nghỉ ngơi an vui

Nghỉ ngơi, an vui & điền vào chỗ trống

Nghỉ ngơi, an vui & điền vào chỗ trống

1.

Lần đầu tiên mình đi Huế là năm thất tình nửa mùa. Đang công tác ở Quảng Nam, đặt thêm ít ngày phép, ở lại Đà Nẵng, ghé chợ Hàn mua vài bộ quần áo rồi đi tàu đến Huế.

Lên tàu, “em ngơ ngác đứng chờ” nên không tìm được toa ghế cứng không điều hòa giá vé 67k của mình ở đâu, một cô hành khách giọng Huế đặc gọi “vào toa giường nằm với cô, tìm mô nữa”. Nói chuyện mới biết nhà cô gần trường cấp 3 của mình ở Khánh Hòa, lâu ngày về thăm quê. Suốt chặng đường, cô nhiệt tình thăm hỏi và dặn dò đủ thứ.

Xuống ga Huế, mình gặp một bác xe ôm, “bác sẽ chở con đi thuê xe máy ở đâu đó gần đây với giá 20 ngàn”. Hôm đó xui rủi thế nào mà đi đến điểm thứ ba vẫn không thuê được xe, bác mới bảo “vẫn 20 ngàn, tìm đến khi nào thuê được xe thì thôi”.

Có lẽ vì hai người này mà mình ngả luôn vào lòng Huế, thương Huế thăm Huế thêm vài lần nữa. Mình từng chọn Huế là điểm đến chữa lành sau biến cố. Ban ngày, mình hoặc đi xe đạp, hoặc đi bộ khắp các ngôi chùa gần xa, lớn nhỏ. Đôi khi chẳng cầu nguyện gì cả, cứ ngồi ở sân chùa, ngửa mặt nhìn mấy tán cây, nghe tiếng chuông gió tre lanh canh. Phố lên đèn cũng là lúc mình lên đồ, đi xem hết các phim chiếu rạp rồi lượn khắp các quán bia khu phố Tây, uống dăm ba chai rồi lướt khướt về phòng ngủ.

nghỉ ngơi an vui

Sự nghỉ ngơi không có định nghĩa cụ thể. Chuyến nghỉ ngơi “sáng đi tu, tối đi hú” đó là một trong những chuyến đi dễ chịu nhất với mình. Trong suốt những ngày ở Huế, mình thong dong tận hưởng lẫn bình thản soi chiếu bản thân, từng chút một ngắm nghía vết thương của mình, nhìn nó rướm máu, chậm rãi bôi lên một lớp thuốc mỏng tang, ngày qua ngày, nó khô dần, vết thương được phủ lên lớp mài, khô ráp, lên da non.

Trong cuốn “Sống hạnh phúc, Chết bình an”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:

“Khi chúng ta đến gặp một thầy thuốc, hầu hết chúng ta được khuyên bảo nên nghỉ ngơi. Nhưng nghỉ ngơi có ý nghĩa gì? Nó có nhiều ý nghĩa hơn thay vì chỉ nằm nghỉ trên giường. Nghỉ ngơi có nghĩa là thư giãn toàn bộ tinh thần. Dù thầy thuốc có thể giải thích hay không, khi khuyên chúng ta nghỉ ngơi, ông ấy muốn nhắc nhở chúng ta phải thư giãn tinh thần và đừng lo âu, ngoài việc tránh hoạt động cơ thể. Như vậy chúng ta sẽ có một sự nghỉ ngơi thật sự đúng nghĩa.

Thư giãn tinh thần là kết quả đạt được một thái độ tinh thần và ý tưởng tích cực. Nếu tâm của chúng ta bị những thái độ tiêu cực xâm lấn và chúng ta cứ suy nghĩ lung tung về điều bất thiện, thì không thể thư giãn tinh thần. Do đó, ngay cả trong mối liên hệ với sức khỏe của chúng ta, khi được thầy thuốc bảo là nghỉ ngơi, điều này chứa đựng ý nghĩa khuyên chúng ta “hãy là một người có trái tim nhân hậu” bởi vì đây là phương cách tốt nhất tránh được nỗi lo âu khắc khoải.”

nghỉ ngơi an vui

Như thế nào là một người có trái tim nhân hậu, định nghĩa của mình là “tốt không cần đặt điều kiện”. Rất khó, và mình vẫn đang học. Mỉm cười không phải vì người ta cười với mình. Nhã nhặn không phải vì được nhận quà bánh. Tử tế vì đó là việc đúng đắn cần làm và phải làm. Không cần cho ai xem, chỉ cần mỗi tối trước khi đi ngủ, lòng không gào thét dằn vặt.

2.

“Mỗi sáng thức dậy, ta hãy tập thở và mỉm cười, hãy nhớ rằng hôm nay ta có hẹn với sự sống”

– Thiền sư Thích Nhất Hạnh –

Một cái hẹn rất dễ mà cũng rất khó. Có những mỗi sáng thức dậy, khóe môi mình lấp ló nụ cười. Và có những mỗi sáng thức dậy, khóe mắt ướt đẫm. Đó là lúc mình hít thở và nhắc nhở bản thân, “học tiếp nhé, đường còn dài”.

Thời đi học, kết quả rất dễ thấy. Vùi đầu vào học hai ba đêm, thấy điểm mười trên tờ giấy kiểm tra, biết rõ mình đã học tốt. Đời thì không như thế. Không phải lúc nào cũng xác định được bài mình cần học, không phải bài nào mình cũng “đậu” và rất nhiều bài mình phải học đi học lại nhiều lần. Có những lúc nghĩ mình đã thông suốt, đã học xong, nhưng gặp một tình huống cụ thể mới tường tận, “học tiếp nhé, đường còn dài”.

Cuộc đời này, cố gắng học tốt một vài bài trong một kiếp đã là tốt lắm rồi.

Bài mà mình học miệt mài suốt một năm qua là kiểm soát kỳ vọng của bản thân. Mình nhận ra rằng, đừng cố kiểm soát điều gì hết, vì mình chắc chắn sẽ không kiểm soát được. Thứ duy nhất có thể và cần được kiểm soát chính là sự kỳ vọng của bản thân về ai đó hay điều gì đó. Ví dụ như, hồi xưa, trước khi lao vào một cuộc yêu chính thức, mình đề nghị: “Nếu anh hết yêu em, nếu anh chán em hoặc trong bất kỳ khoảnh khắc nào đó, anh cảm thấy muốn dừng lại tình yêu này, hãy nói với em. Chỉ cần anh nói ra, một lời thôi, em chắc chắn sẽ sắp xếp mọi thứ thật gọn gàng”. Đó là nguyên tắc của mình khi yêu. Mình kỳ vọng đối phương sẽ đi theo nguyên tắc đó một cách triệt để. Mình kỳ vọng họ hiểu mình, tôn trọng mình tuyệt đối để không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh kia. Mình kỳ vọng họ chung thủy cực đoan giống như mình.

Nhưng cuối cùng, điều làm mình tổn thương không phải là hành động của họ, mà chính xác là kỳ vọng của bản thân. Mình kỳ vọng và đòi hỏi người ta làm theo. Rồi mình thất vọng vì người ta không giống như mình yêu cầu. Thật không phải. Thứ tình yêu có điều kiện sẽ vì một điều kiện nào đó mà phai nhạt, rồi tan biến.

Bây giờ thì khác. Mình có thể thẳng thắn trao đổi, nhưng không kỳ vọng ai đó sẽ làm như mình muốn. Thay vào đó, mình kiểm soát mong muốn của bản thân và nếu có bất kỳ sự kỳ vọng nào thì đó là kỳ vọng bản thân đủ tỉnh táo để bước ra khỏi một mối quan hệ không lành mạnh. Sống tử tế là điều đúng đắn mình phải làm với người khác và với bản thân, dù người khác có yêu thương mình tử tế hay không, đó là cách sống của họ, còn cách của mình là làm đúng và không kỳ vọng.

3.

Mùa đông nọ, mình đi Mộc Châu, trong một cơn thèm cá hồi và rượu nếp bất tận, mình lùng sục tất cả các nhà hàng cá hồi ở thị trấn nông trường, nơi nào cũng chỉ đón 2 khách trở lên. Mình nhắn tin cho Vườn Đào, chủ nhà hàng gật đầu ngay vì bảo “cháu đã cất công đến Mộc Châu vậy mà”. Mình gọi một chai rượu nếp, chú ngăn ngay “uống rượu táo mèo nhé, rượu táo mèo nhà chú là ngon nhất. Đừng uống một mình, buồn lắm, chú sẽ quay lại uống với cháu. Chú sẽ gọi cả những người khác nữa.” Mình bảo không cần, nhưng chú quay lại uống vài ly thật, rồi gọi anh cán bộ huyện sang tiếp cô khách miền Nam ra chơi.

Mình không buồn khi uống rượu một mình, mình thấy ngon, nhưng mình vui vì uống rượu với chú. Đó là cảm giác ấm áp vì được san sẻ. Sau này, mỗi lần nhắc đến Mộc Châu, mình không nhớ ngay đến những thung lũng hoa mận trắng rợp trời, hay vườn hồng trĩu quả, mình nhớ đến ly rượu táo mèo ngon nức nở mà mình được uống cùng chú.

nghỉ ngơi an vui và điền vào chỗ trống


“Liệu chúng ta không cảm thấy buồn khi một ai đó càu nhàu với vẻ mặt tỏ ra không đồng ý tiếp đón chúng ta? Chúng ta là những động vật sống thành xã hội, chúng ta sống trong xã hội mà sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau là nền tảng cơ bản. Sự hợp tác này được đặt trên nền tảng của lòng nhân ái đối xử với nhau. Nếu chúng ta có điều này, sẽ có an vui hạnh phúc trong gia đình, với láng giềng và nói chung toàn thể xã hội. Về mặt khác, nếu chúng ta luôn luôn âm mưu chống đối, nung nấu những hận thù đối với nhau, cho dù chúng ta có nhiều tiện nghi vật chất tùy nghi sử dụng, nhưng chúng ta sẽ không có hạnh phúc. Do đó, một cái tâm ước nguyện sự tốt lành cho mọi người và những chúng sinh khác chính là nền tảng của hạnh phúc và an vui. – Đức Đạt Lai Lạt Ma –

4.

Mình lớn lên và nỗ lực học tập để thoát khỏi cảnh sáng làm ruộng, tối làm vườn. Suốt thời đi học, tự mình nhắc nhở bản thân “phải học để không làm nông, rất vất vả, rất cực khổ. Phải học ngành gì đó để không bị xã hội đào thải. Phải cố gắng trở thành người có ích trong cái ngành đó để không bao giờ thất nghiệp”

Khi dịch bệnh, ngành của mình được ưu ái hơn. Người người nhà nhà tập trung làm marketing online. Tại tập đoàn mình làm việc, bộ phận của mình bận rộn hơn hẳn với hàng loạt chiến dịch lớn nhỏ. Các khách hàng bên ngoài của mình rối rít tìm cách bán hàng trên các nền tảng online. Mình cũng vì thế mà không rơi vào cảnh thất nghiệp.

