư giãn.”
Yeom Changhee không hài lòng về làng quê của mình – một ngôi làng quá xa Seoul mà mỗi ngày anh cùng 2 chị em của mình phải dành 3 tiếng để ngồi xe bus đi làm. Anh cho rằng chính cái ngôi làng này khiến anh trở thành người nhà quê, thế nên mới bị bạn gái chia tay. Yeom Changhee nói nhiều nhưng không thích người nói nhiều (cái này quen ghê). Changhee bị ám ảnh chuyện nhà mình ở xa đến mức ngày chia tay bạn gái vẫn hẹn gặp ở một nơi tiện đường về nhà. Đoạn này mình cũng thấy hơi quen vì hồi xưa đang cãi nhau căng thẳng với bạn trai giữa đèo là đầu óc mình bắt đầu nghĩ, giờ mà chia tay luôn ở đèo thì sẽ tự về nhà kiểu gì.
Bạn của Changhee nói: “Tôi ước mình có thể làm việc trong một văn phòng. Tôi muốn ngồi trong một toà nhà, nơi thật yên tĩnh ngay cả khi bên ngoài có giông bão“. Khi người ta làm một công việc phải đi ra đường nhiều, họ sẽ thích được làm văn phòng. Nhưng đến khi làm văn phòng, họ lại bảo muốn thoát ra khỏi những tòa nhà.
“Mọi thứ không thay đổi nên người phải thay đổi chính là tôi” – câu này của anh trưởng phòng cùng công ty với Mijeong.
Mijeong có nhiều đoạn độc thoại nội tâm đắt giá. Cô luôn cho rằng mình là người tầm thường, sống một đời nhàm chán, không hạnh phúc cũng không bất hạnh, không vui cũng không buồn. Mijeong ít nói nên mọi lời nói của cô đều quý giá.
“Kiếp trước chị đã sống như em nên kiếp này mới sống vô lo vô nghĩ. Còn kiếp trước em đã buông thả đủ rồi nên bây giờ mới sống đoan chính như vậy. Chúng ta đều đã trải qua vô số lần nếu thì, sao phải tỏ vẻ ngây thơ?” – bạn của Mijeong nói thế này.
Mijeong cứ sống lặng lẽ, hòa tan bản thân vào đám đông . Cô cảm thấy mình bị mắc kẹt và đang vùng vẫy thoát ra, dù Mijeong có một gia đình đầy đủ, có người bố chăm chỉ lao động, có người mẹ luôn nấu cơm đợi về, có anh chị nhậu cùng, nhưng cô vẫn luôn thấy trống trải, lạc lõng, thấy mình chưa từng được sống hết lòng, yêu hết dạ.
“Tôi muốn tự do. Tôi muốn được giải phóng. Tôi không biết mình bị mắc kẹt ở đâu nhưng tôi cảm thấy bị mắc kẹt. Không có gì trong cuộc sống khiến tôi thoải mái. Tôi cảm thấy bị tù túng và ngột ngạt. Tôi muốn được tự do.”
“Tôi không làm được
Tôi mệt mỏi lắm
Tôi cảm thấy kiệt quệ
Tôi không biết mình bắt đầu mắc sai lầm ở đâu
Tôi chỉ biết mình kiệt sức.
Mọi mối quan hệ đều là sự lao động
Mỗi phút mỗi giây tôi mở mắt, đều là đang lao động.
Không có gì xảy ra với tôi
Cũng không một ai thích tôi”
Trái tim Mijeong chưa từng được sưởi ấm và cô cũng chưa từng sưởi ấm trái tim nào. Thế nên, cô mới kết nối với Gu, mới muốn Gu sùng bái mình bằng cách cổ vũ mình, sùng bái chứ không phải yêu. Gu là người đàn ông bí ẩn (Son Seok Gu thủ vai – nam diễn viên này là lý do mình nhất định phải xem phim) và có lẽ những tập sắp tới sẽ hé lộ lý do một người đàn ông giỏi làm mọi thứ lại về sống ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Gu trốn tránh thực tại bằng cách nốc rượu. Ngoài giờ làm việc, Gu đắm mình trong rượu, đỉnh cao của sự chán nản là dù trời nắng hay mưa, dù có bị thương, Gu cũng bất động.
Mình nghĩ trong cuộc đời này, ai cũng có ít nhất một khoảnh khắc muốn sống như Gu – “một mình trong ngôi nhà có thể bật điều hòa thỏa thích”. Nhưng nếu sống một đời như thế thì chắc chắn không được rồi. Vì đằng sau cái lớp vỏ “không làm gì, không vướng bận” đó là một thế giới đầy tổn thương, cô đơn.
“Nhật ký tự do của tôi” kể những câu chuyện đời thường như vậy khi chúng ta đều đang sống và không thực sự hài lòng về cuộc sống lặp đi lặp lại của mình. Từng thước phim đều mang đến cảm giác “chữa lành”. Từ tập 6, các nhân vật trong phim sẽ lần lượt có những “bước ngoặt” thay đổi cuộc đời, chắc chắn không phải là kiểu gây sốc, chấn động khiến người xem phải há hốc mồm, nhưng chúng ta sẽ cùng nhìn thấy nhân vật trưởng thành, “giải phóng” và trong hành trình đó, chúng ta cũng nhìn thấy chính chúng ta. Phim chậm rãi đến mức quay từng chuyển động nhỏ, từng chiếc lá, từng giọt mồ hôi, từng bước đi chậm chạp đều đều mỗi ngày. Vậy mà khi xem phim, mình không nỡ tua qua một đoạn nào. Một bộ phim mùa hè rất hợp với những ngày hè của mình.
“Em mong sao tất cả chúng ta đều hạnh phúc
Như ánh mặt trời chói chang
Không một vết nhăn nhúm”
Em đang xem phim này chị ạ. Không hiểu sao em thấy chị út này sao em thấy em trong hình ảnh của chị đó ghê ạ. Em cũng chả thích nói chuyện nhiều, ko thích hoà nhập vào đám đông, em nói nhiều em mệt lắm chị ạ. Nhưng, em thích nói chuyện với một vài người em thích thôi. Chỉ một số ít người như thế thôi ạ.
Chị nghĩ mấy đoạn độc thoại của cô Út sẽ “chạm” những bạn có % hướng nội cao hơn hướng ngoại. Chị thích anh Gu nữa.