Nếu đang tuyệt vọng, hãy ghé bệnh viện một vòng

Nhiều năm trước, mình đọc một mẩu truyện ngắn trên Hoa học trò, có một câu đại ý “Khi nào cảm thấy mệt mỏi nửa vời, hãy đến sân bay hoặc bến xe, để chứng kiến những cuộc chia ly, để biết trân trọng hiện tại hơn”.

Còn mình, điều khiến mình thôi nhảm xàm than vãn là những câu chuyện trong bệnh viện.

Những ngày còn được di chuyển, ăn uống một cách bình thường nhất tức là chúng mình còn có cơ hội nắm lấy hạnh phúc

Thời gian đó, mình ghé bệnh viện quận 11 (thăm người thân) bao nhiêu lần không-đếm-được. Khoa ngoại chấn thương lúc nào cũng sặc mùi thuốc, ngập những băng bông, nước truyền. Trên giường, các bệnh nhân gần như không cử động được nhiều, cơ thể nối những đường dẫn dịch, dẫn nước tiểu. Thỉnh thoảng, họ gắng gượng ngồi dậy, tập đứng, tập đi.

Anh trai giường số 7 bị tai nạn giao thông cách đây 2 năm. Mẹ anh mất ngay lúc đó. Còn anh điều trị từ đó đến nay vẫn chưa khỏi. Thời gian nằm viện lâu quá, anh dần dà học được cách chăm sóc cho chính mình, vì người thân chẳng thể đến trông nom mãi.

Anh trai giường số 4 bị liệt một cánh tay. Gia đình anh cũng chạy chữa đủ cách. Bác sĩ bảo anh phải trải qua 4 ca mổ, chi phí mổ là 100 triệu. Ca mổ đầu tiên vừa xong cách đây ít ngày, kéo dài 7 tiếng. Mẹ anh phờ phạc bảo,

“chỉ cần nó tự bưng chén cơm ăn được là đủ rồi, đâu có cần nó làm gì hơn”.

Cụ già giường đối diện (giường cô mình) đã hơn 80. Bệnh tình không phải quá nặng (so với phòng bệnh này) nhưng sức khỏe yếu nên thời gian hồi phục lâu hơn. Cháu cố của bà được nghỉ hè nên vào chăm sóc bà thường xuyên. Thằng nhỏ 14 tuổi làm cả phòng bệnh xuýt xoa khen mãi, nhỏ xíu mà lăng xăng đút cháo đút nước, ngó bình truyền cho bà, làm thành thục chuyên nghiệp như mấy anh điều dưỡng.

Bác trai giường số 3 nằm viện vì bị hoại tử (từ trong ra ngoài, phát bệnh hồi nào bác cũng không biết, đến khi vào viện bệnh đã trở nặng). Da thịt đen ngòm hết, ai ngó cũng sợ. Bác không có vợ con nên anh em thay phiên vô chăm. Bác trai giường bên mổ thay khớp háng đã 3 ngày. Bác đang tập đi những bước đầu tiên, tình hình ngó bộ khả quan. Bác gần như tự chăm sóc mình, ai hỏi người thân đâu, bác cười: “Vợ đi chụp ảnh cưới cho người ta kiếm tiền rồi nên không vào chăm được. Mình tự lo luôn”…

Vô số những câu chuyện tai họa “từ trên trời rơi xuống”, kiểu như chú kia không té ngã gì nhưng đến một ngày (xui xẻo) phát hiện xương mỏng quá, phải thay khớp háng. Kiểu như cô mình vừa ngồi lên xe máy, tự té, nay là tròn 1 năm, vừa được tháo ốc vít. Cú té tưởng nhẹ hều mà cả năm nay không làm ăn được gì, vào bệnh viện như đi chợ, thân quen từ bác sĩ đến điều dưỡng. Kiểu như em cô ấy, đưa chị vào tháo ốc vít lại (vô tình) phát hiện vết mổ mấy tháng trước không ổn, thứ 3 tuần tới phải mổ lại.

Phòng bệnh toàn những câu chuyện nói ra nghe ảm đạm, nghèo khó. Mà đâu có ai rơi nước mắt. Mọi người cười nói, dặn nhau cách đeo đai, cách cầm bình truyền đi vệ sinh sao cho dễ, chỉ nhau chỗ nào gần đó bán cơm ngon… Thân thiết như những người thân bất đắc dĩ. Lần trước, kế giường cô mình là một bác (cũng) thay khớp háng.

Thằng con trai 17 tuổi vô chăm ba, vụng về không biết cách đặt ống tiểu cho ba, vụng về không biết máu chảy ngược lên ống truyền thì gọi ai. Mà ngày mẹ với cô mình xuất viện, nó chạy ra tận cổng bệnh viện, đưa bịch bánh tráng trộn với chai Sting dặn đi dọc đường ăn cho đỡ buồn. Ổng còn xàm láp: “Cô lưu số điện thoại con vô đi, mai mốt con ra Nha Trang chơi con gọi cô, con nói thằng T thì cô phải nhớ ra con nha”.

Những người nằm viện chung một phòng riết như anh em bè bạn. Ngồi một hồi là biết hết nhà này có mấy anh em, nhà kia có mấy đứa con, đứa nào học lớp mấy. Mọi người luôn cười, lúc nào đau quá thì rên lên vài tiếng, những người xung quanh auto “ráng tập đi ông, vài bữa nữa là về chơi với vợ được rồi”.

Mỗi chậu sen đá cũng có thể là một câu chuyện nhỉ?

Mình sáng nay bị máy quạt cứa vào chân, máu chảy ba giọt đã rên lên rên xuống. Họ đau tận xương tủy cũng ráng cười chống nạng bước đi. Mình đêm qua tính toán đôi chuyện rồi trằn trọc thao thức. Họ bán hết nhà cửa để phẫu thuật cho con, cho chồng. Than vãn sao cho đủ, kể đến bao giờ mới hết.Không có nỗi buồn nào có thể so sánh với nỗi đau nào. Nhưng, nhìn những nụ cười trong bệnh viện vẫn thấy, nỗi buồn của mình chỉ bé xíu xiu.

SG, 29.7.2018

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *