Ở Hướng Hóa, Quảng Trị có một khu bungalow tên là Năm Mùa, cùng chủ với Năm Mùa Boutique ở Huế. Anh chủ bungalow mua quả đồi từ 10 năm trước, chỉ dựng một căn nhà nhỏ để thi thoảng về nghỉ dưỡng sống gần gũi với thiên nhiên. 2 năm nay, anh xây thêm vài căn để đón khách đến chill giữa núi rừng. Khuôn viên Bungalow giống một trang trại khi trồng nhiều cây cà phê, đào Đà Lạt lẫn đào Trung Quốc, hoa lê Tây Bắc,…
Mình hỏi anh tại sao đặt tên là Năm Mùa, anh mới bảo: “Vũ trụ có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Anh đặt thêm một mùa, là mùa của mình. Ví dụ như hôm nay em thấy vui thì mùa thứ 5 đó mùa vui, còn nếu em buồn thì nó sẽ là mùa buồn.” Vậy là có một mùa do mình tự lựa chọn.
Mình của trước đây thường nói bản thân không được lựa chọn, chưa ra trường đã phải lao vào đời kiếm tiền để rồi nhiều năm sau nhìn lại thấy mình không thích đi làm đến mức bận rộn quanh năm suốt tháng như vậy, nhu cầu bản thân không cần nhiều tiền đến thế. Có lúc nghĩ ngợi, thật ra mình có thể lựa chọn khác đi. Nếu mình chỉ làm một công việc với mức lương tầm 7-8 triệu thì mấy năm qua mình có sống được không. Được đấy chứ. Bằng cách này hay cách khác, mình và gia đình vẫn sẽ sống được thôi. Đời sống vật chất có thể lựa chọn. Nhưng đời sống tâm linh nói chung và cơ hội phát triển tâm linh nói riêng thì không phải mình muốn là chọn được.
Không phải cứ lao vào đời sớm thì sẽ ăm ắp kinh nghiệm sống. Có những người đi làm ở thành phố bao nhiêu năm vẫn bị móc túi như thường. Có người nghỉ việc, ngồi thiền, đọc nhiều sách tâm linh, nói chuyện tu tập suốt ngày mà không phát triển tâm linh. Có người đi làm thuê ngày 8 tiếng vẫn thấy mình là cánh chim tự do.
Cuộc sống đưa bài học nào thì chúng ta phải học bài học đó.
Những bài học đủ khó để khi học qua, ta lớn lên nhưng không khó đến mức khiến ta bỏ học. Bài học phát triển tâm linh được đặt ra ngay từ khi ta chào đời, hoặc là trước đó. Nên ta cứ thế mà đi, đi là học. Mình sẽ kết hôn nếu thiếu bài học về hôn nhân, hoặc mình sẽ độc thân nếu thiếu bài học đó ở kiếp sống này. Người thiếu bài học tĩnh lặng sẽ phải học nó dù sống ở thành thị đông đúc. Người thiếu bài học hòa nhập cộng đồng sẽ phải học nó dù có trốn lên rừng sâu. Những bài học tâm linh dù có trốn cũng không được, nếu học sơ sài thì sẽ phải học đi học lại cho đến khi nào thực sự học được mới thôi.
Bạn mình khi thất tình thì khóc lóc liên miên từ ngày này sang ngày khác và bảo là “trong chuyện tình cảm này, người ta lừa mình chứ mình yêu hết lòng hết dạ thì có làm gì sai đâu”. Không bàn chuyện đúng sai nhưng chừng nào mình còn nghĩ là người khác làm mình khổ thì trước sau gì, chuyện cũ cũng sẽ lặp lại. Mình không cho người khác cơ hội lừa mình thì còn lâu họ mới lừa được mình. Nếu cứ đóng vai nạn nhân trong cuộc đời mình thì mình sẽ phải học lại bài về trách nhiệm. Khi mình chưa chịu học, bài học sẽ lặp lại liên tục, cường độ thậm chí còn mạnh hơn.
“Người ta sống và chạy theo quán tính hơn là biết suy ngẫm và thức tỉnh. Không phải họ không có thời gian mà là không có cơ duyên và bản lĩnh để thức tỉnh. Có lẽ đã đến lúc con người cần phải học bài học của mình rồi! Không có cách nào khác. Chúng ta đều biết rằng, thức tỉnh một kẻ phá sản, thất nghiệp, nghèo khổ thì dễ hơn thức tỉnh những kẻ đang ngạo nghễ với nhiều lớp vỏ bọc dày cộp bên ngoài – tiền bạc, tiếng tăm, địa vị, chức tước, bằng cấp,… – trong khi những giá trị bên trong như lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự hiểu biết về tâm linh của họ lại hầu như rỗng tuếch hoặc quá nghèo nàn”.
– Trích từ Muôn kiếp nhân sinh 2
Chúng ta chịu những quy luật vũ trụ giống nhau, nhưng tùy theo duyên nghiệp mà cuộc sống xảy ra với người này khác người kia. Chúng ta không được chọn bài học tâm linh, nhưng chúng ta được chọn kết thúc nó sớm hay muộn tùy thuộc vào sự tỉnh thức và tu tâm. Giống như chúng ta đứng dưới bầu trời, không quyết định được hôm nay nắng hay mưa, nhưng có thể chọn trú mưa hay tắm mưa, tắm nắng hay trốn nắng.
Mình gặp nhiều người giàu có về vật chất, khi đạt đến ngưỡng nào đó, họ nhận ra cái họ cần là giàu có trong đời sống tâm linh. Tất cả họ đều nói với mình rằng “Buông bỏ ở đây không có nghĩa là cho đi hết của cải, tài sản của mình, chỉ là không chạy theo nó nữa”. Tiền tài, nhà cửa, xe cộ đều là phương tiện của đời sống vật chất. Những thứ đó đều không xấu, chỉ có con đường đạt được nó khiến mình xấu hay tốt mà thôi.
Bạn mình hỏi sao mình cứ liên tục gặp thử thách, cuộc đời tràn ngập drama mỗi ngày. Đó là bài học trong kiếp này của mình, học bình tâm trong cơn bão, học chịu trách nhiệm, học đứng vững trước cám dỗ, học từ chối, học tha thứ, học chấp nhận,… Có những lúc tưởng mình đã học xong nhưng bài học mới lại đến. Còn sống là còn học. Nếu chết đi thì sang kiếp sống tiếp theo, mình vẫn sẽ tiếp tục học. Vì “người” học là linh hồn chứ không phải thân xác hay trí tuệ này.
Theo mình thấy, khi học được bài học với người nhà, gia đình thì những bài học khác, mình đều học dễ dàng hơn. Vì gia đình khác với bạn bè ở chỗ, họ có sẵn ngay từ khi ta sinh ra. Chúng ta phép tắc, chừng mực với mọi người và dễ dàng “thả tung cửa” với người nhà. Cũng vì vậy mà dù chẳng tiếp xúc với ai, mình vẫn liên tục học từ bài này qua bài kia ngay trong chính gia đình mình. Có lúc mình nghĩ mình đã học xong bài tha thứ, nhưng để kiểm tra mình có thật sự pass hay chưa, vũ trụ liền giao cho mình bài tập hiện tại.
Chú mình hôm trước gọi điện bảo “con có học cao hiểu rộng đến đâu thì trong cái cuộc đời này, con cũng còn nhỏ bé lắm, còn phải học nhiều. Như thời con đi học vậy, học xong thì phải thi. Giai đoạn này chính là bài thi của con. Con phải bình tĩnh, tự tin để vận dụng kiến thức đã học trước đó vào kỳ thi”. Lúc nghe chú mình nói, mình ngỡ ngàng đôi chút vì không nghĩ người chú nóng tính, quanh quẩn với rẫy đồi lại nói những câu triết lý như vậy. Một giây nghĩ thoáng qua đó làm mình nhận ra, mình vừa học lại bài “chấp hình tướng”.
“Tất cả những hiểu biết, vô thần hay tâm linh đều nằm trong tâm thức con người. Trong nhiều trường hợp, nó không được phát hiện mà vẫn bị che phủ. Khi lớp màn dần dần vén lên, chúng ta nói “Chúng ta đang học tập”. Sự gia tăng hiểu biết được gia tăng trong quá trình vén bức màn này. Như lửa trong viên đá lửa, hiểu biết tồn tại trong tâm thức, gợi ý là ma sát làm tóe lên ngọn lửa.
Hiểu biết tâm linh là thứ duy nhất có thể phá bỏ đau khổ mãi mãi, bất cứ hiểu biết nào khác chỉ làm thỏa mãn ham muốn nhất thời.
Chỉ với hiểu biết tâm linh, ham muốn mới bị tiêu trừ mãi mãi, nên giúp đỡ một người về tâm linh là hình thức giúp đỡ cao nhất có thể được trao cho anh ta. Người trao cho người khác hiểu biết tâm linh là người làm lợi lạc nhiều nhất cho nhân loại và chúng ta luôn thấy rằng những người quyền lực mạnh mẽ nhất giúp con người về mặt tâm linh bởi vì tâm linh là nền tảng của mọi hoạt động trong đời sống.
Một người bình hòa, mạnh mẽ về tâm linh sẽ mạnh mẽ trong những lĩnh vực khác nếu họ muốn thế. Cho tới khi có sức mạnh tâm linh, thậm chí cả những nhu cầu thể xác cũng không thể được thỏa mãn hoàn toàn. Kế đến là giúp đỡ về mặt tư duy trí óc. Món quà hiểu biết thì lớn hơn nhiều đồ ăn và quần áo, nó thậm chí hơn cả trao cuộc sống cho một người, vì cuộc sống thực của con người bao gồm hiểu biết trí tuệ. Vô minh là cái chết, hiểu biết là sự sống. Cuộc sống có rất ít giá trị nếu là sống trong vô minh và lội qua đau khổ.
Tiếp theo trong thứ bậc về giúp đỡ là giúp một người về mặt thể lý. Vì thế, khi xem xét câu hỏi giúp đỡ những người khác, chúng ta luôn luôn phải nỗ lực không phạm sai lầm nghĩ rằng giúp đỡ về mặt vật chất là loại hình duy nhất. Nó không chỉ là loại hình ở thứ bậc sau cùng mà còn ít giá trị nhất vì nó không thể đem đến sự thỏa nguyện mãi mãi. Đau khổ mà tôi cảm thấy khi tôi đói được thỏa nguyện bởi ăn uống nhưng cơn đói quay lại, đau khổ của tôi chỉ có thể chấm dứt khi tôi thỏa nguyện vượt trên ham muốn. Cơn đói sẽ không làm tôi khổ, không gì có thể lay chuyển tôi. Vì thế, sự giúp đỡ khiến ta mạnh mẽ về mặt tâm linh là loại hình cao quý nhất, tiếp đến về giúp đỡ về tư duy đầu óc rồi mới đến giúp đỡ về vật chất.
Đau khổ thế gian không thể được chữa bởi những giúp đỡ vật chất đơn thuần.
Cho đến khi bản chất con người thay đổi, những nhu cầu vật chất này sẽ luôn gia tăng và đau khổ sẽ luôn được cảm thấy, không có giúp đỡ vật chất nào có thể chữa lành hoàn toàn. Giải pháp duy nhất của vấn đề này là khiến cho nhân loại thanh sạch. Sự vô minh là cha đẻ của tội ác và đau khổ. Hãy để con người chạm đến ánh sáng, tinh sạch và mạnh mẽ về tâm linh, được giáo dục, rồi đau khổ sẽ chấm dứt. Chúng ta có thể biến mỗi nhà thành một trại từ thiện, xây đầy bệnh viện nhưng đau khổ vẫn tiếp tục tồn tại cho đến khi nhân cách con người biến chuyển.”
– Trích từ Karma Yoga của Swami Vivekananda (Trang Thân dịch)
Everything is very open with a clear clarification of the issues. It was truly informative. Your website is very useful. Thanks for sharing!