Khái niệm Resilience – khả năng phục hồi không mới nhưng cũng hơi mới 😉 Nhân một cuộc nói chuyện với bạn bè, tôi muốn viết rõ hơn về đề tài thú vị và bổ ích này, hy vọng bài viết có ích cho mọi người. Thông tin trong bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn, tôi sẽ để nguồn ở cuối bài nhé.
Để #hiểu thì phải #biết, Resilience (sức bật/khả năng phục hồi) là gì?
Các nhà tâm lý học định nghĩa khả năng phục hồi là quá trình thích nghi tốt khi đối mặt với nghịch cảnh, chấn thương, bi kịch, các mối đe dọa hoặc tình trạng căng thẳng đáng kể – chẳng hạn như các vấn đề về gia đình, mối quan hệ, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc các tác nhân gây căng thẳng về tài chính và nơi làm việc. Khả năng này liên quan đến việc thích nghi và “hồi phục” sau những trải nghiệm khó khăn.
Cuộc sống này đương nhiên không phải lúc nào cũng như ý bạn, luôn có những đoạn quanh co, khúc khuỷu. Đó có thể là thử thách hằng ngày như những trận cãi vã, tan vỡ trong một mối quan hệ hay những sự kiện đau thương có tác động lâu dài hơn như sự ra đi của người thân, tai nạn, căn bệnh nghiêm trọng, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên, mất việc làm, ly hôn,… Mỗi thay đổi ảnh hưởng đến mọi người theo các cách khác nhau. Và mỗi người cũng có cách phản ứng, thích nghi khác nhau.
Mặc dù những sự kiện bất lợi này, giống như những cơn biển động, chắc chắn là đau đớn và khó khăn, nhưng không có nghĩa là nó có thể quyết định cuộc đời bạn.
Khả năng phục hồi không chỉ giúp bạn vượt qua hoàn cảnh khó khăn mà còn tiếp thêm sức mạnh cho bạn trưởng thành và cải thiện cuộc sống của bạn.
Khả năng phục hồi KHÔNG PHẢI là gì?
- Người kiên cường không có nghĩa là một người sẽ không gặp khó khăn hay đau khổ. Những người từng trải qua nghịch cảnh hoặc sự kiện đau thương lớn trong cuộc sống đều có thể đau đớn, căng thẳng. Con đường đến với sự kiên cường thông thường sẽ liên quan đến cảm xúc đau khổ đáng kể trong quá khứ.
- Mặc dù một số yếu tố nhất định có thể khiến một số cá nhân trở nên kiên cường hơn những người khác, nhưng khả năng phục hồi không nhất thiết phải là một đặc điểm tính cách bẩm sinh. Ngược lại, khả năng phục hồi liên quan đến các hành vi, suy nghĩ và hành động mà bất kỳ ai cũng có thể học hỏi và phát triển.
- Khả năng phục hồi là bình thường, không phải là phi thường.
Một ví dụ là sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhiều người Mỹ đã nỗ lực xây dựng lại cuộc sống của mình. - Giống như quá trình tập luyện cơ bắp, việc tăng sức bật của bạn cần có thời gian và sự cố gắng. Quá trình này tập trung vào 4 thành phần cốt lõi: sự kết nối, sức khỏe, suy nghĩ tích cực và ý nghĩa sống.
Cách xây dựng khả năng phục hồi
Tại sao sức bật lại quan trọng?
Sức bật mang đến cho con người sức mạnh tinh thần để đương đầu với chấn thương, nghịch cảnh và khó khăn.
Những người có sức bật kém dễ cảm thấy quá tải hoặc bất lực, sau đó họ chọn các cách đối phó tạm thời và không lành mạnh (chẳng hạn như tránh né, cô lập và sử dụng chất kích thích). Một nghiên cứu cho thấy những người từng cố gắng tự tử có điểm số trên thang đo Resilience thấp hơn đáng kể so với những người chưa từng cố gắng tự tử.
Những người kiên cường vẫn trải qua căng thẳng, thất bại và các thể loại cảm xúc khó khăn, nhưng họ khai thác điểm mạnh của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ để vượt qua các vấn đề. Khả năng phục hồi cho phép họ chấp nhận và thích ứng với một tình huống và tiến lên phía trước.
6 đặc điểm của những người có khả năng phục hồi tốt
- Giữ quan điểm tích cực về bản thân và khả năng của chính mình
- Có khả năng lập kế hoạch thực tế và thực hiện chúng
- Có khả năng kiểm soát bản thân
- Là một người giao tiếp tốt (có thể với chính mình hoặc với người khác)
- Xem mình là “chiến binh” hơn là nạn nhân
- Có trí tuệ cảm xúc cao và quản lý cảm xúc hiệu quả
Đọc thêm chuỗi bài viết #Resilience:
Cách để trở nên kiên cường hơn
Bài viết có tham khảo thông tin từ: https://www.everydayhealth.com/wellness/resilience/
https://www.verywellmind.com/what-is-resilience-2795059
https://www.apa.org/topics/resilience