Nhưng mình lại nghỉ việc, buông bỏ gần như 80% công việc mang đến cho mình nguồn thu nhập. Vì thời điểm đó, công việc và tiền bạc đối với mình không còn là nền tảng của hạnh phúc và an vui nữa. Mình nằm viện điều trị bệnh dài ngày, đến khi trở về nhà thì phải uống thuốc an thần liên tục. Lần đầu tiên trong đời, mình cảm thấy bản thân rất không an vui. Mình nhận thức rất rõ ràng, nghỉ việc không phải lối thoát duy nhất, an lạc trong từng phút giây tức là con người ta hoàn toàn có thể vừa làm việc vừa tận hưởng cuộc sống. Nghỉ việc không phải là cách giải quyết triệt để vấn đề. Nhưng mình cũng hiểu nhu cầu nghỉ ngơi của bản thân và hoàn cảnh của bản thân. Hoặc mình hiểu, mình chưa đạt đến cảnh giới an lạc khi làm một lúc 6 jobs, ban ngày họp hành và tiếp khách hàng, ban đêm nghĩ ý tưởng, viết lách, gửi bài. Rồi mình hiểu, mình có thể kiếm thêm nhiều tiền nữa và đổi lại là không biết bao giờ mới có thể ăn ngon và ngủ yên. Cơ thể mình phải nghỉ ngơi và tâm trí mình phải nghỉ ngơi.

5.

Thời gian sống ở Lâm Thượng, mình nhìn mọi người làm nông, quả thật rất vất vả, nhưng để mà nói “rất cực khổ” thì không phải. Nhiều nông dân mình gặp, họ làm nông trong vui vẻ hân hoan, đó chính là “an lạc”. Điều này không có nghĩa là mình muốn bỏ việc chuyên ngành để về làm nông, cũng không có nghĩa là làm nông thì an lạc. Những người nông dân mỉm cười an vui vẫn khao khát con cái của họ không phải làm nông. Con cái của họ khi trưởng thành cũng nỗ lực đi làm công chức hoặc việc văn phòng, gặp gỡ dân trí thức và ngồi phòng máy lạnh. Rồi rất có thể nhiều năm sau, những người trẻ đó thành đạt, trở về, nhìn bố mẹ mình mỉm cười trên đồng, lại đặt câu hỏi “thế thì ai, công việc nào mới hạnh phúc?”

Mình chưa bao giờ đặt câu hỏi “mình là ai?”, nhưng khi được hỏi, mình biết là mình không biết mình là ai cả. Và bảo mình nói cách để sống an vui, chánh niệm, hạnh phúc, mình không nói được. Nó vừa mơ hồ vừa rõ ràng. Điều duy nhất mình biết chắc là, mục tiêu của mình là trở thành phiên bản tốt hơn, còn tốt hơn như thế nào thì mình sẽ tự khắc biết vào mỗi thời điểm khác nhau. Mình không cần cố tìm ra bài cần học, đến lúc cần vượt qua hoặc đủ sức học, bài học sẽ hiển lộ.

Đặc thù của con đường tinh thần là tính duy nhất, bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường. Có bao nhiêu người trên đời thì có bấy nhiêu cách sống hạnh phúc. Cuộc sống này nói muôn hình vạn trạng chính là như vậy.

Diệp gửi một bài hát của Cá Hồi Hoang, tên là Điền vào chỗ trống

Mình làm từ xương và da, café, thuốc lá và 250 lít đồ có cồn
Còn bao ô trống cho ta điền vào […]

Mình là vệ tinh mùa đông, đội quân mùa thu và 250 nốt nhạc đánh sai
Còn bao ô trống cho ta điền vào […]

Mình còn mùi thơm mồ hôi, cuộc vui, cuộc yêu và 250 năm để tắm mưa
Còn bao ô trống cho ta điền vào […]

Mình ngồi lại đây thật lâu để khóc, để quên đi 250 khuôn mặt giống nhau
Còn bao ô trống cho ta điền vào […]

Mình làm từ xương và da, cafe, thuốc lá và 250 lít đồ có cồn
Còn bao ô trống cho ta điền vào. […]

Mình ngồi lại đây thật lâu để khóc, không phải vì trống cái chỗ cần điền.

1 bình luận về “Nghỉ ngơi, an vui & điền vào chỗ trống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *