Rất muốn nắm lấy những vì sao như những ngày hồi bé
Ngày còn vô tư và rong chơi tưởng chừng mặt trăng trên cao là hòn đá
Ngày còn ba và còn má mình sống chung một nhà
Sáng ăn ốp la hột gà
Ba tao dạy chỉ cần sống tử tế thì mỗi ngày niềm vui sẽ đến như hộp quà
Đó là một buổi tối cách đây 20 năm. Tôi học lớp 3 và trở về nhà lúc 9 giờ tối, trong khi tan học từ 5 giờ chiều. Mai chở tôi về và rón rén đứng ở cửa sổ, giải thích với ba tôi rằng hôm nay chúng tôi về muộn vì tổ chức sinh nhật cho cô chủ nhiệm, nhưng xảy ra sự cố. Đoạn sự cố thì chúng tôi không kể dài dòng, chỉ nói có thế, thấy ba không phạt thì lẳng lặng xách cặp vào nhà. Mai cũng chạy vội về, thể nào nó cũng bị cậu mợ mắng.
Quỹ tổ chức sinh nhật cô do tôi giữ, gom tiền đóng góp của khoảng chục đứa lại, mỗi đứa 1-2 nghìn. Quỹ được 20 nghìn. Tôi cất trong cặp nhưng phát hiện nó không cánh mà bay lúc 3 giờ chiều. Cô giáo tổ chức cuộc điều tra và nhanh chóng tìm được thủ phạm. Một bạn học, nhà cùng xóm tôi nhưng ở tít trong. Cô dặn dò tất cả giữ bí mật, chuyện bạn lấy cắp tiền không được phép tiết lộ vì nếu không, bạn sẽ xấu hổ mà bỏ học. Chúng tôi không bao giờ nhắc đến chuyện này ở trường, nhưng sự kiện động trời đó, đứa nào cũng nhớ như in đến tận bây giờ.
Năm hai đại học, tôi từ Sài Gòn về quê ăn Tết. Một buổi trưa sau khi cùng mẹ từ chợ về nhà, tôi phát hiện laptop và máy ảnh – hai tài sản quý giá nhất đã biến mất. 15 phút phân tích nhanh, cả nhà tôi nhanh chóng nhận định được thủ phạm, thằng nhóc hàng xóm. Năm đó nó mười lăm tuổi, đang học lớp 9.
Mẹ tôi đi tìm thêm bằng chứng và nhân chứng. Ba tôi báo công an xã và huyện. Nếu không tìm được, thiệt hại lên đến 15 triệu, quan trọng hơn là không thể mua lại. Đó là tất cả tài sản của nhà tôi rồi. Buổi tối, mẹ tôi và cô Ẩn chạy xe một quãng rất xa. Đường ở quê tối mù mịt và đầy ổ gà. Hai người đi xem bói. Mẹ tôi nghe hàng xóm đồn rằng cách nhà tôi hơn 10km có một “bà thầy” chuyên xem được đồ mất ở đâu và có tìm được không, khi nào thì tìm được. Một chút may mắn là hôm đó bà ấy từ chối gieo quẻ vì đang trong giai đoạn “tu hành”. Nói may mắn vì như vậy đỡ phải tốn tiền biếu bà.
Một ngày sau, thằng nhóc đó khai báo với công an huyện và chỉ chỗ nó cất giấu đồ của tôi. Sau đó, ba tôi dặn cả nhà tôi không được kể chuyện này cho hàng xóm nghe. Ba tôi lo rằng nó sẽ xấu hổ mà bỏ học. Cuối cùng thì nó vẫn bỏ học, không phải vì xấu hổ.
Người lớn luôn lo sợ những đứa trẻ hư sẽ xấu hổ. Tôi nghĩ họ chỉ kỳ vọng rằng nếu chuyện xấu được giấu kín, chúng sẽ quay đầu. Tôi thì không có niềm tin đó, tôi cho rằng chúng sẽ tiếp tục như thế bằng những cách khác nhau.
Ai cũng có quá nhiều những suy tư sau một ngày rong rã với đời sống thường nhật
Không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng đều trở về một trên đường chật
Chúng ta mỗi người có một vấn đề, nhưng sau nhiều năm nhìn lại thì vẫn thế
Một lần nữa hãy cùng nhau nâng ly vì biết đâu ngày mai sẽ là ngày tận thế
Tôi cứ nghĩ mãi rằng liệu phía trước có điều gì đó đang đợi mình hay không, một cánh cửa khác sẽ mở ra và tôi sẽ bước đi con đường mới. Tôi không biết con đường đó sẽ dẫn đến đâu. Tôi chỉ mơ hồ cảm nhận là có đấy, nhưng lại không biết bằng cách nào để nhìn thấy nó.
Tôi vẫn thường được khen là sống chân thật đến mức người ta thấy rất yên tâm khi tiếp xúc với tôi. Tôi thì hơi nghi ngờ, rằng mình chân thật hay quá lười toan tính, hay là tôi không đủ năng lực làm chuyện đó. Cộng sự của tôi bảo thế này, “gặp được chị là điều tươi sáng hiếm hoi với em trong năm nay”. Đơn giản là vì nó sợ lại gặp những người tinh vi và nó phải xử lý vấn đề từ con người nhiều hơn là từ công việc. Tôi biết nó nói quá lên về cảm xúc khi làm việc với tôi. Nhưng tôi cũng lấy đó làm niềm vui nho nhỏ. Ba mẹ tôi coi như cũng thành công trong việc giáo dục tôi đấy chứ.
Cô bé nhỏ hơn tôi một tuổi, luôn miệng bảo “chị yên tâm, em lo được và xử được”. Em nói một cách ranh mãnh và tôi thì thấy buồn cười vì sự gồng lên vừa tích cực vừa tiêu cực. Cô bé sinh ra trong một gia đình giàu có, ở ranh giới của trẻ con và người lớn, cô bé uống một chục viên thuốc ngủ, chỉ mong không phải đối diện với những cãi vã mỗi ngày nữa. Sau khi trải qua trận cấp cứu, em không biết phải đối mặt với bố thế nào. Nhưng rồi em chẳng lo nữa, bố em không đến.
Một con bé đội lốt phù thủy vừa kể về những ồn ào nhức nhối của gia đình mình, vừa cười, vừa chửi. Tôi bảo với em, nếu ngược lại, một phù thủy đội lốt trẻ con thì sẽ thế nào.
Đôi lúc tôi thấy thèm thuồng vì gia đình mình chẳng để cho mình tài sản vật chất nào, một miếng đất hay một căn nhà chẳng hạn. Nhưng rồi, con bé lại kể với tôi, “em vừa khóc một trận vì mẹ em bảo em hãy vay ngân hàng để xây nhà. Đất bố em đứng tên, cứ xây nhà mà ở, nhưng bố em không sang tên cho em. 18 tuổi bố mẹ đã cho em ký giấy miễn nhận tài sản của bố mẹ rồi”.
Tôi lại buồn cười. Tôi vốn tin rằng, phần nhiều sự phức tạp trong đời sống là do con người tạo nên. Người ao ước, người ước out.
Ta là những đứa trẻ đang trốn sau vỏ bọc của một gã trưởng thành, vì quá nhiều vướng bận trên vai
Thời gian là một lớp áo khoác vẻ ngoài nó sẽ luôn ngắn lại khi bị cắt chỉ lên lai
Một đêm một ngồi cùng ngắm chiêm tinh không cần kính thiên văn lạc giữa rừng ánh sao
Mọi thứ lúc này dường như ngưng chuyển động ở nơi phương xa viễn vọng ta và bầu trời ngắm nhau
Tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu là mua một căn nhà. Tôi thuộc “trường phái” vật chất không cần sở hữu nhiều. Đời sống ngắn ngủi, tôi không muốn mang theo một số nợ lớn cũng như số dư nhiều. Nếu trúng số nhiều tờ thì tôi vẫn sẽ mua nhà. Tiền bạc không có, lập trường lúc có lúc không.
Hôm rồi ghé nhà bạn chơi. Bạn cùng tuổi đã mua ô tô và mua nhà, tự dưng thấy áp lực ngang, trong khi mình mới chuyển nhà trọ, phòng ê hề vấn đề chật vật gần một tháng mới ổn định được. Tôi nghĩ hay là mình cũng bắt chước người ta vay tiền mua nhà, nhưng ý tưởng vụt tắt vì vốn liếng không đủ 30% giá trị căn hộ chung cư vừa nhỏ vừa xa thành phố.
Từ bé đến lớn, ba mẹ chưa bao giờ hỏi tôi, con làm được bao nhiêu tiền một tháng, có bằng người này người kia không, bao giờ mua nhà, dư bao nhiêu tiền.
Ba tôi chỉ hay hỏi, con có bằng đại học chưa, có học lên thạc sĩ không =))) nhiều khi thấy thương ba ghê, con gái đậu trường top ba hãnh diện đi khoe khắp nơi, nhưng sau đó mãi không thấy con nộp về cái bằng. Mẹ tôi thì hỏi, lại nghỉ việc à, có tính đi làm đâu nữa không. Hết. Dẫu gia đình tôi thuộc dạng cá biệt, nhưng tôi biết ơn ba mẹ không ép tôi làm bất kỳ điều gì tôi không thích, kể từ khi tôi vào cấp 3. Mặc dù có thể một phần do tôi biết cách đối phó với những yêu cầu hay kỳ vọng của ba mẹ, tôi biết cách khiến ba mẹ “mặc kệ” mọi quyết định của tôi, nhưng ba mẹ thực sự đã tin tưởng và tự hào về tôi rất nhiều.
Tôi cho rằng, cuộc đời mình, điều gây áp lực nhất cũng là điều tạo động lực nhất, đó là, lúc ba mẹ cần, mình có thể nói: Ok để con và đủ năng lực sắp xếp, xử lý mọi việc thay ba mẹ. Đó là khi ba mẹ vào viện, mình đủ tự tin chọn gói dịch vụ tương đối, khi ba mẹ thèm bất cứ món gì, mình có thể mua ngay lập tức, khi ba mẹ sợ hãi, mình có thể ở bên.
Thuở bé, không một ai dám ăn hiếp tôi, vì mẹ tôi hung dữ nhất vùng. Nhưng khi về già, mẹ tôi như “thay máu” bà hiền hòa hơn xưa rất nhiều và thỉnh thoảng, khi cần đấu tranh, mẹ tôi gọi “con đi chửi nhau với mẹ” là tôi lên máu liền.
Tôi biết ơn vì mẹ tôi thời trẻ luôn đấu tranh vì chúng tôi, và càng biết ơn vì giờ đây, mẹ tôi biết dừng lại, an tĩnh sống.
Một đêm cách đây 15 năm, mẹ con tôi ngồi bên ngọn đèn dầu, ngẩng đầu ngắm trăng sao. Hai ông khách say xỉn đánh nhau, ném một cái chai thủy tinh xém trúng tôi. Và mẹ tôi đã hét ra lửa đuổi cả hai ông về.
Rất muốn nắm lấy những vì sao
Vô tư bay trên bầu trời cao