ngọn đèn dầu

Ngọn đèn dầu mùa nước lũ

Không ai dạy một đứa trẻ cất giữ tuổi thơ như thế nào.

Ngôi nhà được dựng lên vào năm 2000, khi tôi chuẩn bị vào mẫu giáo. Đá chẻ làm móng và vài tấm ván gỗ làm vách. Không có thợ. Ba và mấy ông chú đồng hương cùng nhau dựng nhà. Năm đó, điện lưới đã phủ đầy làng quê. Mạnh mẽ nhưng không đủ hất cẳng đèn dầu. Một cái nghiêm nghị trên bàn thờ và một cái ung dung nơi góc nhà. Nhà gỗ có cái hay là, ở chỗ mấy thanh gỗ vắt ngang qua sườn nhà, chúng tôi để bao nhiêu là thứ, hột quẹt, dao lam, gói thuốc Cotab, gạt tàn và đèn dầu.

Điện lưới chưa ổn định. Nếu bỗng dưng cả xóm cùng reo lên “trời ơi” hay “aaa”, “hú” thì là cúp điện. Mẹ bật hột quẹt, châm lửa vào bấc đèn, đậy cái nắp thủy tinh lên rồi vặn to bấc đèn lên. Hai cái đèn dầu chiếu sáng cả một ngôi nhà. Ba nằm hút thuốc trước hiên, chú ngồi kể chuyện năm xưa lên rừng khai hoang, mẹ ngồi xỏ chỉ may vá. Tôi tự hỏi, sao lúc nào mẹ cũng may mấy chiếc áo rách và đơm nút khi cúp điện. Có phải trong những đêm không điện hiu hắt, mẹ thích làm những điều chậm rãi hơn.

Tôi soi bóng mình trong ngọn đèn dầu. Tôi và thằng em nằm trên giường, đặt hai tay gần nhau, ánh đèn dầu hắt bóng tay chúng tôi lên vách nhà, hai con chim bay phấp phới. Và chúng tôi, những đứa trẻ vắt mũi chưa sạch, ôm nhau cười khúc khích.

Nhà tôi có cái hiên nhỏ, mỗi buổi chiều lau nhà, tôi không hiểu tại sao ba tôi phải xây cái hiên nhà chẳng để làm gì đó. Chỉ những ngày cúp điện, tôi mới thấy sự có mặt của nó là không thừa thãi.

Có lúc, nhà tôi chỉ thắp một ngọn đèn dầu trên bàn thờ. Ba, mẹ, mấy ông chú, tôi và thằng em đều ra hiên ngồi. Tôi thích ngồi nghe họ kể chuyện. Chuyện họ đón những chuyến xe đò đi từ Hà Tĩnh vào Khánh Hòa làm kinh tế mới. Trên vai là cái ba lô màu lính nặng trịch chất đầy quần áo, lương khô và mấy gói cu đơ. Bà nội tôi, có lần theo ba tôi vào Nam chơi. Trong lúc ba tôi xuống xe kiếm đồ ăn thì bà tôi bị một đôi thanh niên tranh ghế. Và mẹ tôi, người phụ nữ chưa đầy 30 đã xắn tay áo lên, sẵn sàng gây hấn với hai người như thế nào.

Chú tôi thường kể về những lần các chú vác lương thực lên rừng. Hàng chục ký thịt mỡ heo, nạc ít mỡ nhiều được ướp với hàng lớp muối trắng mà mùi muối còn nồng hơn mùi thịt. Tất cả được bỏ vào cái nồi gang, nén chặt và quấn rất kỹ. Đó là bữa ăn của gần chục thanh niên trong suốt một tháng. Phải đến khi lương thực gần cạn, một vài người sẽ xuống núi về nhà nghỉ ngơi, một vài người khác sẽ mang thức ăn lên tiếp tế và ở lại làm việc. Buổi tối, họ ngủ trên võng. Loại võng dày, to, có thể trùm kín cả người thay cho mền. Hai cái cột vững chắc có thể treo được 3 cái võng, theo từng tầng. Hơn 12 năm sau, tôi mới biết, võng tầng chính là đàn anh của giường tầng ký túc xá.

Tôi nghe đến thuộc lòng câu chuyện huyền thoại của hội thanh niên đi rừng năm xưa. Ba và các chú để xe máy lại ở nhà ông bà Ba Đường, mà sau này họ trở thành ba mẹ nuôi của ba tôi. Sau đó, tất cả sẽ cùng đi bộ miệt mài vào rừng, những cái năm mà rừng còn rậm rạp, không có lối đi và thú rừng còn đông lắm. Chú Sơn bị thân cây đập vào đầu, một cây gỗ to, máu đầu chảy không ngừng. Mọi người dùng một loại dầu tự chế tên là dầu xá xị, còn có tên khác là dầu de, đổ thẳng lên đầu chú, rồi dùng dây cột chú vào một khúc cây to, thay phiên nhau cáng chú xuống núi. Hơn một ngày sau, chú mới được đưa vào viện, bác sĩ khen sơ cứu tốt quá, máu được cầm rất hiệu quả, nhưng khả năng chữa trị thành công vô cùng thấp. Tôi không tưởng tượng được tâm trạng của ba và các chú lúc đó. Nhưng nhiều năm sau, tôi gặp lại chú Sơn ở Hà Tĩnh. Chú đã được gia đình đưa ra Hà Nội phẫu thuật thành công, thương tích gần như không còn. Chú khỏe mạnh, đẹp trai và hay nhắc chuyện hồi xưa đã bế tôi đi chơi khắp xóm.

Tôi không nhớ những câu chuyện ở hiên nhà kéo dài đến khi nào, có lẽ đến khi chúng tôi đều ngủ gà ngủ gật. Hoặc đến khi ngọn đèn trên bàn thờ cạn dầu và tắt hẳn. Trẻ con thích nghe chuyện người lớn, chúng tôi nghe không biết chán và đem đi kể khắp xóm làng. Người lớn thì không thích nghe chuyện trẻ con cho lắm, vì người lớn nào cũng từng là trẻ con, đã trải qua hết và nghe đủ nhiều rồi. Đứa nhỏ nào cũng có từng đó chuyện đến trường, đánh bạn hoặc bị bạn đánh, ba mẹ cô chú nghe mà biết hết kết quả ra sao, chẳng còn tò mò nữa. Không như tụi con nít, đã biết đi làm, xe đò, lên rừng xuống biển là cái gì đâu.

Mùa mưa, con đường đi học đi làm lầy lội bùn đất. Tôi không sao diễn tả được cái khoảnh khắc đặt chân xuống đường, bàn chân lún hẳn xuống, bùn bọc quanh dép như thể chính tay tôi dùng đất sét bọc lấy dép của mình, kín mít và ướt nhẹp. Đôi chân và cái cặp trên lưng nặng trịch như nhau. Tôi giận ai đã thực thi ý tưởng chữa con đường làng bằng đất đỏ, nó khiến con đường đi học của tôi trở nên khổ cực hơn gấp bội.

Quê nhà vừa vào mùa lũ, tôi bị nước ăn chân. Thằng em tôi cũng thế. Mẹ tôi tất nhiên là người dẫn đầu vì mẹ lội nước ra chợ còn đều hơn tôi lội nước đến trường. Bàn chân như tăng thêm kích cỡ, kẽ giữa các ngón chân lúc nào cũng ẩm, ngứa và có mùi. Lớp da ở gót chân nở ra.

Mùa nước ăn chân, nhà tôi không rời được cái đèn dầu, kể cả khi không cúp điện. Tối đến, mẹ tôi đặt đèn dưới nền nhà và châm đèn. Lần lượt từng người ngồi bệt xuống nền nhà, giơ bàn chân lên trên ngọn đèn để hơ lửa cho đến khi chân khô hẳn. Sáng ra, chúng tôi lấy bịch nilon bọc chân rồi mới mang dép, nhưng không ăn thua, tối đến chân vẫn bốc mùi và vẫn phải hơ đèn dầu. Mỗi ngày đều như thế cho đến hết mùa mưa.

Tôi lên lớp 7, con đường làng đã được trải bê tông. Tấm bê tông ngay cổng làng in dấu bánh xe đạp của tôi trong một trưa nắng tan học, lòng tôi háo hức chạy thử công trình lớn nhất tôi từng thấy. Đèn dầu hoàn thành nhiệm kỳ hơ chân cho 4 thành viên kỳ cựu nhà tôi. Mẹ tôi dùng đèn dầu cho chuyện khác, quan trọng không kém vì lần này, mẹ tôi bán hột vịt lộn.

Không ai ăn hột vịt lộn vào ban ngày cả. Hàng phải dọn ra sau 5 giờ chiều và dọn về vào 11 giờ đêm. Hàng hột vịt lộn có thể bán thêm bánh ú, cá khô nướng, nem chua, rượu và nhất định phải có một ngọn đèn dầu trên bàn. Ngọn đèn dầu thay cho cái biển hiệu. Không ai để bảng ở đây bán hột vịt lộn, người ta thắp đèn dầu và người mua mặc nhiên hiểu, cái hàng này bán hột vịt lộn.

Mỗi chiều, tôi dọn hàng ra, trong khi mẹ tôi ở nhà rửa hột vịt lộn, làm muối ớt xanh, rửa rau răm. Mẹ tôi sẽ xách đồ bán và cơm tối ra hàng. Nhiều tháng liền, mẹ con tôi ăn tối dưới ngọn đèn ở hàng hột vịt lộn. Cho đến một ngày, mẹ tôi quyết định trở thành người dẫn đầu xu hướng. Mẹ cất đèn dầu, nối một sợi dây điện dài từ ngôi nhà gần hàng, bắt một cái bóng đèn vàng nhỏ thay thế ngọn đèn dầu. Mỗi tháng mẹ trả cho họ 20 ngàn tiền điện.

Kể từ đó, không còn những “đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa…” Tôi chỉ gặp đèn dầu ở bàn thờ trên nghĩa trang, mỗi khi tôi lên thắp hương thăm viếng những người thân đã khuất. Ngọn đèn vẫn nối gần hai thế giới.

Vùng ánh sáng leo lét suốt thời tuổi thơ ấy, không ai dạy những đứa trẻ chúng tôi giữ gìn, vẫn cứ yên ổn ngồi trong một ngăn ký ức của tôi. Như lọ mực tím, như cái xe đạp lúc nào cũng kêu cót két, như cái áo sơ mi trắng tôi được phát mỗi mùa Thắp sáng ước mơ, như đôi dép nhựa cũ mòn được nối lại bằng dây kẽm. Như những ngày tôi còn được ngồi trước hiên nhà với ba mẹ.

ngọn đèn dầu
ngọn đèn dầu

Không có hình ảnh nào minh họa cho ngọn đèn dầu năm ấy cả, nên chỉ để mấy tấm ảnh đập nước, đầm sen và cánh diều quê nhà.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *