1. Trước tiên, phải tóm tắt một chút về chuyến du lịch đang ở đâu đó ngày thứ năm mươi mấy này. Nó bắt đầu từ đầu tháng 12 và bây giờ đang là những ngày gần cuối tháng 1.
Vài địa điểm lướt qua trong đầu, Lý Sơn chưa đón khách, Hải Phòng tương tự, Măng Đen chưa cho xe khách chạy. Toang. Lướt Facebook thì thấy một bình luận giới thiệu Xôi Farmstay ở Lâm Thượng, Lục Yên, Yên Bái. Nhắn tin cho chị Xới – chủ farmstay rồi sắm vài chiếc áo lạnh. Lên đường.
Tôi ở nhà chị Xới 10 ngày. Đến buổi sáng thứ 11, tôi đi Hà Giang theo kế hoạch định sẵn, cộng thêm vài chuyện phát sinh khiến tôi càng phải đi Hà Giang, dù rất luyến tiếc Lâm Thượng.
2. Lần thứ ba đi Hà Giang là một trải nghiệm kỳ cục (không phải kỳ lạ), nên sau 10 ngày ở Hà Giang, tôi trở lại Lâm Thượng. Lần trở lại này vốn là để giải quyết vài chuyện, cũng là để sưởi ấm tâm hồn vì tôi biết vùng đất này có sức ấm áp tuyệt vời thế nào. Vậy mà, chuyến trở lại này, tôi ở Jack Ecolodge gần 30 ngày.
Hà Giang trong chuyến đi cuối năm 2021 là một vùng đất lạnh lẽo với những trải nghiệm lạnh lẽo. Tôi muốn dùng từ “lạnh lẽo”, không phải “lạnh giá” – vì từ này chỉ đủ khi mô tả thời tiết thôi. Hà Giang thời điểm đó nhiệt độ đâu khoảng 7-8 độ, có đêm 3 độ. Lạnh buốt. Tôi đến homestay ở Lô Lô Chải vào 9 giờ tối, sau chuyến xe máy rất dài, đường đi gập ghềnh. Homestay chỉ có mình tôi. Đến sáng hôm sau, ngay sáng ngày sinh nhật, tôi cảm thấy như mình đang ở một ngôi nhà hoang =)) Thỉnh thoảng có nhà hàng xóm sang hỏi ăn gì để họ nấu (bán) với giá đắt quá nên tôi chỉ ăn một bữa rồi thôi. Mấy bữa sau tôi đi bộ khoảng 2km để ăn cháo, mì gần chân cột cờ Lũng Cú.
Dẫu bản thân luôn thích đến những nơi ít người, yên tĩnh, nhưng sự thiếu nồng nhiệt và vắng tinh thần chào đón ở đây khiến tôi thấy lạnh lòng, thế là đi tìm tách café ấm, nhưng đi hết tất cả quán café trong bản vẫn không có ai bán cho vị khách cô đơn này thế là lạnh càng thêm lạnh. Giải thích cho chuyện này thì, bản Lô Lô Chải đã quen với việc tiếp nườm nượp khách đến đi. Tôi đến vào ngày trong tuần, lại đi một mình nên mọi người không quan tâm lắm (thật chứ hơi sức đâu quan tâm đến một đứa chả chi bao nhiêu tiền ở đây).
Tôi đặt homestay 7 ngày, nhưng đến ngày thứ 3 thì không chịu nổi nên dọn sang một homestay khác ở Ma Lé, cách đó hơn 10km để “đổi phong thủy”.
Hà Giang rất lạnh lẽo lẫn lạnh lùng. Và thời gian ở đó, tôi đang trải qua một trận vật lộn tinh thần nên càng thấy buồn bã hơn. Vừa buồn vừa lạnh, tôi cứ thế khóc hết cả tuần lễ, đến mấy hôm cuối mới vực dậy mà rong chơi tiếp.
Sau này, tôi mới nhận ra, rời khỏi một vùng đất lạnh lẽo như thế lại là một cảm giác rất dễ chịu. Không lưu luyến, không tiếc nuối, không có cái hẹn trở lại. Tôi rời đi mà không một chút đau lòng.
3. Lâm Thượng lại là một câu chuyện khác.
Ngày đầu tiên trở lại, tôi ngay lập tức đi ăn cỗ, rồi tiếp đó là chuỗi ngày ăn đám cưới, sinh nhật, tiệc chào đón từ nhà này đến nhà khác. Tôi trở thành vị khách lạ cả làng biết mặt biết tên. Những ngày ở Lâm Thượng là những ngày ấm áp nhất cuộc đời. Tôi sống trong tình yêu thương của dân làng. Đi đến đâu cũng được chào đón bằng nụ cười và lời mời cơm thân tình. Phải nói thêm là, cuộc sống của tôi vẫn đầy sóng gió khi ngày ngày hết chuyện buồn này đến chuyện xu khác ập đến. Nhưng càng như thế, tôi càng thấy may mắn vì trải qua những ngày đau buồn đấy ở Lâm Thượng, vì tình yêu thương của mọi người như cái vỗ vai, giúp tôi cứ thế đi tiếp.
Mỗi ngày, tôi đạp xe và đi bộ quanh bản, đọc sách, rửa bát, dọn dẹp Ecolodge một chút, cười nói và ăn ngon, uống ngon. Chỉ có thế, và chỉ cần thế, là hạnh phúc. Sáng, tôi ăn một bữa nhẹ nhàng do cô cất công chuẩn bị, rồi thong dong một chút. Trưa, ăn bữa cơm ngon cô nấu. Chiều, tôi hay ghé nhà chị Tý xin ít ngô về nướng, đạp xe rong chơi hoặc chèo bè. Tối, lại ăn một bữa đủ đầy rồi tiếp tục nướng ngô bên bờ suối. Tôi cũng hay được gọi sang các nhà ăn lẩu hay tự làm bữa BBQ chất lượng cùng những người bạn đáng mến nhất trên đời. Thỉnh thoảng, tôi đi trekking, xuống thị trấn uống trà sữa, theo bạn ra xưởng đá, đi câu cá, đi suối nhặt đá bắt cá.
Nhưng, sự thật là, tôi đâu thể ở mãi nơi này. Dù muốn đến đâu. Tôi cũng phải rời đi để bước tiếp một chặng đường đầy giông gió, ngay trước mặt. Khi định được ngày đi, mỗi ngày tôi lại sống chậm thêm một chút, ngắm mọi người kỹ hơn nhiều chút, ngắm từng cái bàn cái ghế ở lodge, hoặc chỉ ngồi bần thần bên suối ngắm mây trời. Tôi tranh thủ từng giây phút một trong cái nơm nớp nuối tiếc.
Tôi đã cố kiềm nén để không khóc vào ngày chia tay. Nhưng một ngày sau đó, khi bạn nhắn “Cậu đi rồi không có ai để nói chuyện, tối qua, tớ ngồi uống trà một mình, mọi người nhớ cậu lắm”. Rồi anh trai mình hay đùa nhất bản nhắn “em ở bà con thương, em đi bà con nhớ”. Tới đoạn này, tôi không kiềm được nữa, cứ nhìn tin nhắn rồi khóc mãi không dứt. Nhớ Lâm Thượng đến điên khùng.
Một vùng đất ấm áp biến những ngày sống ở đó trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Nhưng một vùng đất ấm áp cũng khiến những ngày sau khi rời đi trở nên đau lòng vô cùng. Tôi cứ đọc tin nhắn, mở album ảnh ra xem, thật chậm rãi rồi nhớ từng thứ nhỏ nhất. Càng nhớ càng buồn.
Tôi muốn gọi cho từng người để ngắm khuôn mặt họ, nghe giọng nói của họ, nhưng lại sợ gọi rồi sẽ khóc, thế rồi chẳng dám gọi. Cứ thế, nhớ càng thêm nhớ, đến mức tôi chẳng buồn ra khỏi phòng đi chơi, rồi lại lý trí bảo không đi chơi thì có mà chết dở với nỗi buồn nên lại vừa đi chơi vừa buồn.
Nhìn núi cũng nhớ Lâm Thượng. Nhìn hang động cũng nhớ Lâm Thượng. Nhìn mấy chú trâu bò cũng nhớ Lâm Thượng. Nhìn café và trà, càng nhớ mọi người ở Lâm Thượng. Nỗi nhớ biến thành nỗi đau rất nhói, rấm rức và ngu ngốc.
Vậy rồi chẳng biết, đến một vùng đất lạnh lẽo thì tốt hơn, hay đến một vùng đất ấm áp thì tốt hơn.
Chuyến đi tiếp theo sẽ an toàn nhé.