khám phá du lịch Na Hang Tuyên Quang

Khám phá Na Hang, Tuyên Quang: mật ngọt cho khách đường xa

Chuyến du lịch khám phá Na Hang, Tuyên Quang vừa rồi là một trong những chuyến đi mình yêu thích nhất từ đầu hành trình #brownonthego đến giờ. Tuyên Quang không nổi tiếng như Hồ Ba Bể, Bắc Kạn, không phải lựa chọn hàng đầu của những người mê xê dịch như Hà Giang, vẻ đẹp của Tuyên Quang vẫn còn hoang sơ, xanh ngắt và xinh đẹp đến choáng ngợp.

Đường về Na Hang, Tuyên Quang uốn lượn

Thị trấn Na Hang cách Hà Nội hơn 280km, trung bình mất khoảng 6 giờ di chuyển. Đoạn đường Hà Nội – thành phố Tuyên Quang rất dễ đi, trong khi đó, chặng tiếp theo từ thành phố Tuyên Quang về Na Hang chủ yếu là đường đèo quanh co. Nếu đi xe máy, bạn nhất định phải đi xe số và có tay lái vững. Bạn có thể ngủ lại ở thị trấn, tuy nhiên, mình khuyến khích bạn chạy thêm 30km nữa về xã Thượng Lâm. Nơi này là làng du lịch cộng đồng có khoảng 10 homestay, gần ngay Bến Thủy, thuận tiện cho việc đi thuyền quanh Hồ Na Hang, ngoài ra khung cảnh bản làng ở Thượng Lâm rất yên bình, xinh đẹp.

Đặt phòng ở thành phố Tuyên Quang với giá ưu đãi tại đây.

Hành trình của mình hơi lắc léo. Mình xuất phát từ Long Cốc, Phú Thọ, sau đó chạy đến đền Hùng ở thành phố Việt Trì đón bạn. Hai đứa đi bộ dạo quanh đền Hùng thỏa thê rồi mới thong dong chạy về Na Hang, lúc đó đã 3 giờ chiều. Vì cả hai đều là tay lái quen lượn đèo nên chạy rất thong thả. Đến 7 giờ tối, còn cách homestay đến 80km đường đèo mà tụi mình vẫn ngồi ăn uống tỉnh rụi. 9 giờ đặt chân đến homestay trong sự ngỡ ngàng của chủ nhà. Tụi mình ở homestay Hoàng Tuấn tận cuối bản – một homestay rất đẹp, sạch sẽ, gọn gàng. Cô chú nấu ăn siêu ngon. Giá cả hợp lý, 100k/người/đêm và mỗi bữa ăn 2 người là 150k. Điều mình thích nhất ở cụm homestay xã Thượng Lâm là tất cả đều đặt tên nhà bằng tiếng Việt, nghe rất gần gũi, thân thuộc.

homestay Na Hang Tuyên Quang
Homestay Hoàng Tuấn ở cuối bản

Xuôi dòng sông Gâm, ngắm Hồ Na Hang và 99 ngọn núi

Hồ Na Hang nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, thuộc địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Hồ Na Hang trong tiếng Tày nghĩa là ruộng cuối – nơi cư ngụ của dân tộc Tày. Người Tày thường định cư trong các thung lũng, nơi gần những con sông, suối hoặc có nguồn nước sạch từ trên núi đổ về để tiện sinh hoạt. Họ tập trung thành từng làng bản, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và nương rẫy.

Để du ngoạn Na Hang, bạn sẽ cần thuê thuyền ở Bến Thủy (hoặc thuê luôn tại homestay bạn ở). Tour dạo quanh hồ cơ bản tầm 3 tiếng có giá 800k/thuyền, những tour đi xuôi sông sang Hà Giang hoặc Bắc Kạn thì 6-8 tiếng, chi phí sẽ cao hơn.

thác Khuổi Nhi, Na Hang, Tuyên Quang
Thác Khuổi Nhi có màn cá rỉa chân rất nhột

Na Hang còn nguyên vẹn nét hoang sơ. Bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh xen kẽ giữa núi non trùng điệp, bên nước hồ trong xanh. Ẩn sâu trong lòng núi quanh hồ là các hang động, thác nước như thác Khuổi Súng, Khuổi Nhi, Nậm Mê,… Tùy sở thích mà bạn có thể thỏa thuận và đề nghị thuyền cập vào những điểm yêu thích.

Ngoài Na Hang, bạn có thể ghé chơi đảo Pu Hoành hoặc hỏi thăm các chủ homestay để biết thêm nhiều điểm đến hấp dẫn nha.

Trước khi đến bến Thủy, bạn nhớ nhìn sang bên tay phải sẽ thấy một khung cảnh rất hoang sơ, ngoạn mục. Tụi mình mê quá nên phi xe xuống đây, đường hơi khó đi nhưng thành quả thì vô cùng tuyệt vời luôn. Mình cứ xuýt xoa mãi.

khám phá du lịch Na Hang Tuyên Quang
khám phá du lịch Na Hang Tuyên Quang

Dạo quanh bản làng Thượng Lâm yên bình

Người Tày ở Thượng Lâm cũng như người Tày ở Lâm Thượng, họ thích ở nhà sàn mái cọ. Nhà sàn của người Tày thường có ba gian, hai chái. Sàn nhà làm bằng tre và giữa nhà có bếp lửa làm bằng khuôn gỗ hình vuông, đắp đất nện.

Bao quanh bản làng là ruộng lúa, rừng cọ xanh bát ngát. Bạn nên đạp xe hoặc dạo bộ quanh bản để cảm nhận nét đẹp bình dị, không khí trong lành, ngửi mùi lúa chín, nghe tiếng chim hót. Thích lắm luôn. Người dân ở Thượng Lâm rất niềm nở, chân tình. Dù du lịch đã phát triển hơn trước, họ vẫn giữ được nét hiền lành, thật thà. Ở đây còn có một ngôi chùa thuộc di tích quốc gia, bạn có thể ghé thăm và trò chuyện với bà La – người trông giữ chùa để nghe câu chuyện về nguồn gốc của ngôi chùa đặc biệt này.

xã Thượng Lâm, Na Hang, Tuyên Quang
Khám phá Na Hang, Tuyên Quang nào. Bạn đồng hành của mình hài hước quá.

Vượt đường xa đến Bản Bung hoang sơ

Bản Bung thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung. Tìm đường trên google map để đến đây là không thấy luôn á. Bạn đồng hành của mình chỉ vì ngó thấy một tấm biển “Bản Bung cách 7km” mà hôm sau quyết tâm mò đến dù đường xa mù mịt, phải vừa đi vừa hỏi thăm người dân. Đường đến Bản Bung lúc đó còn khá xấu, nhưng đang được thi công rồi, nếu bây giờ mọi người ghé thì đã có đường bê tông vào tận bản rồi đấy.

kinh nghiệm du lịch Na Hang Tuyên Quang

Đổi lại con đường dốc cheo leo đó thì bạn sẽ được trải nghiệm “tắm rừng” vì bốn phía đều là rừng nguyên sinh cực kỳ đẹp. Cảm giác đắm mình trong rừng cây bao la rất là tuyệt ấy.

Khu bảo tồn Tát Kẻ – Bản Bung có diện tích 41.930 ha, bao gồm diện tích bảo vệ nghiêm ngặt 27.520 ha. Diện tích bảo tồn nghiêm ngặt được tách thành hai phân khu. Phân khu Tát Kẻ ở phía bắc có diện tích 12. 500 ha; phân khu Bản Bung ở phía nam có diện tích 15.020 ha. 

Thảm thực vật chủ đạo là kiểu rừng xanh đất thấp trên núi đá vôi, bao gồm rừng hỗn giao các loài cây lá kim và cây lá rộng. Rừng trên các chỏm dông chính có những cây cao 23 đến 25 m, còn trên những sườn núi khuất gió, có những cây cao 35 đến 40m.

Thông tin này là mình search được trên báo: Khoảng 50 năm trước, một số hộ người Tày đã về Bản Bung lập bản. Sau này bản có thêm những hộ người Dao ở rải rác trong vùng tập trung về đây chung sống. Hiện nay, Bản Bung có 49 hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Hiện nay, bản đã có sóng điện thoại, người dân sinh sống vẫn còn thưa thớt. Dọc đường vào bản, bạn cũng sẽ được mọi người thăm hỏi vì thấy lạ quá ấy mà.

khám phá Tát Kẻ Bản Bung
Ảnh gốc tối thui nhưng tâm hồn mình sáng nên mình đăng luôn

Thăm mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào

Vì đã hụt chuyến Tuyên Quang 2 lần rồi nên lần này mình phải đi luôn những điểm muốn đi dù có ngược đường. Tụi mình đánh một vòng để thăm mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào – những di tích lịch sử nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

“Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”

Đình Hồng Thái nằm ở thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Năm 1919, đình Hồng Thái có tên là đình Làng Cả hay đình Kim Trận, được dựng hoàn toàn bằng gỗ, theo lối nhà sàn truyền thống, mái lợp lá cọ, gồm 3 gian 2 chái. Cũng như những ngôi đình khác của Việt Nam, đình Hồng Thái là nơi thờ Thành Hoàng làng, thần Sông, thần Núi, các vị thần xung quanh vùng. Ngoài ra, đình còn thờ Ngọc Dung công chúa.

Cây đa Tân Trào, nằm ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, được coi là một biểu tượng cách mạng. Cây đa chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ tiền cách mạng tháng Tám năm 1945.

Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng làm lễ xuất quân, lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.

Hai điểm này gần nhau, nếu còn dư thời gian bạn sẽ có thể tham quan thêm rất nhiều di tích khác.

Tóm lại là: Nếu thích rừng xanh mướt mát, thích thiên nhiên hùng vĩ, thích du lịch theo kiểu gần gũi với con người và núi non, bạn nhớ làm một chuyến khám phá Na Hang Tuyên Quang nhé. Bảo đảm sẽ yêu!

kinh nghiệm du lịch Na Hang Tuyên Quang
Mê cái cảnh này quá
kinh nghiệm du lịch Na Hang Tuyên Quang
Rất là yêu Tuyên Quang
Thấy thảo nguyên xanh mướt là phải tọt lên liền
review đi Na Hang, Tuyên Quang
Kết bài tịnh tâm, chúc mọi người đi chơi vui vẻ <3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *