Vào buổi tối của đám tang

Ngôi nhà gỗ nhỏ xíu đông người hơn bao giờ hết. Gỗ đại diện cho sự tái sinh. Nhưng hôm nay, không có sự tái sinh nào cả, hoặc có, nhưng chưa ai đủ tỉnh táo để nhận ra.

Trước sân nhà, rạp đã dựng được 24 tiếng. Nhưng đây mới là đêm đầu tiên của đám tang. Chừng 5 cái bàn tròn, người ta ngồi rải rác mỗi bàn vài người.

Người ông vẫn thẫn thờ như cái lúc nghe báo tin. Ông không nói gì, chỉ một lần duy nhất, tôi thấy ông đứng nép ở một góc sân, tay quẹt giọt nước mắt vừa rơi trên khuôn mặt nhăn nhúm. Mãi đến 49 ngày sau đó, ông mới nói với tôi, cũng chỉ một lần duy nhất “nó đi rồi, tao nhiều khi cũng muốn chết cho rồi”.

Người mẹ không nói được, cô chỉ gào lên ú ớ rồi ngất đi. Những người lớn, cậu mợ, chú dì bần thần trong vài khắc rồi tất bật lo chuyện hậu sự. Mọi người không có thời gian để buồn.



Tôi từng nghĩ ở đám tang, người ta chỉ khóc thôi. Đúng là người ta khóc thật, khóc to, khóc nhỏ. Nhưng, nhiều nhất là khóc thầm. Đây có lẽ là sự khác nhau lớn nhất của người lớn và những người chưa kịp lớn – mà tôi chứng kiến.

Người ta đau đó. Nhưng người ta gạt nước mắt nhanh lắm, bao nhiêu chuyện phải lo, khóc rồi ai làm. Người ta vẫn nói chuyện với nhau. Hàng xóm láng giềng qua thăm hỏi, người ta vẫn nén đau kể lại. Người ta vẫn cười.

Bạn có thấy ai cười ở đám tang chưa?


Tôi thì thấy rồi, nhiều là đằng khác. Thậm chí tôi cũng cười. Ở một trong số những cái bàn giữa sân, chúng tôi cười khi nhắc đến kỷ niệm về người đã nằm xuống. Chúng tôi cười vì kỷ niệm nào cũng đẹp và quý giá. Chúng tôi còn cười khi vỗ vai nhau “phải sống cho thật tốt để người đi được yên lòng”.

Những người lớn cũng cười. Họ cười động viên nhau. Họ cười nói gia đình có phước, nhìn kìa bao nhiêu người tới thăm hỏi, nhìn kia người đi đâu để lại nợ cho ai.

Cười, khóc thì ra chỉ một loại biểu cảm. Ta đừng phán xét ai cười ở đám tang là vô tâm, ác độc cả. Vì cuộc đời có nhiều hơn một giọt nước mắt.

Buổi tối ở đám tang, nếu được, hãy trao nhau một cái ôm, hoặc ít nhất một cái nắm tay. Cuộc đời tôi chẳng bao giờ quên được, giây phút đó, người cô quanh năm chỉ biết phụ hồ và làm ruộng đã đến ôm tôi: “bạn đi rồi, con buồn rồi thôi, phải sống thay phần bạn”.

Buổi tối ở đám tang, ngổn ngang những mảnh đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *