Lần này, tôi không thể khống chế được nỗi buồn của mình. Và cùng lúc, tôi thừa nhận, nỗi buồn có vị trí độc tôn. Tôi chẳng cần phải khống chế nó đâu.
Nỗi buồn năm 26 tuổi như một cây sồi già, sum suê, vững chãi. Tôi như đứa trẻ nằm dưới gốc cây sồi ấy, đầu gối lên tay, đôi chân vắt vẻo, mắt ngước nhìn tán cây và bầu trời. Tôi đang học cách sống bình yên với cái cây nỗi buồn.
Những ngày nắng, tia nắng xen qua từng kẽ lá, chiếu rọi vào khoảng không trước mặt tôi. “Komorebi” – tôi đã luôn thốt lên từ này và mỉm cười. Tôi có một hình xăm trắng “Komorebi” ở cánh tay, dòng chữ mô tả cái cảm giác yên bình đó. Hình xăm ở vị trí dễ thấy đó trở nên rất kín đáo, vì không hợp mực nên nó mờ dần, dường như chẳng ai thấy. Bí mật và mâu thuẫn như cái cách tôi giấu mình trước đám đông.
Những ngày mưa, nước trời không ngại xuyên qua tán cây, tắm tưới tôi. Hình xăm “Petrichor” ở gáy có câu chuyện riêng của nó. Nghĩa đen của dòng chữ này là “mùi hơi đất khi trời mưa”. Sau chừng ấy năm, tôi vẫn là đứa trẻ khờ dại hít hà mùi hơi đất rồi bất giác nở nụ cười. Khác một chút là tôi cảm nhận được, sức mạnh của sự tái sinh ở cái khoảnh khắc mưa bắt đầu rơi và khi mưa tạnh dần.
Cái cây nỗi buồn dường như đã bao quanh tôi lâu lắm rồi và chẳng có ý định rời đi. Đôi lúc tôi cảm nhận, cái cây đó còn đang chở che và bảo bọc tôi. Lâu dần, tôi không còn muốn trốn chạy. Tôi hưởng thụ nỗi buồn và bất giác mỉm cười khi nhận ra tôi đã khác đi như thế nào.
Có lúc tôi tự hỏi, nỗi buồn là một cái cây. Vậy từng cành cây có phải là từng điều làm tôi buồn không.
Cành cây thứ nhất mang tên nỗi buồn sức khỏe. Tôi chưa bao giờ yếu ớt như bây giờ. Ngồi viết một chút thôi mà tôi phải nghỉ ngơi đến hai, ba lần. Tôi bắt đầu không tìm thấy tôi của những năm tháng trước, có thể làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya.
Cành cây thứ hai mang tên nỗi buồn không của riêng ai. Dịch bệnh nên khá lâu rồi tôi chẳng gặp bạn bè, đồng nghiệp, ít tâm sự, ít chia sẻ, ít nói chuyện.
Cành cây thứ ba mang tên nỗi buồn đổ vỡ kế hoạch. Tôi sẽ làm gì vào những ngày thất nghiệp? Chả biết, bây giờ đâu có tính xa được.
Cành cây thứ tư mang tên cô đơn. Quen không chứ? Ai chẳng dăm ba lần cảm thấy cô đơn cùng cực giữa một thành phố đông người.
Cành cây thứ năm, thứ sáu,…
Nhưng thực ra, cái cây nỗi buồn không tách bạch rõ ràng như thế đâu. Những nỗi buồn là cảm giác nhiều thứ đan xen vào nhau, chật ních, rối nùi. Đôi khi lại là cảm giác trống trải, không thể lấp đầy. Rồi tôi chẳng tha thiết đi phân tích nỗi buồn nữa, để làm gì cơ chứ.
Giống như căn bệnh thoái hóa đốt sống vậy, tôi không thể điều trị dứt điểm mà phải học cách sống chung với nỗi buồn. Tôi không cự tuyệt nỗi buồn mà thậm chí còn tận hưởng và thưởng thức nó.
Tôi thương lắm cái cây nỗi buồn và cũng thương lắm tôi của những năm tháng buồn ơi là buồn.
Sài Gòn mùa buồn,