Ghi lại những ngày chân đi không mỏi, nắng trong, mưa phùn Lâm Thượng đã ôm ấp trái tim an.
Trời chưa hửng nắng, bạn tour guide ở tầng trên gọi điện, hỏi “Khởi hành chưa cậu?”.
Chúng tôi đang ở Ma Lé Homestay – ngôi nhà 240 năm tuổi. Đức – thanh niên chủ nhà bằng tuổi tôi – kể đây là ngôi nhà cổ nhất Hà Giang, giữ kiến trúc nguyên bản, vừa đậm bản sắc văn hóa của người Giáy vừa lẫn chút ảnh hưởng từ người Mông. Ngôi nhà này của một anh họa sĩ, Đức thuê lại làm homestay theo kiểu cũng rất “nghệ sĩ”, không tấp nập đón khách và nhà thường thu hút những tâm hồn thích rong ruổi miền viễn biên.
Ở Ma Lé, tôi có hai hoạt động chính: một là ngồi ở ban công, ngắm mái ngói âm dương trầm mặc, nghe tiếng gió rít và viết lách, hai là đi bộ dọc bản làng, trong cái rét đầu đông, ngắm hoa anh đào nở rộ ở đồn biên phòng Lũng Cú. Cuộc sống cũng ổn, nếu không kể đến căn phòng nhỏ tôi ở đậm đặc mùi phân chuột mà dù tôi đã dành hơn một tiếng đồng hồ để dọn dẹp vẫn không hết mùi. Cổ và cũ, lợi và hại thế đấy.
Ma Lé nằm giữa trục đường từ thị trấn Đồng Văn đến cột cờ Lũng Cú. Tôi đã ở bản Lô Lô Chải ngay dưới chân cột cờ mấy ngày liền, đủ để muốn rời đi. Những chuyến đi của tôi có lịch trình kỳ lạ nên giờ đây, khi viết về hành trình của mình, tôi khó để lại kinh nghiệm về sắp xếp thời gian, cung đường cho ai khác. Như lần này, tôi muốn trở lại Lâm Thượng. Thung lũng cách Hà Giang chỉ 3 tiếng chạy xe, nhưng không có chuyến xe khách nào đi cung đường này. Thế là tôi ngậm ngùi, đặt một bạn tour guide đón từ Ma Lé, đi một tour vòng quanh Đồng Văn – Mèo Vạc – Du Già rồi từ thành phố Hà Giang về Yên Bái. Hơi vòng vèo và phí tiền vì cung đường này, tôi đã đi nhiều năm trước, cũng không háo hức lắm. Nhưng cũng ngập tràn lòng biết ơn vì một lần nữa được ngắm Hà Giang hùng vĩ, đơn độc.
Chúng tôi đến Lâm Thượng vào giữa trưa một ngày nắng trong veo. Dọc đường đi, bạn tour guide thắc mắc “Tớ dân miền Bắc lại làm du lịch mà không biết chỗ này, làm sao cậu biết được thế?”, “Ở đây có gì để chơi mà cậu phải quay lại?”. Bạn cũng tự tìm được câu trả lời khi đến điểm dừng chân, tận mắt thấy ngôi nhà sàn gỗ, mái cọ sừng sững giữa hồ nước tự nhiên, phía bên kia là hai căn bungalow tầm nhìn ra con suối trong vắt. Anh Tý là người đầu tiên phát hiện tôi đã về, anh chạy vội lên gọi anh Giấc. Tạm cất đồ đạc lỉnh kỉnh, tôi theo chân hai anh sang nhà anh Giấc ăn cỗ. Cái số ăn uống, hôm đó, nhà anh Giấc khởi công lợp lại mái cọ nên làm mấy mâm cỗ cúng ông bà và đãi láng giềng. Người Tày ở Lâm Thượng lợp mái nhà bằng lá cọ đã bao đời nay. Mỗi mái nhà như thế cũng vài chục triệu, tính cả tiền công thợ lẫn tiền lá thì trung bình 4 nghìn/lá, tùy nhà 3 gian hay 4, 5 gian mà số lá lên đến hàng nghìn. Mái cọ dùng được 15-20 năm, bền bỉ dưới bầu trời nắng mưa. Nhược điểm của mái cọ là bắt cháy tốt, ưu điểm là mùa hè nắng gay gắt, nằm dưới mái cọ vẫn thấy gió lùa mát rượi. Người Tày ở Lâm Thượng rất thích cây cọ, họ trồng những hàng cọ vững chãi giữa cánh đồng, trên đồi, sau vườn. Lá cọ che nắng, dùng lợp mái nhà, thân cọ xẻ ra làm ván dựng nhà, quả cọ béo ngậy đưa cơm.
Nhà anh Giấc hôm nay không chỉ có người Tày ở Lâm Thượng mà còn có người Dao ở Tân Phượng sang lợp mái. Mọi người khẽ nhìn một cô gái có vẻ là người Kinh đến chơi, vẻ mặt không giấu được sự tò mò, lúc tiệc tàn, tôi lao vào rửa bát, mọi người còn rầm rì “Chà, con gái Kinh thì ra cũng giỏi thế”. Tôi cười rôm rả với Nhoáng, chào bố mẹ anh Giấc rồi ngồi vào mâm, gọi là mâm thanh niên vì mâm này chỉ có 4 thanh niên chưa lập gia đình là tôi, anh Tý, anh Giấc và Nhoáng. Chúng tôi vừa ăn vừa uống rượu. Lúc này tôi không biết đây là bữa ăn mở đầu cho hàng loạt những bữa tiệc tùng khác của tôi ở Lâm Thượng.
Sau đó ít hôm, tôi đi đám cưới người Dao ở Tân Phượng. Trước khi đi, tôi được dặn là “tranh thủ ăn nhanh rồi về, đồ ăn sẽ rất ngon nhưng người Dao mời rượu khiếp lắm, tụi mình uống không lại đâu”. Hôm đấy mưa nhẹ, đường lầy lội, chúng tôi hơi chật vật để đến được đám cưới. Người Dao ăn mặc rất cầu kỳ, thức ăn quả thật rất ngon. Dù tôi rón rén đến mấy thì cả người Tân Phượng lẫn Lâm Thượng đều nhận ra tôi là người lạ ở cái bản làng này nên nhiều người đến mời rượu. Vì không quen uống rượu vào ban ngày nên tôi chỉ uống cầm chừng vài ly rồi xin phép rút lui. Tiếp đó, tôi lại đi ăn đám cưới của người Tày, đồ ăn cũng ngon đáo để. Chẳng phải đói ăn gì nhưng cứ đến mấy bữa tiệc vùng này là tôi lại lao vào ăn nhiệt tình.
Mưa rả rích từ ngày này sang ngày khác, tôi được mời đi ăn từ nhà này sang nhà khác. Khắp bản làng không ai là không biết Lâm Thượng có một cô khách Khánh Hòa đến chơi đã lâu mà chưa có ý định đi. Người Lâm Thượng thích ướp cá và thịt với riềng mẻ, thêm mắc khén và hạt dổi, thơm nức nở. Thịt lợn bản được mua từ sớm, cá thì câu từ ao nhà. Mọi người nhặt mấy rổ rau to đùng, đào thêm ít khoai lang, nấu một nồi nước dùng đơn giản để nhúng lẩu với đầy đủ gà vườn, vịt suối, thịt bò, thịt trâu,… Tôi vốn ngại đám đông nhưng ở Lâm Thượng, mọi người hay mời nhau sang nhà ăn lẩu nướng như thế, nói chuyện rất thoải mái làm tôi đâm quen dần với sự đông đúc. Nhà nào cũng có rất nhiều rượu, chủ yếu là rượu tự nấu tự ngâm. Tôi thử qua nhiều loại, loại có vị ngọt nhẹ sẽ làm tôi bắt đầu hăng lên, uống nhiều hẳn, thế nên anh Tý rất hay trêu “cô này nghiện rượu lắm rồi”. Tôi nể thanh niên ở Lâm Thượng thật, cái gì họ cũng biết làm. Đặc biệt là Nhoáng – “anh hùng bếp núc” lẫn “anh hùng núi đồi” trong mắt tôi. Anh leo đồi thoăn thoắt, mắt tinh, tai thính, rành rọt từng tấc đất trên đồi. Anh tự tay soạn hai mâm cỗ thịnh soạn ngày sắp chia tay tôi, mỗi mâm phải đến 7 món: canh nấm rừng, vịt xào lăn, gà nướng, cá nướng, lòng dồi hấp, thịt lợn nướng, su su xào. Tôi đóng góp sức mình bằng một bát nước chấm miền Trung, gọi là muối ớt chanh. Công thức phổ biến ở quê tôi mà hội thanh niên Lâm Thượng rất thích.
Lâm Thượng vào mùa mưa phùn. Tôi gần như không đi chơi. Cả ngày chỉ quanh quẩn ăn, đi bộ, chuyện trò đôi ba câu, đạp xe rồi lại ăn. Tôi còn nhớ hôm đó là Tết Tây, lúc đầu chúng tôi rủ nhau tối nướng thịt bên bờ suối, nhưng rồi nhà có khách. Nhoáng bảo khách đông lắm, tôi sẽ không thích đâu nên bày trò đưa tôi xuống thị trấn uống trà sữa, bao giờ khách đi hết thì hẵng về. Tôi đã nghĩ, chà, một ngày đầu năm nhẹ nhàng và hạnh phúc thế này, thật tốt. Nhưng rồi, ở một đất nước rất xa tôi, bác sĩ vừa báo kết quả, ba tôi có u ác tính, rất khó chữa và họ khuyên ba tôi nên về Việt Nam. Tôi hiểu ý sâu xa sau những câu nói ý nhị của bác sĩ, về Việt Nam để sống những ngày còn lại bên gia đình.
Lúc tôi đi dạo quanh bờ hồ với Nhoáng, họ hàng liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình và nhắn nhủ đôi điều vừa tốt vừa không tốt. Tôi thoáng cáu gắt, Nhoáng lặng lẽ đi bên cạnh, sau khi mời tôi trà sữa thì mua thêm hai ly mang về, bảo là để hôm sau uống. Đêm đó, không phải tôi đợi anh Giấc về mà tôi rất khó ngủ. Khách uống rượu hát hò đến khuya cũng không ồn ã bằng lòng dạ tôi lúc này. Anh Giấc nói một chút về chuyện của anh rồi thở dài “Anh chẳng biết anh có đang làm đúng không nữa?”. Tôi cũng không biết, tiếng thở dài của tôi vào một đêm đầu năm tĩnh mịch được bao phủ bởi núi đồi trập trùng.
Sáng hôm sau, mây phủ kín đỉnh núi, tôi tận hưởng bữa sáng với mì gói nóng hổi. Anh Giấc dậy rất sớm để dọn dẹp mớ bòng bong khách để lại. Bố anh ra suối cho vịt ăn, mẹ anh vẫn bận rộn làm đủ việc nhà. Như nhiều ngày ở bản làng, tôi lên con xe đạp mượn của chị Xới, băng qua ruộng lúa đã gặt, băng qua những con đường ẩm ướt sau mưa, băng qua cánh đồng ngô xanh rì. Con xe cũ kỹ phát ra tiếng kêu ót ét rất rõ ràng nên tôi chưa có mặt mọi người đã biết tôi sắp đến. Những người dân bản luôn cười hiền hòa với tôi. Cuộc sống ở Lâm Thượng êm đềm như một giấc mơ trưa. Một giấc mơ không dài nhưng có nó, tôi được tiếp sức để bước về phía trước.
“Có nắng mới đang ở trên đầu
Có nuối tiếc trong từng đêm thâu
Nỗi nhớ ấy muôn đời ko màu
Một ngày vừa tàn không lâu”
Ký ức của tôi về Lâm Thượng giờ đây đang vơi đi ít nhiều, không phải vì tôi muốn quên, mà rõ ràng, tôi đang quên. Tôi giữ liên lạc cầm chừng với anh Giấc, chị Xới, bố mẹ anh Giấc, chị Tý và Nhoáng, anh Tý. Sau khi rời chốn cũ, tôi nhận ra vài điều mới. Nhoáng rất thích hát và hát rất hay, nhưng ngày thường Nhoáng chẳng bao giờ hát. Anh Giấc rất ghét hát karaoke nhưng anh líu lo cả ngày đến mức tôi đâm ngán bài “Mang tiền về cho mẹ” và “Bắc kỳ ở trong Nam”. Anh Tý tỏ ra là người tính khí thất thường nhất trong hội nhưng sau khi tôi đi, anh là người chuyện trò ân cần nhất. Lúc tôi là F0, kẹt trên đảo, không ngày nào anh không hỏi thăm kèm theo mấy câu “nếu em bị ở Lâm Thượng, bọn anh không sợ F0 mà vẫn đến thăm em”.
Tôi cũng nhận ra, Lâm Thượng làm tôi lưu luyến vì sự êm đềm nhưng nếu sống mãi ở đó, tôi sẽ không thấy như vậy nữa (?), có thể lắm chứ. Làng gần như không còn thanh niên, vì hầu hết đã đi khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương làm, đến lễ tết mới về. Vùng đất phì nhiêu đầy nhựa sống đó không tạo ra công ăn việc làm cho thế hệ sau, họ không thể làm nông cả đời, dù làm nông vẫn đủ ăn đủ mặc. 40 ngày ở đó tôi chưa từng nghe tiếng cãi vã ở bất kỳ ngôi nhà nào, nhưng tỷ lệ ly hôn ở Lâm Thượng thì không thấp chút nào. Các đôi vợ chồng trẻ kết hôn, đi làm thuê, sinh con, rồi ly hôn. Ly hôn thì có gì là xấu chứ, chỉ là nếu được an nhiên một đời với một người mình yêu thì tuyệt lắm nhỉ.
Sau cùng, tôi yêu Lâm Thượng đến mấy cũng không thể sống cả đời ở đó. Tôi đang đi và sẽ tiếp tục đi những vùng đất mới. Những người bạn ở Lâm Thượng có yêu quý tôi đến mấy, họ cũng chẳng bên cạnh tôi mãi được. Những lần liên lạc cứ thưa dần. Các cô chú, anh chị đều sẽ đón những vị khách mới đến và đi. Họ đã quen rồi chăng?
Buổi sáng rời Lâm Thượng, tôi thức dậy lúc 5 giờ. Trời còn tối mịt, mưa rả rích. Tôi giơ điện thoại chụp tấm ảnh cuối cùng. Tôi chụp chiếc cầu thang gỗ dẫn lên phòng tôi. Thật lạ là ở đây lâu như vậy, tôi lại chưa bao giờ chụp nó. Đến giây phút chia tay, tôi thấy cầu thang đẹp lạ lùng. Bố anh Giấc chở anh, Nhoáng chở tôi, đồ đạc đã sẵn sàng. Mẹ anh Giấc chạy theo, đưa thêm một hộp cơm với trứng rán. Cô cứ sợ chúng tôi đói. Chuyến xe của Nhoáng đưa tôi đến gần thị trấn, sau đó chuyến xe khách đưa tôi đến Nội Bài. Chuyến bay tiếp theo đưa tôi về miền Trung. Rồi thêm những chuyến xe, chuyến bay mới. Tôi đã đi rất xa Lâm Thượng.
Hôm nay, khi nhắn tin cho cô bé học sinh tôi quen hồi ở Lâm Thượng, em cảm thán: “Chị đi xa thế”. Ừa thì, tôi đã đi xa thật, nhưng nụ cười trong trẻo của cô bé vẫn thật gần. Ký ức về một chiều mưa, một em bé ghé nhà mua gói bim bim rồi nhìn tôi cười, đưa tay nựng bờ má tôi vẫn thật gần. Lời của em Cún vẫn còn bên tai “con thích cô lắm, cô nói giọng miền Nam hay ơi là hay”.
“Cho làn khói và nắng chiều lại mang tóc em bay
Chìm vào dòng người vội vã cho đôi vai em gầy
Em đứng lặng. Mong một chút nắng ấm lúc về chiều
Em đã lót dạ bằng những gì lúc bụng đói, no được bao nhiêu ?
Vẫn còn thấy hhoàng hôn thật đẹp, em còn muốn rong chơi
Để em đưa tuổi xuân em chảy vào những bản nhạc ko lời
Ta chỉ muốn được nhìn thấy trên khuôn mặt đôi mươi
Là một hoàng hôn thật đẹp về trên đôi môi em cười
Tại sao ko gian quá xa, biết làm sao để tiếp cận
Ta ko phải nắng ko phải gió ko phải hoàng hôn của ngày hôm qua để em tiếp nhận
Một bài nhạc trong đêm nay
Và những bài ca ta viết chỉ dành tặng em trong cơn say”.