cất bước nửa đời vẫn là niên thiếu

Cất bước nửa đời, quay đầu lại vẫn là thiếu niên

Ghi chép vụn | Chỉ là hôm nay, viết mấy dòng không đầu không cuối.

1. Dạo này mình hay nhớ mẹ.

Mình nhớ hồi thi chuyển cấp lên lớp 10, mẹ mình chở xuống thị trấn thi. Thị trấn cách nhà mình 20km. Mình thi trường điểm của huyện nên so với các bạn hàng xóm cùng cấp 1-2 thì thị trấn lạ lẫm hơn nhiều. Các bạn mình đều thi cùng nhau ở một trường khác cách nhà 10km thôi.

Mình vẫn nhớ rất rõ, trước ngày thi một ngày, toàn bộ học sinh phải đi học quy chế thi, nhận phòng thi và số báo danh. Lúc đó mình sẽ biết mình thi cùng phòng với ai. Các trường cấp 2 quanh huyện chắc tầm 5-6 trường sẽ trộn học sinh lại với nhau và xếp phòng thi theo thứ tự abc.

Mẹ đứng đợi trước cổng trường, như mọi phụ huynh khác. Trước lúc mình vào trường, mẹ dặn: “vào làm quen với các bạn đi, mời các bạn đi uống nước, mẹ cho tiền” haha. Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy buồn cười. Mẹ mình nổi tiếng keo kiệt, hiếm khi nào chi tiền ăn uống xa xỉ vậy lắm, mà lúc đó mẹ sợ mình học yếu hơn các bạn ở thị trấn nên sẵn sàng vung tiền ra giải quyết luôn, sang thiệt chứ.

Nhưng mẹ mình làm gì biết, điểm mình cao top đầu cái phòng đó nên vừa có danh sách phòng là các bạn đi tìm hỏi nhỏ đó là ai để nhờ nó chỉ bài.

2. Lúc mình vào Sài Gòn thi đại học thì mẹ cũng dẫn mình đi, dẫn cả thằng em theo. 3 mẹ con lên xe khách đi 400km, vô đó ăn ở nửa tháng vì mình thi 3 trường, thi trường cao điểm quá thì sợ rớt nên phải sơ cua thêm chứ lỡ mang tiếng học giỏi bao năm mà rớt đại học thì nhục.

Trước ngày thi trường Nhân văn, mình nhức đầu quá nên xỉu cái đùng lên cơn co giật phải đưa đi cấp cứu. Sáng hôm sau trước khi vào phòng thi thì bị trúng thực. Vô phòng thi thì buồn ngủ quá ngủ gật 2 giấc, giám thị coi thi phải gọi dậy.

Đi mấy bữa thì hết tiền, mấy mẹ con đi loanh quanh kiếm cây ATM, mình “quê” đến nỗi thấy cây Agribank thì la rất to giữa phố “cây rút tiền nè mẹ ơi”. Mẹ hết hồn, sợ ăn cướp nghe được là hai mẹ con xu cà na luôn.

3. Hồi cấp 1, mỗi năm một lần, hoặc vào mùng 5 tháng 5, hoặc vào 1 tháng 6, mẹ sẽ chở hai đứa xuống Nha Trang tắm biển. Thường sẽ bán hết hàng vào buổi sáng, rồi ba mẹ con chạy nhanh về nhà làm đồ ăn. Tất cả đựng trong một cái giỏ nhựa: cơm chiên dương châu, chôm chôm, nhãn, nem chua, chả lụa,… Mẹ chở 2 đứa trên chiếc cup 50, xuống biển sẽ trải một tấm bạt, ăn uống, tắm biển rồi về, năm nào mà “giàu” lắm thì sẽ được ba cho đi công viên nước – điểm đến mơ ước của mọi đứa trẻ thời đó.

Mình nghĩ chính những chuyến đi phượt như vậy mà bây giờ, khi trưởng thành, mình cũng muốn đưa mẹ đi chơi.

Mẹ mình kể hồi mới đẻ mình, ba mẹ không đồng xu dính túi. Mẹ xuống Nha Trang vay tiền họ hàng, vay 100k lấy vốn làm ăn. Lúc đi thì đi xe đò, nhưng lúc về thì người ta không cho mượn tiền nên mẹ mình đi bộ 30km về nhà.

4. Lúc mình học cấp 2, có lần do cạnh tranh buôn bán mà mẹ mình bị 1 bà họ hàng không thân thiết chửi mắng suốt thời gian dài, nhưng mẹ luôn nhịn. Chỉ đến hôm bà ấy chửi mình thì mẹ mới lên cơn múc bả luôn. Bà ấy gọi chồng ra nên mẹ thất thế. Hai chị em mình đạp con xe nhỏ xíu chạy tức tốc về nhà gọi ba ra can ngăn.

Có lẽ chính những câu chuyện như thế mà mình mới có động lực sống và làm việc đến tận bây giờ. Mình luôn thấy những đứa con nhà nghèo thì có một thứ rất nổi trội, đó là ý chí.

Vì dạo này cứ nhớ về những kỷ niệm như thế, nên hôm rồi, bạn mình hỏi nó có nên nắm bắt cơ hội này sang Mỹ học không thì mình không cho ý kiến kiểu “đi đi ngại gì” như xưa nữa.

