leo nui o Lam Thuong, Yen Bai

Trekking lên Tông Lăm, Yên Bái: trong cái khó ló cái vui

Trekking lên Tông Lăm (Lục Yên, Yên Bái), nằm giữa thảo nguyên xanh mướt, ngửa mặt nhìn trời

Hôm nay là ngày thứ 4 của hành trình #brownonthego, tôi đang ngồi ở “ban công”, vừa ngắm ruộng vườn và những bông hoa hồng đỏ rực dưới nắng chiều, vừa gõ những dòng kể lại chuyện trekking hôm qua, tức là ngày thứ 3 của hành trình.

Lần đầu trekking & trở thành người lạ đầu tiên được lên Tông Lăm

Rất vô tình, Xới Farmstay (Lục Yên, Yên Bái) trở thành điểm đến đầu tiên của tôi trong chuyến đi mùa đông năm nay. Bản làng Tông Pắng và cả những bản khác của xã Lâm Thượng chủ yếu là người Tày, và một ít người Dao, người Thái. Tôi ở đây, sinh hoạt cùng gia đình chị Xới, ăn cùng, uống cùng và thỉnh thoảng được đưa đi chơi đó đây. Thông thường, tôi đi bộ, đạp xe hoặc đi xe máy, hiếm khi trekking vì thể lực kém, lại thêm bệnh thoát vị đĩa đệm.

Chuyện bắt đầu vào buổi tối, chị Xới bảo “Sáng mai, bố và em trai chị lên rừng, em có muốn đi cùng không?” Bố chị Xới chêm vào: “Tông Lăm nằm giữa Yên Bái và Hà Giang, trên đấy là thảo nguyên xanh bao la, bát ngát, đẹp vô cùng”.

Thế là, tôi gật đầu ngay.

Đến lúc xuất phát mới biết bố và em trai chị Xới sẽ đi cung khác để thăm đồi, còn tôi sẽ đi cùng chị Xới và 3 anh chị khác. Đứng giữa 4 người bản địa thường xuyên băng đồi vượt suối, tôi lạc lõng với quần kaki, giày sneaker trắng và một đôi chân chưa hề có kinh nghiệm trekking. Điểm chung duy nhất là chúng tôi có cùng 1 điểm đến: Tông Lăm

trekking Yen Bai

Đường lên Tông Lăm

Gọi là Tông Lăm là vì trong tiếng Tày “tông” là “đồng”, “lăm” là “diều hâu”. Tông Lăm là cánh đồng cỏ bạt ngàn, rộng lớn và (hình như) trước kia có nhiều diều hâu.

Chúng tôi xuất phát lúc 9 giờ sáng, chạy xe máy từ Xới Farmstay chừng 15 phút là đến chân núi, để xe máy luôn ở đây, không ai trông nhưng… bao không mất nha. Tôi đùa (mà là sự thật) rằng “nhờ em mà đoàn mình đi chậm hẳn”. Nếu đi với tốc độ đi rừng của dân bản địa thì chậm nhất 1 tiếng rưỡi sẽ đến Tông Lăm, còn đi với tốc độ của tôi thì 3 tiếng tới. Nhưng, dù sao đi nữa thì tôi cũng là người lạ đầu tiên được băng rừng lên Tông Lăm nên các anh chị vừa nhẫn nại chờ đợi, vừa nâng đỡ hết sức.

trekking Yen Bai

Đường lên Tông Lăm được các anh chuyên dẫn khách đi trekking đánh giá là “hard trekking” vì nhiều đoạn dốc khá đứng, ngoằn nghèo, đường đi nhỏ hẹp, đá trơn trượt.

Bù lại, chúng tôi được đứng giữa rừng, hít thở thứ không khí trong lành nhất, được uống thứ nước suối trong veo chảy từ thượng nguồn, được ăn các thức rau quả mà thiên nhiên ban tặng và được thưởng ngoạn nét đẹp dịu dàng của thảo nguyên xanh.

trekking Luc Yen, Yen Bai

Dân bản làm gì ở Tông Lăm

Tông Lăm chưa có dấu chân của khách du lịch. Đây là nơi người bản địa hái lượm, trồng trọt và thu hoạch đủ thứ món ngon từ rừng. Khi đi rừng, mọi người đều cầm theo một con dao rất sắc để chặt/cắt nào là măng mai, tre, mây, lá dong, chuối, rau dớn và nhiều món mà tôi chẳng nhớ tên, nhưng ăn thử thì thấy ngon ngon vui vui.

Dân bản thường lên đây trồng măng mai, một loại măng mới nổi lên vài năm gần đây nhưng đã đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương. Ở Lâm Thượng, mỗi năm người dân bán được 2 tấn măng khô, để có được số măng này, họ phải thu hoạch được 8 tấn măng tươi và đem phơi từ 1-2 tháng.

Dân bản cũng trồng cọ. Nhà sàn của người Tày dùng lá cọ làm mái. Một nhà sàn 5 gian dùng khoảng 6000-7000 lá cọ, phơi khô và lợp mái. Giá mỗi lá cọ là 3 nghìn đồng. Mái cọ thường sử dụng được tầm 15 năm.

Ngoài ra, dân bản còn thu lượm nhiều món mà thiên nhiên ban tặng như mâm xôi, lá dong, con sâu trong thân măng tre, rau rừng,… Cứ phải đi cùng dân bản mới thấy rừng rộng rãi và thương con người chúng mình biết bao nhiêu.

Thảo nguyên Tông Lăm bao la

Sau quãng đường dài nhiều thử thách, tôi nghe tiếng chị Xới reo vang khi nhìn thấy thảo nguyên xanh mướt ngay trước mắt. Cánh đồng cỏ mênh mông, tôi cảm thấy mình có thể đi mãi đi mãi mà không thể đi hết cánh đồng này, vừa đi vừa bất giác nhoẻn miệng cười vì thứ hạnh phúc của con người nhỏ bé được đứng giữa thiên nhiên rộng lớn.

trekking Lam Thuong

Dân bản thả trâu lên trên này, vài ngày họ mới lên ngó một lần. Trâu không đứng yên nên lạc mất trâu cũng là chuyện đau lòng thường tình. Mỗi lần như thế họ sẽ đi tìm vài ngày, có khi lâu hơn. Như mẹ chị Xới kể, nhiều năm trước, cô thả trâu lên đấy, thả 9 con thì bị mất 3 con. Cô đi tìm suốt 9 ngày thì thấy 3 con trâu chết giữa một lưng đồi. Cô buồn quá nên từ đó chẳng lên Tông Lăm nữa.

leo nui o Lam Thuong, Yen Bai

Trâu ở đây hiền lành đến mức, thấy người thì đứng dòm, vừa nghe chúng tôi hú hai tiếng thì cả bầy trâu mấy chục con chạy đến vây quanh rồi… tiếp tục dòm.

leo nui o Lam Thuong, Yen Bai

Ăn uống giữa rừng

Giữa thảo nguyên có mấy cái lán của người dân lên đây chăn nuôi dựng lên sống tạm. Chúng tôi mon men đến tìm xem có nồi niêu xoong chảo gì để chế biến bữa ăn không thì chẳng có gì. Thế là dự định ăn mì tôm xem như tiêu tùng. Sáng nay, các anh chị có mang theo xôi nên chắc chỉ có ăn xôi lót dạ.

Tới đoạn này, tôi phải phục độ sáng tạo của các anh chị sát đất, không dám nói mình làm việc trong ngành sáng tạo luôn ấy.

Một người anh đi chặt vài cái ống tre làm “nồi”, nước thì lấy từ suối, nhặt vài que củi đốt lửa. Thế là có ngay nồi nước sôi. Người chị 40 tuổi có tốc độ leo núi băng rừng không kém bất kỳ người đàn ông nào còn “gây sốc” hơn. Chị dùng dao khoét giữa thân chuối làm “máng”, chặt nhánh cây làm “đũa”. Vậy là bữa ăn mì tôm nóng hổi giữa núi rừng thành hiện thực. Các anh chị cứ bảo “lên rừng, chỉ cần thấy suối là yên tâm, có đồ ăn, rừng thì biết bao là món ngon”. Mà ngon thật, cũng có thể do đi mệt, có thể do vui quá nên tôi ăn gì thấy cũng ngon.

leo nui o Lam Thuong, Yen Bai

Ăn uống no nê, chúng tôi ngắm nghía Tông Lăm thêm một chút rồi lên đường trở về. Dốc lên thẳng đứng thì dốc xuống cũng không thể nào dễ dàng được. Tôi liên tục tiếp đất bằng mông haha. Về đến nơi được các anh chị khen là “lần đầu trekking mà đi được thế là giỏi rồi đấy” làm có động lực trekking tiếp ghê.

leo nui o Lam Thuong, Yen Bai
#Nâu_note:

Tông Lăm xinh đẹp lắm nên nếu mọi người có muốn trải nghiệm thì đến xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, Yên Bái và nhờ người bản địa dẫn lên nhé. Hoặc đơn giản hơn, cứ ghé Xới Farmstay hoặc Jack Ecoledge là được ăn ngon, chơi vui không cần nghĩ ngợi.

trekking Yen Bai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *