Phố người Hoa ở Sài Gòn rất nổi tiếng, các hội quán người Hoa ở Hội An cũng được quan tâm nhiều, nhưng phố người Hoa ở Huế lại ít người biết đến. Khu phố cổ này là một nét khám phá cũ-kỹ-mới-mẻ trong chuyến đi Huế 15 ngày vừa rồi của mình.
Bài viết này mình sẽ giới thiệu bộ ảnh của em Trần Quang Thành chụp những hội quán người Hoa ở Cố đô vào một sáng trong veo.
Thời tiết Huế tháng 3 rất đẹp, mình thức dậy từ 6 rưỡi, vì 7 giờ sáng có hẹn với Thành đi ăn bún bò Mệ Kéo và dạo phố Chi Lăng. Thành lớn lên ở Gia Lai và ra Huế học Du lịch đã 4 năm. Mình quen Thành vì em là thành viên của nhóm Journeys in Hue – một nhóm nhân vật mà mình hẹn phỏng vấn trong thời gian chơi ở Huế.
Thành sành Huế nên đi với em rất thích. Thành kể đủ thứ về di sản, lịch sử, đồ ăn uống, nếp sống của người Huế. Cả buổi sáng hôm đó, Thành vừa chụp vừa giới thiệu về những khu phố ở Huế. Thành phố mình yêu nhất Việt Nam có 3 khu phố: phố Tây, phố Ta và phố Tàu.
Phố Tây nằm ở cụm đường Võ Thị Sáu – Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão. Đây là khu sầm uất nhất của Huế về đêm và lần nào ra Huế mình cũng ở đây. Phố Ta là khu phố cổ Bao Vinh, bây giờ nổi tiếng với quán café Mắt Biếc – nơi quay bộ phim cùng tên. Còn phố Tàu ít người biết hơn dù là nơi ghi dấu những gì ấn tượng nhất mà người Hoa để lại.
Khu phố cổ này nằm ở phía Đông Nam Kinh thành Huế. Từ chợ Đông Ba chạy thêm một chút về hướng cầu Gia Hội là đến đường Chi Lăng – con đường hình thành từ đầu thế kỷ XIX, cùng lúc với việc xây dựng kinh thành Huế dưới thời vua Gia Long. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của khu phố Gia Hội – Chợ Dinh và khu phố Hoa kiều, đường Chi Lăng trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Kinh thành.
Theo dòng lịch sử, vào khoảng thế kỷ XVII, các đoàn người Minh hương đến làm ăn và sinh sống ở nước ta. Họ là những người Hoa không thần phục nhà Thanh, vẫn đau đáu về triều đại cũ, phải đi bôn ba tứ xứ. Với tài làm ăn và buôn bán của mình, người Minh hương đóng góp rất lớn cho nền kinh tế mỗi nơi họ đi qua. Trong đó có triều đại 9 chúa 13 vua – triều Nguyễn của Việt Nam.
Các hội quán, chùa đến từ các bang Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam,… vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Dẫu cho người Hoa ở đây đã không còn nhiều, nét văn hóa sinh hoạt cũng đã hòa vào nhịp sống của người Việt thì sự có mặt của những hội quán này đã giúp cho Huế đa dạng, phong phú hơn về văn hóa, tín ngưỡng và là minh chứng cho một thời kỳ thương nghiệp huy hoàng của Cố đô.
Sáng hôm đó, chúng mình đi vào từng hội quán để trò chuyện với những cô chú đang sinh sống và gìn giữ Hội quán. Từ đầu đường Chi Lăng, chúng mình lần lượt đến Chiêu Ứng Từ, Hội quán Quảng Đông, Chùa Bà Thiên Hậu, Hội quán Triều Châu và cuối cùng là Hội quán Phúc Kiến.
Giờ thì cùng lướt xuống xem bộ ảnh phố người Hoa ở Huế của Thành nhé. Nếu bạn cũng muốn có những chuyến khám phá Huế sâu sắc, thú vị, khác biệt như thế này thì có thể liên hệ Thành dẫn đi, bảo đảm có nhiều câu chuyện hay và ảnh xinh mang về.
Chiêu Ứng Từ
Hội quán Quảng Đông
Vừa đi khám phá, mình vừa nghe Thành giải thích về các nét kiến trúc đặc trưng ở từng Hội quán, về nguồn gốc của việc thờ cúng Bà Thiên Hậu, thờ Quan công,… Những kiến thức thú vị vừa nghe vừa mê dù hông nhớ được hết (xin lỗi em Thành tour guide, cố tình quên để lần sau ra Huế còn gọi em dẫn đi tiếp).
Chùa Bà Thiên Hậu
Bên trong Chùa Bà Thiên Hậu, một gia đình nhiều thế hệ đang sinh sống. Họ trông coi, quét dọn Chùa Bà. Vào các dịp lễ Tết, các đoàn người Hoa vẫn đến dâng hương, thăm cúng.
Hội quán Triều Châu
Đến Hội quán Triều Châu, chúng mình tiếp tục vào bên trong gặp gỡ gia đình đang trông giữ hội quán. Cuộc trò chuyện trở nên gay cấn khi mình được biết những người gốc Hoa vẫn thường ghé đây xin xăm. Nghe tới xin xăm là mắt mình sáng rỡ luôn, liền xin ngay một quẻ.
Này thì “thầy ơi cho con một quẻ xem bói đầu năm” và hối hận không kịp khi nhận ngay một quẻ xăm Hạ Hạ. Đọc bài giải xăm thì năm nay “tiền tài không có, gia đình không an, kiện tụng thì thua, hôn nhân tan vỡ”. Dù mình chưa có hôn nhân nhưng mà đọc xăm xong vẫn hoang mang như thể đang có vậy haha
Tuy xăm xấu nhưng vẫn xin nhận những thông điệp tốt thôi ạ.
Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến thì chúng mình không vào bên trong khám phá được vì người giữ chìa khóa cổng đang ở đâu đó hông biết.
Chúc bạn có hành trình ý nghĩa và hạnh phúc nhé! ♥️