Mình hỏi nó có chịu được nếu vài năm nữa vẫn lông bông ở nơi đất khách quê người không, lông bông vì không giấy tờ định cư, nghề nghiệp đó về Việt Nam không chắc là làm được, không chỗ dựa. Lúc đó đã hơn 30 tuổi, ngoại trừ cái bằng ra thì còn cái gì. Nếu ba mẹ ốm đau thì có tiền gửi về không, mà nếu có tiền thôi thì đã đủ chưa. Mình nghĩ chúng mình vẫn bị sợi dây vô hình là gia đình trói buộc. Không phải tụi mình phải làm những điều đó cho ba, cho mẹ, mà là cho chính cảm giác của mình.

Một ngày nào đó, khi cuộc sống của mình bớt chênh vênh hơn, sẽ có lúc mình nghĩ về những điều mình muốn làm cho ba mẹ, nhưng không kịp nữa rồi. Liệu cái cảm giác lúc đó với cái cảm giác bỏ lỡ cơ hội vươn mình, cái nào sẽ đớn đau hơn?

5. Lúc ba mình bệnh, chú mình gọi và nói: “Hãy làm hết sức mình để con không bao giờ thấy hối tiếc, vì sau này có thể con giàu hơn, nhưng ba con không còn nữa rồi, như chú cũng từng như thế với ông nội”.

Thề, mình thấy mấy câu này sáo rỗng vô cùng, vì không ai ở trong hoàn cảnh mình để hiểu hết. Nhưng, mình cũng rất buồn khi phải thừa nhận, đừng bỏ qua những lời người từng trải để lại. Dù mình đã rất cố gắng trong thời gian ba bệnh, nhưng thảng hoặc, mình vẫn day dứt, liệu mình đã cố hết sức chưa, còn điều gì có thể làm tốt hơn nhưng mình đã không làm?

Mình hiểu hết những áp lực trong cuộc sống của mình và những người có hoàn cảnh hơi giống mình, như Hương, như Phương. Những áp lực như nỗi bất lực ấy cứ dai dẳng theo tụi mình. Có lẽ chính nó khiến tụi mình hiểu chuyện, mạnh mẽ và kiên trì hơn. Nhưng cũng khiến tụi mình kiệt sức, hoang mang và thỉnh thoảng cảm thấy cuộc sống rất bất công.

6. Mình nhớ chị Ngọc từng viết là chị ấy mong rằng khi các con lớn lên, nếu có lạc lối sẽ nghĩ đến những ấm áp nhỏ bé thường ngày của gia đình để dừng lại và quay về.

Lúc đó mình thấy ganh tỵ với những đứa trẻ được lớn lên trong sung túc và tình yêu thương như vậy lắm. Giờ thì mình hiểu, ba mẹ mình dẫu hiếm hoi, nhưng cũng dành tình thương cho mình theo cách mà ba mẹ nghĩ là tốt nhất.

Tuổi thơ đi theo, thậm chí ám ảnh con người ta nhiều hơn ta nghĩ.

Mình nhớ lúc mình học cấp 3, vì mình ngất xỉu quá nhiều nên ba mẹ cũng cố gắng hằng tuần đưa đón mình về thăm nhà, dù trời mưa, dù đường tối mịt và đầy ổ gà. Mình nhớ ba thường đi làm lúc 1-2h sáng, và lúc rạng sáng sẽ về nhà cùng mấy gói xôi thịt. Mình nhớ có lần ba đi Đà Lạt về mua cho mình 1 cái túi làm bằng hạt trai giả haha màu hồng pha trắng, sến dã man, mình không dùng, cũng không nỡ bỏ. Lúc mình học lớp 11, mình là học sinh giỏi duy nhất của lớp, thành tích đó phải nói là rất oai, vì học sinh quê mình khi lên cấp 3, đạt học sinh khá thôi đã là hiếm. Ba thưởng cho mình một con gấu bông rất to màu xanh da trời. Ba mẹ ra tiệm tạp hóa cô Thơm nhờ cô ấy lấy mối từ người quen chứ nếu không biết đường mà tự đi mua thì sẽ rất đắt. Nhà mình rất xập xệ, mưa là dột gần hết nhà, vậy mà con gấu 300k đó vẫn ngồi chễm chệ một góc. Hồi 2018, bão đánh bay nửa căn nhà mình mà thằng em mình vẫn cố giặt phơi con gấu đó suốt mấy ngày.

Đấy, gia đình vẫn an ủi và yêu thương mình, chỉ là không như cách mình muốn thôi.

Mình biết mình vẫn nặng nề tình cảm gia đình là khi mình càng cố đi xa, càng bị buộc lại, càng cố không liên quan, càng dính dáng.

Một ngày nọ, có lẽ đã là chuyện của 6 hay 7 năm về trước, lần đầu tiên mình video call với ba, nhìn thấy những nếp nhăn trải dài trên khuôn mặt ba sau khoảng 3 năm không gặp, mình mới hiểu thời gian tàn nhẫn đến thế nào.

Dạo này, mình thấy việc mẹ dùng app/filter hay đòi uống collagen cũng không đến nỗi buồn cười nữa, tuổi già khó chấp nhận lắm.

Cất bước nửa đời, thấy thời thiên niên vẫn ở đây, trong từng suy nghĩ và hành động của mình.

1 bình luận về “Cất bước nửa đời, quay đầu lại vẫn là thiếu niên

Bình luận đã đóng.