phân loại khả năng phục hồi

Phân loại khả năng phục hồi (Resilience) & cách trở nên kiên cường hơn

Tất cả chúng ta đều có khả năng phục hồi, sức bật. Nhưng chúng ta cần nhận biết và phát triển các kỹ năng để thúc đẩy khả năng đó. Một số nghiên cứu cho thấy khả năng phục hồi (Resilience) của con người khi đối mặt với nghịch cảnh là khá phổ biến. Một báo cáo chỉ ra, trong 50-60 % dân số Hoa Kỳ tiếp xúc với các sự kiện đau buồn, chỉ 5-10% trong số đó mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Các nhà tâm lý học định nghĩa khả năng phục hồi là quá trình thích nghi tốt khi đối mặt với nghịch cảnh, chấn thương, bi kịch, các mối đe dọa hoặc tình trạng căng thẳng đáng kể – chẳng hạn như các vấn đề về gia đình, mối quan hệ, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc các tác nhân gây căng thẳng về tài chính và nơi làm việc. Khả năng phục hồi (Resilience) liên quan đến việc thích nghi và “hồi phục” sau những trải nghiệm khó khăn này.

Chuyên gia về khả năng phục hồi và sức khỏe Amit Sood, MD của Mayo Clinic đã phân loại và giải thích 4 khả năng phục hồi cơ bản: Tâm lý, Cảm xúc, Thể chất và Cộng đồng.

cách xây dựng khả năng phục hồi
Ảnh: Revista

Khả năng phục hồi tâm lý là gì?

Khả năng phục hồi tâm lý đề cập đến khả năng tinh thần chịu đựng hoặc thích ứng với những điều không chắc chắn (tạm bợ), thử thách và nghịch cảnh. Nó còn được gọi là “sự mạnh mẽ về tinh thần”.

Những người có khả năng phục hồi tâm lý thường lập kế hoạch, chiến lược đối phó với khủng hoảng để bình tĩnh bước tiếp mà không bị ảnh hưởng tiêu cực lâu dài.

Khả năng phục hồi cảm xúc là gì?

Có nhiều mức độ khác nhau về mức độ một người đối phó tình cảm với căng thẳng và nghịch cảnh. Một số người, về bản chất, ít nhiều nhạy cảm với sự thay đổi. Cách một người phản ứng với một tình huống có thể kích hoạt một loạt cảm xúc.

khả năng phục hồi sau bi kịch
Ảnh: heartmindproject

Những người kiên cường về mặt cảm xúc hiểu họ đang cảm thấy gì và tại sao. Họ tận dụng sự lạc quan thực tế, ngay cả khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng và chủ động trong việc sử dụng cả nguồn lực bên trong và bên ngoài. Nhờ đó, họ có thể kiểm soát các tác nhân gây căng thẳng cũng như cảm xúc của mình một cách lành mạnh, tích cực.

Khả năng phục hồi thể chất là gì?

Khôi phục thể chất đề cập đến khả năng cơ thể thích ứng với những thách thức, duy trì sức chịu đựng và sức mạnh, đồng thời phục hồi nhanh chóng và hiệu quả. Đó là khả năng hoạt động và phục hồi của một người khi đối mặt với bệnh tật, tai nạn hoặc các nhu cầu thể chất khác.

Nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2016 trên  The Journal of Gerontology cho thấy phục hồi thể chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình trở lại khi mọi người gặp vấn đề y tế hoặc các tác nhân gây căng thẳng về thể chất.

cách tăng khả năng phục hồi
Ảnh: Vecteezy

Việc lựa chọn lối sống lành mạnh, xây dựng kết nối với thế giới bên trong lẫn bên ngoài, dành thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi, hít thở sâu và tham gia vào các hoạt động thú vị đều góp phần xây dựng khả năng phục hồi thể chất.

Khả năng phục hồi cộng đồng là gì?

Khả năng phục hồi cộng đồng là khả năng các nhóm người ứng phó và phục hồi sau các tình huống bất lợi như thiên tai, bạo lực, khó khăn kinh tế và các thách thức khác đối với cộng đồng của họ.

Các ví dụ thực tế về khả năng phục hồi của cộng đồng là Thành phố New York sau vụ khủng bố 11/9; Newtown, Connecticut sau vụ xả súng ở Trường Tiểu học Sandy Hook; New Orleans sau cơn bão Katrina; và các cộng đồng Gilroy, California, El Paso, Texas, Dayton, Ohio sau các vụ xả súng hàng loạt.

Gần đây nhất, có thể thấy khả năng phục hồi (Resilience) của Hoa Kỳ khi vật lộn với đại dịch COVID-19, lần đầu tiên họ phải đối mặt với tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng chưa từng có trong lịch sử.

Xây dựng khả năng phục hồi

Học cách kiên cường không có nghĩa là bạn phải “cười toe toét và chịu đựng” hay chỉ đơn giản là “vượt qua nó”. Khả năng phục hồi cũng không có nghĩa là tránh những trở ngại hay chống lại sự thay đổi.

Xây dựng khả năng phục hồi là một quá trình mà mọi người sử dụng sự linh hoạt để sắp xếp lại các suy nghĩ và học các phương pháp tiếp cận dựa trên thế mạnh của mình để vượt qua các trở ngại.

cách trở nên kiên cường hơn
Ảnh: Dribble

Làm thế nào để xây dựng và trau dồi khả năng phục hồi?

Xây dựng khả năng phục hồi là một quá trình. Sau đây là các bước có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi theo thời gian:

  • Phát triển nhận thức về bản thân

Hiểu cách bạn thường phản ứng với căng thẳng và nghịch cảnh là bước đầu tiên để học các chiến lược thích nghi và phục hồi. Tự nhận thức cũng bao gồm hiểu điểm mạnh của bạn và biết điểm yếu của bạn. Ai cũng cảm thấy tự tin hơn khi xác định và phát triển đúng thế mạnh của mình.

  • Xây dựng kỹ năng tự điều chỉnh

Duy trì sự tập trung khi đối mặt với căng thẳng và nghịch cảnh là điều quan trọng và khó thực hiện. Hãy bắt đầu bằng việc rèn luyện các kỹ thuật giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thở, chánh niệm để dần dà điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của mình.

  • Học kỹ năng đối phó

Có rất nhiều kỹ năng đối phó có thể giúp bạn trong những tình huống căng thẳng và thử thách, đó là viết nhật ký, sắp xếp lại suy nghĩ, tập thể dục, hoạt động ngoài trời, trò chuyện, cải thiện chất lượng giấc ngủ,…

khái niệm Resilience
Ảnh: Pinterest
  • Xây dựng tinh thần lạc quan

Những người lạc quan có xu hướng phục hồi tốt hơn. Để xây dựng tinh thần lạc quan, hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm khi đối mặt với thử thách và xác định các bước giải quyết vấn đề tích cực trong tầm tay bạn.

  • Tăng cường kết nối

Kết nối với thế giới bên trong và bên ngoài có thể đóng một vai trò quan trọng trong khả năng phục hồi. Hãy tăng cường kết nối trong các mối quan hệ hiện có của bạn và tìm cơ hội xây dựng các kết nối mới.

Đọc thêm chuỗi bài viết #Resilience:

Hiểu về Resilience

Phân loại Resilence

Cách để trở nên kiên cường hơn

Bài viết có tham khảo thông tin từ: https://www.everydayhealth.com/wellness/resilience/
https://www.verywellmind.com/what-is-resilience-2795059
https://www.apa.org/topics/resilience

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *