Khả năng phục hồi, sức bật (Resilience) là thứ mà bạn có thể rèn luyện cho bản thân và con cái của mình. Luôn có cách để bạn trở nên kiên cường hơn, nếu thực sự muốn thì bạn hãy thử áp dụng những cách dưới đây nhé! Còn nếu không áp dụng thì thôi, đọc cho biết cũng tốt.
Các nhà tâm lý học định nghĩa khả năng phục hồi là quá trình thích nghi tốt khi đối mặt với nghịch cảnh, chấn thương, bi kịch, các mối đe dọa hoặc tình trạng căng thẳng đáng kể – chẳng hạn như các vấn đề về gia đình, mối quan hệ, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc các tác nhân gây căng thẳng về tài chính và nơi làm việc. Khả năng phục hồi (Resilience) liên quan đến việc thích nghi và “hồi phục” sau những trải nghiệm khó khăn này.
Bản thân tôi là người có khả năng phục hồi rất tốt sau những trải nghiệm đau thương xảy đến trong đời. Tôi viết bài này khi đã đi qua nhiều biến cố. Tất nhiên, thời điểm đó, tôi chưa biết đến các phương pháp xây dựng khả năng phục hồi mà chỉ hành động bản năng. Và bây giờ khi viết bài, hệ thống lại những điều tôi đã làm thì tôi cũng thấy là cách bên dưới đúng và hiệu quả với tôi.
1. Sắp xếp lại suy nghĩ
Suy nghĩ thì tràn lan và vô lối. Hãy nhìn vào các tình huống tiêu cực một cách thực tế, không đổ lỗi và không trách móc, chì chiết những điều không thể thay đổi. Thay vì xem nghịch cảnh là điều không thể vượt qua, hãy bình tĩnh, viết ra giấy tất cả những điều bạn nghĩ về nó. Sau đó, phân loại nó thành: những điều có thể thay đổi và không thể thay đổi.
2. Tập trung vào những điều tích cực
Tập trung vào những điều có thể thay đổi và bắt tay vào việc thay đổi nó.
Tập suy nghĩ về những thách thức theo cách tích cực hơn, đầy hy vọng hơn. Bằng cách này, bạn không còn bị mắc kẹt trong một vòng lặp của những cảm xúc tiêu cực. Vì thực tế, mỗi sự kiến xảy đến đều là cơ hội để bạn học hỏi, thử thách bản thân và phát triển các kỹ năng mới.
3. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nói về những khó khăn mà bạn đang phải đương đầu không khiến chúng biến mất, nhưng chia sẻ với người bạn tin cậy có thể giúp bạn xây dựng khả năng phục hồi (Resilience).
Thảo luận vấn đề với người khác là cách để bạn có cái nhìn sâu sắc nảy sinh các ý tưởng mới giúp bạn quản lý tốt hơn những thách thức mà bạn đang đối mặt.
Kể cả khi không gặp các biến cố, trong các hoạt động thường ngày, bạn cũng nên chia sẻ cảm xúc, đồng cảm, hợp tác, giúp đỡ người khác và bày tỏ lòng biết ơn.
4. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát
Khi đối mặt với khủng hoảng hoặc vấn đề, bạn dễ bị choáng ngợp bởi những thứ mà bạn cảm thấy vượt quá tầm kiểm soát của tôi. Thay vì ước có một cách nào đó bạn có thể quay ngược thời gian hoặc thay đổi mọi thứ, hãy chỉ tập trung vào những thứ mà bạn có thể tác động trực tiếp.
Trong mọi tình huống, hãy tập trung thực hiện các hành động thực tế có thể giúp cải thiện tình hình. Bất kể những bước này nhỏ đến mức nào, chúng đều có thể cải thiện cảm giác kiểm soát và khả năng phục hồi (Resilience) của bạn.
5. Kiểm soát stress
Xây dựng kỹ năng quản lý căng thẳng là một cách hiệu quả để tăng khả năng phục hồi của bạn. Những thói quen này có thể bao gồm những hành động giúp ích cho sức khỏe nói chung như ngủ đủ giấc và tập thể dục, cũng như những hành động cụ thể mà bạn có thể thực hiện trong những thời điểm căng thẳng như:
• Tái thiết lập nhận thức
• Bài tập thở
• Giao tiếp hiệu quả
• Giãn cơ
6. Học cách “tha thứ” cho bản thân và người khác
Cho dù bản thân, bạn bè, người thân yêu và đồng nghiệp của bạn tuyệt vời đến đâu, sẽ có lúc bạn thất vọng về chính mình hoặc người khác. Bạn có quyền lựa chọn: Tha thứ cho nhau hoặc đau đáu ôm nỗi đau trong lòng. Tha thứ làm giảm gánh nặng cho nỗi đau của bạn, giúp giải phóng bộ não của bạn để sau đó, bạn sẽ tập trung vào những điều khiến cuộc sống của bạn có ý nghĩa.
Buông bỏ và hướng đến những điều tốt đẹp là bài học không hề dễ dàng. Hãy bắt đầu học nó từ những điều nhỏ nhất.
7. Tìm đến những nguồn truyền cảm hứng
Đây là nguồn động lực và cảm hứng bất tận để bạn vượt qua những khó khăn. Có thể ở đó không có phương pháp, nhưng bạn sẽ tìm thấy sức mạnh và đồng cảm để tự mình vực dậy.
- Sách
Quyển “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau”, “Dấu chân trên cát”, “Kho đựng nỗi buồn”,… đã vớt mình lên.
- Phim
Kho tàng phim ảnh đồ sộ của thế giới sẽ giúp bạn. Tôi xem rất nhiều phim, nhưng để chọn vài cái tên thì là Reply 1988, Prison Playbook, Hospital Playlist, Hear Me, Little Forest,…
- Hình xăm
Tôi không khuyến khích ai xăm cả, đây chỉ là lựa chọn cá nhân. Và với tôi thì có 2 hình xăm trên cánh tay đã là động lực rất lớn để tôi đi tiếp. Tôi biết ơn nó.
Đọc thêm chuỗi bài viết #Resilience:
Cách để trở nên kiên cường hơn
Bài viết có tham khảo thông tin từ: https://www.everydayhealth.com/wellness/resilience/
https://www.verywellmind.com/what-is-resilience-2795059
https://www.apa.org/topics/resilience