cách để hết lười biếng

Trên đời có 2 kiểu lười biếng

Trên đời có 2 kiểu lười biếng

Bài được viết khi tôi tạm thời bước ra khỏi trạng thái lười biếng trong khoảng 1 tháng.

Sự lười biếng là một phần của cuộc sống. Nó phổ biến, đôi khi đến một cách đột xuất, đôi khi đến một cách có sự chuẩn bị trước. Nó có thể rời đi nhanh chóng, nhưng cũng có thể ở lại rất lâu.

trạng thái lười biếng
Lười hổng muốn làm gì hết á

Sự lười biếng có hại hay không? Có, nhưng cũng có thể không – nếu ta kiểm soát được nó. Một vài tài liệu phân chia lười biếng thành 3 loại khác nhau: lười biếng thoải mái, lười biếng chán nản và lười biếng không quan tâm.

Ở bài viết này, tôi chia lười biếng thành 2 kiểu:

Kiểu lười biếng 1: Lười biếng sau khi đã quá chăm chỉ

Kiểu lười biếng 2: Lười biếng vì không tìm thấy động lực

Kiểu 1: sau khi đã quá chăm chỉ.

cách thoát trạng thái lười biếng
Làm nhiều quá nên chẳng muốn làm gì

Ví dụ từ bản thân, trạng thái này thường xuất hiện sau một vài tháng tập trung cho nhiều dự án cùng lúc. Tôi làm việc liên tục, cố gắng từ sáng đến khuya, thậm chí trong giấc ngủ cũng nghĩ đến công việc. Thế là ngay sau khi về đích, tôi chẳng muốn làm gì thêm nữa. Thậm chí đến việc xem phim hay đi café – thuộc về sở thích – mà tôi cũng chẳng muốn. Tôi đơn giản muốn nằm từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác. Chỉ nằm chơi thôi, không cần phải học hành gì, không cần phải đọc sách, nhắn tin với khách hàng hay nghĩ ra các kế hoạch truyền thông. Những lúc như thế, tôi muốn mình tạm thời trở nên “vô dụng”.

Kiểu 2: lười biếng vì tự hỏi mình làm điều gì đó để làm gì?

Kiểu này dai dẳng, khó trị và thậm chí để lại hậu quả. Sự lười biếng này xuất phát từ việc bạn không tìm thấy năng lượng hoặc định hướng để làm việc đó. Bạn sẽ cảm thấy chán nản, kiệt quệ, chẳng muốn làm và cũng chẳng làm nổi những việc đơn giản. Bạn từ trạng thái lười biếng bước sang trạng thái chây lười.

Ví dụ, tôi lọt vào kiểu lười biếng này và không thể làm nổi chiếc CV cho chính mình. Mỗi khi mở CV ra để cập nhật, tôi lại kiểu “làm CV để làm gì, có muốn đi phỏng vấn lắm đâu, làm CV để ứng tuyển công việc gì mới được, không biết sao phải làm”. Hậu quả là cả năm không làm được chiếc CV và tất nhiên là không đi tìm công việc mới, dở dở ương ương trong đống rối nùi của công việc hiện tại.

có mấy kiểu lười biếng
Động lực đâu mà làm

Hoặc một ví dụ khác, tôi lười biếng trong việc chuyển nhà. Rồi ất ơ sống trong căn phòng quá nhiều bất tiện, chỉ có một ưu điểm là gần công ty. Tôi vừa muốn chuyển đi vừa tự hỏi đi đâu làm gì, sống ở đây cũng qua ngày mà. Tôi làm gì có động lực chuyển nhà. Công việc mới còn chưa có thì chuyển nhà đi đâu. Đấy hai vấn đề là công việc và nhà ở nó chồng chéo lên nhau. Tôi thì lười biếng giải quyết một trong hai, dẫn đến cả hai đều bế tắc.

Thậm chí đợt vừa rồi, khi các dự án đều đã hoàn thành. Tôi chỉ làm việc giờ hành chính thì trong suốt một tháng, tôi chẳng làm gì mới mẻ. Buổi tối về nhà tôi chỉ nằm ườn ra đó, đặt đồ ăn, ăn xong rồi ngủ. Trước kia tôi bảo do mình bận, đến khi rảnh rồi mới nhận ra là do mình lười.

Vậy thì, để bước ra khỏi trạng thái lười biếng, chúng ta phải làm gì?

Thật sự những điều tôi gõ ra nó chỉ là những cách cơ bản và quen thuộc. Nhưng nếu thực lòng bạn muốn bước ra trạng thái lười biếng thì hãy dành 1 ngày để làm cái đống này, thì bạn sẽ tìm thấy động lực hoặc định hướng để làm bất kỳ điều gì đó khác. Còn nếu bạn vẫn không làm thì tức là bản thân bạn cũng chưa cảm thấy mình phải  thay đổi. Cứ lười tiếp cho đến khi bạn muốn, chỉ cần nó không gây ảnh hưởng đến người khác.

Tập trung vào những điều quan trọng:

Đừng viết danh sách những điều cần làm quá dài, viết từ 1 đến 3 điều thôi.

Ví dụ:

  1. Đọc 20 trang sách
  2. Giặt hết quần áo dơ trong nhà
  3. Tập yoga 20 phút

Sau khi làm hết danh sách này thì viết danh sách tiếp theo. Làm những điền đơn giản và dễ trước.

Bước ra khỏi nơi bạn đang lười biếng

Nó thường là cái giường/căn phòng của bạn. Thay một bộ quần áo gọn gàng, ra khỏi nhà hít thở không khí hoặc hẹn gặp ai đó.

Làm điều mình thích. Đó là cách bạn thưởng thức sự lười biếng. Bạn thích điều gì nhất thì làm điều đó thôi, cái này không ai hướng dẫn bạn được đâu.

làm gì khi lười biếng
Làm gì cũng được, có làm là được

Nói chuyện với bản thân

Có những thời điểm, sự lười biếng mang lại cảm xúc tích cực, đừng vội chê trách bản thân vì đã lười biếng. Sự thức tỉnh trong năng lượng có thể xuất phát từ việc bạn chấp nhận cảm xúc và quan tâm đến mong muốn thực sự của bản thân. Đối thoại nội tâm ảnh hưởng đến cảm giác lười biếng rất nhiều và giúp bạn dễ vượt qua sự lười biếng hơn.

Nếu bạn đang ở trong trạng thái lười biếng, hãy TRẢI NGHIỆM em nó. Không cần ngăn chặn hay chạy trốn, vì có trốn cũng chẳng được đâu. Khi bạn không chống lại nó, bạn chỉ đơn thuần chấp nhận, trải nghiệm, đối thoại và tìm ra điều bạn muốn làm hơn hết, cảm giác đó sẽ dần dần biến mất.

làm gì để hết lười biếng
Sự lười biếng rồi sẽ bốc hơi

Sự lười biếng có thể đem đến cho bạn những bước đi siêng năng và hiệu quả hơn với nguồn năng lượng lớn mạnh hơn.

Trải nghiệm từ bản thân người viết: sau khi lười biếng, trì hoãn suốt nhiều tháng đã tìm ra động lực để viết email nghỉ việc và sắp nghỉ việc.

Xin chúc mừng chúng ta.

– Hình minh họa: mình search từ Internet ạ

2 bình luận về “Trên đời có 2 kiểu lười biếng

  1. Bé Thảo cho biết:

    Em cám ơn chị vì những dòng viết này thực quá ư cần thiết với em ạ. Vì em cực lười, siêu siêu lười chị ạ. hihi. Em xin phép chia sẻ về tường nhà chị nghen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *