“Sức mạnh tinh thần” và “sức khỏe tinh thần” đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng sự thật là, chúng không giống nhau. Nhiều “từ điển” định nghĩa sức khỏe tâm thần là “sự vắng mặt của bệnh tâm thần.” Tuy nhiên, không bị trầm cảm, lo lắng hay một căn bệnh nào khác không đồng nghĩa với việc bạn có sức mạnh tinh thần.
Ngược lại, bạn vẫn có thể mạnh mẽ về mặt tinh thần ngay cả khi đang đối mặt với một vấn đề sức khỏe tâm thần. Vậy thì để làm rõ hơn 2 khái niệm dễ nhầm lẫn này, cùng đọc bài viết nhé!
Sức mạnh tinh thần (Mental Strength) & Sức khỏe tinh thần (Mental Health)
Sự khác biệt giữa sức mạnh tinh thần và sức khỏe tinh thần trở nên dễ hiểu hơn khi bạn so sánh nó với sự khác biệt giữa sức khỏe thể chất và sức mạnh thể chất.
Ví dụ: việc tập luyện để sở hữu cơ bắp săn chắc có thể cải thiện sức khỏe thể chất của bạn. Song, cơ bắp đồ sộ không đảm bảo bạn không gặp vấn đề sức khỏe thể chất, chẳng hạn như cholesterol cao. Mặc dù vấn đề sức khỏe có thể khiến bạn khó tập thể dục hơn một chút, bạn vẫn có nhiều lựa chọn rèn luyện sức khỏe thể chất khác nhau.
Tương tự, các bài tập xây dựng sức mạnh tinh thần sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn. Khi sức khỏe tinh thần tốt hơn, bạn sẽ dễ dàng phát triển tinh thần mạnh mẽ.
Sức mạnh tinh thần là gì?
- Sức mạnh tinh thần được định nghĩa là khả năng đối phó với cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh.
- Là bạn hiểu được cảm xúc của chính mình.
- Biết khi nào nên tương tác với cảm xúc của mình và khi nào nên lùi lại.
Sức khỏe tinh thần là gì?
- Sức khỏe tinh thần được định nghĩa là sự hiện diện hoặc vắng mặt của một vấn đề sức khỏe tâm thần.
- Là tình trạng tổng thể về sự khỏe mạnh của tinh thần.
3 yếu tố tạo nên sức mạnh tinh thần
Ở phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích về 3 yếu tố quan trọng của sức mạnh tinh thần.
Nhận thức (Thinking): là khả năng suy nghĩ thực tế.
Bạn biết cách nhận ra những suy nghĩ không hợp lý và thay thế chúng bằng một cuộc đối thoại nội tâm phù hợp hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn luôn đối đãi với chính mình bằng sự tử tế. Khi bạn bị cám dỗ hoặc phạm sai lầm, thay vì chỉ trích bản thân, sức mạnh tinh thần cho phép bạn phản ứng bằng lòng trắc ẩn.
Cảm nhận (Feeling): thừa nhận cảm xúc của chính mình.
Sức mạnh tinh thần không liên quan đến việc kìm nén cảm xúc hoặc phủ nhận nỗi đau. Thay vào đó, bạn thừa nhận và chấp nhận cảm xúc của mình, kể cả sự khó chịu, sự không hài lòng.
Hành động (Doing): thực hiện những điều tốt đẹp
Sau tất cả, sức mạnh tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện hành động hiệu quả và tốt cho bản thân.
Tóm lại:
Cách bạn nghĩ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận & cách bạn cảm nhận ảnh hưởng đến cách bạn hành xử. Tiếp đó, hành vi của bạn ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ. Sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể liên kết suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta. Trong liệu pháp nhận thức-hành vi (Cognitive behavioral therapy), đây được gọi là “bộ ba nhận thức”.
Cách xây dựng sức mạnh tinh thần
Không phải ai cũng có sức mạnh tinh thần, nhưng mọi người đều có khả năng xây dựng sức mạnh tinh thần. Để phát triển cơ bắp, bạn cần tập gym và để xây dựng sức mạnh tinh thần, bạn cần cải thiện sức khỏe tinh thần.
Có rất nhiều bài tập giúp bạn xây dựng sức mạnh tinh thần. Dưới đây là một vài bài đơn giản để bạn bắt đầu hành trình.
Bài tập nhận thức
Rèn luyện các bài tập nhận thức là cách để bạn suy nghĩ khác đi. Điều này bao gồm bất kỳ bài tập nào giúp bạn suy nghĩ tích cực, kiềm chế suy nghĩ tiêu cực hoặc phát triển tư duy thực tế hơn.
Một số ví dụ về các bài tập nhận thức lành mạnh:
- Viết nhật ký về lòng biết ơn mỗi ngày: đây là một cách tuyệt vời để bạn kích hoạt và củng cố những suy nghĩ và cảm xúc tích cực.
- Trò chuyện với bản thân như một người bạn đáng tin cậy: Chúng ta thường khó tính với bản thân và dễ tính với người ngoài. Giờ thì hãy cố gắng chia sẻ, thể hiện lòng trắc ẩn với chính mình như cái cách bạn đang dành cho những người thân yêu.
- Đổi góc nhìn: Vào những thời điểm bạn thấy rằng mọi thứ không diễn ra như ý muốn, hãy suy nghĩ ngược lại, đổi góc nhìn, đổi chiều suy nghĩ để tìm điểm sáng và hướng giải quyết.
Bài tập cảm xúc
Các bài tập về cảm xúc làm tăng khả năng tự nhận thức về trạng thái cảm xúc của bạn. Chúng giúp bạn nhận biết khi nào cảm xúc là hữu ích hoặc không hữu ích, hỗ trợ bạn xác định các chiến lược làm giảm sự ảnh hưởng của cảm xúc, hoặc giúp bạn chấp nhận những cảm giác không thoải mái.
Một số ví dụ về bài tập cảm xúc:
- Để ý đến cảm xúc của mình: Điều này giúp bạn suy nghĩ logic hơn, đồng thời có cái nhìn rõ ràng hơn về các vấn đề hoặc cảm xúc mà bạn đang phải đối mặt.
- Đối mặt với những cảm xúc khó chịu theo cách lành mạnh: Thay vì tập trung vào những cảm xúc tiêu cực, bạn có thể đi dạo, trò chuyện với bản thân hoặc đọc một cuốn sách mà bạn yêu thích. Đây không phải là nỗ lực trốn tránh hoặc phớt lờ cảm xúc, mà thực chất, nó giúp bạn vơi đi sự khó chịu, đau đớn.
- Hít thở sâu: Các bài tập thở sâu giúp cơ thể lẫn tâm trí của bạn bớt lo lắng và giảm căng thẳng.
Bài tập hành vi
Sau bài tập nhận thức và cảm xúc, việc áp dụng các bài tập hành vi giúp bạn hành động hiệu quả hơn. Một số ví dụ về bài tập hành vi:
- Thử nghiệm hành vi: cách này giúp bạn “thách thức” những suy nghĩ mặc định khiến bạn tự giới hạn bản thân. Các nhà trị liệu tâm lý khuyến khích việc thực hiện các thử nghiệm hành vi để thông qua đó, bạn có thể kiểm tra tính thực tế của niềm tin của mình. Đây là một kỹ thuật trị liệu hành vi nhận thức giúp mọi người nhận ra rằng các giả định của họ chưa chắc đã chính xác. Những gì bạn nghĩ và tin không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng việc giữ vững một số niềm tin đó có thể khiến bạn chìm vào đau khổ.
- Tham gia các hoạt động tích cực: Dành thời gian cho những điều mang lại niềm vui luôn giúp ích cho tinh thần của bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc sách, xem phim hoặc nấu một bữa ăn ngon cho chính mình.
- Làm điều bạn thích: Sở thích sẽ thu hút tâm trí của bạn vào nó một cách vui vẻ. Dù sở thích của bạn là nướng bánh, ăn uống hay chụp ảnh, cứ làm nó để tận hưởng cảm giác hoàn thành và hài lòng về bản thân.
Note:
Tinh thần mạnh mẽ không có nghĩa là bạn không khóc khi xem phim buồn hoặc không thừa nhận mình đang chịu tổn thương. Đừng nghĩ rằng thể hiện cảm xúc là yếu đuối. Việc trải nghiệm và thể hiện cảm xúc tốt hơn là việc kiềm nén chúng.
Tương tự, đừng cho rằng những người mạnh mẽ về tinh thần thì không yêu cầu sự giúp đỡ. Cần có sức mạnh tinh thần đáng kinh ngạc để thừa nhận rằng bạn không thể đối mặt mọi thứ một mình hoặc nhận ra bạn có thể cần giúp đỡ.
Bài viết dịch từ: https://www.verywellmind.com/the-difference-between-mental-strength-and-mental-health-5078284