Tác phẩm: Đi tìm Dora – Patrick Modiano
Thể loại: Tiểu thuyết
Dịch giả: Lâm An
Tôi gấp trang cuối của “Đi tìm Dora” vào lúc 3 giờ sáng, không phải sau khi đọc một mạch. Các tác phẩm của Patrick Modiano bao giờ cũng thế, tôi phải nhâm nhi nhiều ngày. So với cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông mà tôi đọc – “Con chó mùa xuân” thì “Đi tìm Dora” phức tạp hơn nhiều.
Nhân vật tôi, có lẽ cũng chính là Patrick Modiano bắt gặp một mẩu tin tìm người thân trong một tờ nhật báo ra năm 1941. Cuộc đời một người xa lạ lại cuốn hút ông lao vào cuộc truy tìm manh mối liên quan đến cô vào mùa đông Paris lạnh giá thời Thế chiến thứ hai.
Đặt sách ở đây nhé: https://bit.ly/di-tim-dora
“Đi tìm Dora” mở đầu thế này:
“Cách đây tám năm, trên một tờ nhật báo cũ, Paris-Soir, ra ngày 31 tháng Mười hai năm 1941, tôi thấy ở trang ba một mục tên là: “Từ hôm qua đến hôm nay”. Ở cuối mục ấy, tôi đọc thấy:
“PARIS
Tìm một thiếu nữ, Dora Bruder, 15 tuổi, cao 1 mét 55, mặt trái xoan, mắt màu ghi ánh vàng, áo măng tô thể thao màu ghi, áo len màu đỏ đô, chân váy và mũ màu xanh nước biển, giày thể thao màu hạt dẻ. Xin gửi mọi thông tin chỉ dẫn cho ông bà Bruder, số 41, đại lộ Ornano, Paris.”
Nhưng Patrick Modiano không đi tìm Dora, thông qua những mảnh vỡ quá khứ của Dora, ông xuyên qua không gian và thời gian để lùng sục ký ức của chính ông về bao cuộc đời, bao câu chuyện bị chôn vui trong thời kỳ Paris bị Đức quốc xã chiếm đóng.
“Tháng cuối năm đó là thời kỳ đen tối nhất, ngạt thở nhất mà Paris từng biết đến kể từ đầu kỳ Chiếm đóng. Từ ngày 8 tới ngày 14 tháng Mười hai, người Đức ban bố lệnh giới nghiêm bắt đầu từ sáu giờ chiều nhằm trả đũa hai cuộc tấn công. Rồi có cuộc bảy trăm người Do Thái Pháp ngày 12 tháng Mười hai, ngày 15 tháng Mười hai, người Do Thái bị phạt phải nộp một tỉ franc. Và sáng cùng ngày, bảy mươi con tin bị xử bắn tại núi Valérien. Ngày 10 tháng Mười hai, cảnh sát trưởng Paris ra đạo luật bắt người Do Thái Pháp và nước ngoài thuộc tỉnh Seine trải qua đợt “kiểm tra định kỳ”, phải trình thẻ căn cước với con dấu “đàn ông Do Thái” hoặc “phụ nữ Do Thái”. Nếu đổi chỗ ở, họ phải khai báo tại đồn cảnh sát trong vòng hai mươi tư tiếng, và kể từ nay họ không được đi ra khỏi tỉnh Seine.
… tại Paris mùa đông 1941-1942 ấy, vốn dĩ là mùa đông tăm tối và khắc nghiệt hơn cả thời kỳ Chiếm đóng…”
Xuyên suốt 148 trang tiểu thuyết là dày đặc những cái tên, những số phận dọc đại lộ Paris. Những cái tên mà tôi tin chắc rằng người đọc chúng ta khó lòng mà nhớ được, cũng chẳng cần phải nhớ. Với lối viết chi tiết, gãy gọn của ông, người đọc cứ lạc lối vào những bước chân của từng con người trong vùng quá khứ ấy.
“Tôi chẳng là gì, tôi tan vào hoàng hôn kia, những con phố kia.
Tôi viết cuốn sách này cũng là để tung lời kêu gọi, hệt như tín hiệu đèn pha mà thật không may tôi nghi ngờ khả năng soi sáng trong đêm của chúng. Nhưng tôi vẫn hy vọng.
Buổi chiều hôm ấy, chẳng biết tại sao, tôi cứ có cảm giác mình đang bước lần theo dấu vết của một ai đó.
Tôi có cảm giác đơn thương độc mã tạo đường nối giữa Paris của quãng thời gian đó và Paris ngày hôm nay, người duy nhất còn nhớ tất thảy những chi tiết ấy. Chốc chốc sợi dây liên hệ lại xơ đi và có nguy cơ đứt đoạn, những buổi tối khác khi thành phố ngày hôm qua hiện ra với tôi trong những phản chiếu lén lút đằng sau thành phố ngày hôm nay.”
Bỏ trốn – có vẻ – là một lời kêu cứu và đôi khi là một dạng tự sát. Dẫu sao ta cũng có được cảm giác ngắn ngủi về vĩnh cửu. Ta đã không chỉ cắt đi những sợi dây kết nối với thế giới, mà với cả thời gian. Và từng xảy đến vào cuối một buổi sáng, bầu trời trong xanh cao vút và chẳng gì còn đè nặng lên ta. Những cái kim đồng hồ trong vườn Tuileries vĩnh viễn bất động. Một con kiến mãi chẳng đi qua hết một bóng nắng.
… như thể mùa đông năm ấy chia tách mọi người, làm rối tinh và xóa mất lộ trình của họ, tới nỗi ném một nỗi nghi ngờ lên sự tồn tại của họ.
Những bức ảnh giống như ở tất cả các gia đình. Thời điểm chụp bức ảnh, họ được bảo vệ trong vài giây và vài giây ấy đã trở nên vĩnh cửu.
Nếu từng đọc các tác phẩm của Patrick Modiano, chẳng ai chờ đợi ông tìm ra Dora cả. Chúng ta sẽ chỉ thả trôi mình vào từng con chữ của hành trình phi tuyến tính, lan man, vô định. Những dấu vết vẫn còn đó, “danh sách tên của họ lúc nào cũng đi kèm tên những con phố. Và các số nhà lẫn các tên phố chẳng còn tương ứng với thứ gì.”
Và tuy nhiên, bên dưới cái lớp dày cộm của chứng quên kia người ta cảm thấy rõ một điều gì đó, thỉnh thoảng, một tiếng vọng xa xôi, bị bóp nghẹt đi, nhưng hẳn là chẳng thể nói chính xác là gì. Cứ như đang ở rìa một trường từ tính, mà không có quả lắc để bắt sóng của nó. Trong nỗi nghi ngờ và ý thức giả dối, người ta đã treo tấm biển “Khu vực quân sự. Cấm quay phim hoặc chụp ảnh”
Kể từ đó, Paris nơi tôi từng cố công tìm lại dấu vết của cô vẫn cứ hoang vắng và im lìm như ngày hôm ấy. Tôi bước đi xuyên qua phố xá trống rỗng. Đối với tôi, chúng vẫn như vậy, ngay cả vào buổi tối, vào giờ tắc đường, khi người ta vội vã đi về phía miệng bến tàu điện ngầm. Tôi không thể ngăn mình nghĩ tới cô và cảm thấy vọng âm từ sự hiện diện của cô tại một số khu phố.