Nam Định 2 ngày 1 đêm là chuyến đi của tháng 2, của biển và mặt trời. Một chuyến rất dễ đi, vì Nam Định rất gần Hà Nội, đường sá mượt mà, nhưng cũng vì dễ đi quá nên mình cứ “để dành”. Một ngày đầu năm, khi lên kế hoạch cho 12 chuyến đi cùng nhau của năm 2023, mình viết tên Nam Định vào tháng 2 – tháng sinh nhật của bạn đường. Thế là đến đúng ngày, tụi mình lên đường.
Link mua khăn choàng cổ 2 mặt như ảnh của mình tại đây.
Link đặt khách sạn nếu bạn muốn nghỉ qua đêm ở TP. Nam Định tại đây.
Như hầu hết chuyến đi của mình, chuyến này không có lịch trình cụ thể từ đầu. Mình chỉ liệt kê một vài điểm nhất định phải ghé ở Nam Định, phần còn lại để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Vậy mà trong suốt chuyến đi, tụi mình đã nhiều lần sửng sốt trước sự nguy nga, tráng lệ của những nhà thờ trải khắp Hải Hậu, Xuân Trường và hạnh phúc trước vẻ đẹp bình yên của làng chài bên bờ biển Xương Điền. Hơn hết, mình thổn thức trước khoảnh khắc đỏ rực của hoàng hôn và bình minh.
“Chỉ là ai cũng có những ngày trẻ, rồi thì cũng sẽ già nua
Những ngày mà chân chưa mỏi, có tiền cũng khó mà mua
Những ngày nào đó, khi tâm tư được vẫy vùng
Và ta sẽ cùng mở nhạc, giữa rừng xanh và nhảy cùng
Là đâu đó giữa trập trùng núi và non kia
Nằm trên đồi hút điếu thuốc và ở trong túi là lon bia”
2 ngày 1 đêm ở Nam Định đã đáng nhớ như thế này
Để đến Nam Định, bạn cần chỉ di chuyển 2 tiếng từ Hà Nội. Còn nếu bạn không ở Hà Nội thì đặt ngay vé máy bay để vi vu nhé!
Mua vé máy bay giá hạt dẻ TẠI ĐÂY.
Ghi chú: Đây là link tiếp thị liên kết, nếu bạn đặt vé qua link này thì mình sẽ nhận được một khoản ủng hộ nho nhỏ. Xin hoan hỉ cám ơn. ♥️
Ngày 1
Hà Nội – Chùa Cổ Lễ
10g sáng, tụi mình mới bắt đầu xuất phát, sau khi đã no nê bánh cuốn và mua bảo hiểm xe máy. Điểm đến đầu tiên là chùa Cổ Lễ, cách HN hơn 100km. Dong xe máy chạy dọc theo Quốc lộ 1A, không cần vội vã, gần 1h tụi mình đến chợ Diên Hồng, TP Nam Định lấp đầy bụng bằng bát bún sung. Nghe tên hơi lạ chứ thực chất là bún riêu tóp mỡ ăn kèm sung. Một bát như này là 10k, thêm cốc nhân trần 3k nữa là xong bữa trưa. Vì quá thèm cafe nên tụi mình tấp lề phê pha một tí rồi mới lên đường.
2 giờ chiều, tụi mình đặt chân đến chùa Cổ Lễ – nơi thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không – Đức Thánh tổ có công khởi dựng chùa vào thời Lý (thế kỷ XII). Quần thể chùa rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, kiến trúc bên trong gây choáng ngợp. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa dân gian, chùa Cổ Lễ còn là di tích cách mạng gắn với sự kiện 27 nhà sư đã “cởi áo cà sa”, lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến thời kỳ chống Mỹ, chùa Cổ Lễ tiếp tục là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định.
Tụi mình dành nhiều thời gian đọc hiểu và tham quan, tuy nhiên, mình không có thói quen chụp ảnh bên trong chùa.
Nhà thờ Kiên Lao
Nam Định là xứ sở của nhà thờ. Các công trình mang đậm kiến trúc Gothic với những mái vòm nhọn đặc trưng trải dài khắp tỉnh, đặc biệt là huyện Xuân Trường và huyện Hải Hậu.
Thời tiết Nam Định tháng 2 rất đẹp, bầu trời xanh ngắt, nắng rực rỡ mà không chói chang. Điểm đến thứ 2 của hành trình là nhà thờ Kiên Lao ở huyện Xuân Trường.
Đền thánh Kiên Lao đẹp lộng lẫy như lâu đài cổ tích, hai bên nhà thờ có hồ nước và những dãy đèn đường thơ mộng. Tụi mình lượn vào khuôn viên bên trong tham quan, chụp vài tấm ảnh. Ở các nhà thờ mình ghé qua, người ta luôn mở rộng cánh cửa, trẻ con vui đùa, đá bóng rất vui vẻ.
Nhà thờ Hưng Nghĩa
Cách nhà thờ Kiên Lao 10km là giáo xứ Hưng Nghĩa – cũng là “tòa lâu đài” có kiến trúc tinh xảo, choáng ngợp nhất với mình. Nhà thờ này thuộc xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, xây từ năm 1927 và được trùng tu lại từ năm 2000.
Hải Hậu nhiều nhà thờ đến nỗi bạn không cần phải tìm hiểu trước danh sách, chỉ cần dong xe chạy dọc địa phận huyện, bạn đã thấy rất nhiều công trình tôn giáo to lớn, nguy nga. Giáo phận Bùi Chu ở Nam Ðịnh có 13 giáo hạt với 159 giáo xứ, 17 chuẩn xứ, 425 giáo họ, đặc biệt các nhà thờ đều lộng lẫy nhưng không hề giống nhau.
Sử liệu Pháp ghi lại rằng, vào năm 1516 có một nhà hàng hải Bồ Ðào Nha tên là Phéc-nao Pê-rét đờ An-ra-đê (Fernao Perez de Andrade) đã đến tận bờ biển Việt Nam. Trong bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục được Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo dưới triều Tự Ðức có nói đến chỉ dụ cấm đạo Công giáo (khi đó gọi là đạo Gia-tô, phiên âm từ chữ Giê-su trong tiếng Hán) có đoạn chú thích và được dịch nghĩa như sau: “Ðạo Gia-tô, theo bút ký của tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người Tây dương tên I-nê-khu, lén đến truyền đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy”. (Nguồn: báo Nhân dân)
Các làng nêu trên lần lượt thuộc ba huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Xuân Trường của tỉnh Nam Ðịnh ngày nay.
Ăn kem, chơi cát & ngắm hoàng hôn
Muốn ngắm hoàng hôn bên bờ biển nên tụi mình chạy thẳng về Xương Điền, nơi nổi tiếng với nhà thờ đổ. Thật chẳng thể so sánh với những bãi biển xanh cát trắng ở miền Trung quê mình, nhưng nơi này để lại trong mình cảm giác bình yên, nhẹ nhàng vô cùng.
Tụi mình ngắm nhìn người dân kéo lưới lên, dọn dẹp thuyền thúng để sáng mai tiếp tục ra khơi. Mình mua một cây kem mát lạnh, vừa ăn vừa chơi đào cát.
Từ 5 giờ, hoàng hôn bắt đầu buông lơi, thả xuống thứ ánh sáng rực rỡ. Mình đi bộ quanh làng chài và ngắm mặt trời trong những giây phút cuối ngày. Thật đẹp.
Đêm no nê hải sản ở làng chài
Lúc đầu mình định quay về thành phố ngủ, nhưng rồi bị làng chài hấp dẫn nên quyết định ngủ lại đây để sáng mai đón bình minh trên biển. Làng chài nhỏ có nhà thờ Xương Điền rất to, xung quanh có vài nhà nghỉ. Tụi mình chọn nhà nghỉ Hải Yến, phòng trên tầng, có thể nhìn ra biển. Nhà nghỉ cũ, một phần vì gần biển, sạch sẽ, 250k/đêm, rất ổn.
Chị chủ không vồn vã, chỉ nói những điều cần thiết và gợi ý tụi mình ăn tối ở nhà hàng Quý Cao, ngay nhà thờ đổ. Bữa tối với tôm, mực và cơm rang no nê chỉ 400k. Lâu lắm rồi mình mới ăn hải sản tươi ngon thỏa mãn như thế. Ăn xong thì về nhà nghỉ, tuổi già ập đến nên 10 giờ đã say giấc.
Ngày 2
Bình minh rực rỡ trên biển
5 giờ sáng, tụi mình đã tỉnh giấc. Nhìn qua cửa sổ thấy mặt trời bắt đầu đổ gam màu đỏ lên biển. Trời vẫn còn lạnh, tụi mình khoác áo phao, đi dạo và ngắm trọn vẹn khoảnh khắc bình minh.
Từ đỏ rực đến cam vàng, mặt trời dần hiện lên, sóng đánh chậm rãi, những chiếc thuyền nổ máy ra khơi, một khung cảnh thanh bình và lãng mạn.
Thả diều & mua bề bề mang về
Trời sáng hẳn, tụi mình đi ăn cháo lòng. Sau đó tiếp tục lượn ra biển, người dân đã trở về đất liền sau màn đánh bắt. Tôm, cá, mực, bề bề ăm ắp trong những tấm lưới. Mọi người đón thuyền lên, gỡ lưới, phân loại và đem bán hải sản tại chỗ.
Tụi mình lấy diều ra chơi. Diều mang từ Hà Nội, mua đã lâu mà nay mới được dịp tung cánh trên nền trời xanh ngắt.
Chơi diều chán chê, tụi mình mua 1 thùng bề bề, rất nhiều chỉ với 250k. Đem về nhà nghỉ, hấp qua rồi cho vào thùng xốp, ướp đá, cột sau yên xe, đem về Hà Nội.
Ghé nhà thờ Hải Nhuận dọc đường về
Đầu giờ chiều, tụi mình men theo đê sông Hải Hậu về lại Hà Nội. Đi hơn 10km thì thấy xa xa thấp thoáng một nhà thờ xinh đẹp nên ghé vào chơi một lúc.
Sau đó chạy thẳng về thành phố, ăn thử món phở cồ trứ danh ở quán phở Tạo. Mình ăn phở tái chín và phở áp chảo, ngon và rẻ, tầm 30-40k.
Đền Trần
Đã đến thành phố Nam Định thì phải ghé đền Trần nhỉ. Lễ hội xin ấn đền Trần nổi tiếng khắp nước mà giờ mình mới biết. Mình ghé khi đã hết tháng Giêng mà vẫn rất đông người đi xin ấn và cúng lễ hoành tráng lắm. Hôm đó có hầu đồng nên mình xem một chút rồi lên đường đi tiếp.
Men theo triền đê sông Hồng, đi theo bóng mặt trời về Hà Nội
Từ đền Trần về Hà Nội, mình đi theo google map, đoạn này phải cám ơn google map thật nhiều vì không gợi ý cho mình đi đường lớn mà lại cho đi đường đê.
Men theo triền đê sông Hồng, cây cỏ xanh mướt, trù phú, sông nước hữu tình. Các hộ gia đình đều sở hữu mô hình vườn – ao – chuồng. Một lần nữa, trên cung đường xuôi ngược, tụi mình được đuổi theo bóng mặt trời, ngắm hoàng hôn trên đường về nhà.
Hạnh phúc trên những chuyến đi là như thế đó. Biết ơn ♥️
Là ngày mà đôi mắt ta chưa trở nên đục ngầu
Là ngày mà ánh sáng khiến ta nhìn thấu được mình
Là ngày mà tâm tư ta chưa thành lá mục nâu, rồi tàn
Tàn vào trong những biếc sâu
Đi theo bóng mặt trời.