2023 là một hành trình đi trong sương mù. Tôi chối bỏ việc nhìn lại những tháng ngày không vui, chỉ muốn xóa trắng để bắt đầu lại. Tôi muốn lên đỉnh núi, thế mà khi cheo veo trên đó, tôi thấy mình vẫn rơi xuống và thất bại.
Chuyến đi Hà Giang là một điển hình, cho tôi trở lại, đi qua nó và trầm ngâm một lần nữa.
Tôi đã đi tổng cộng 18 chuyến trong 365 ngày qua, nhẽ ra là 17 chuyến, theo kế hoạch chuyến cuối là Lạng Sơn vào giữa tháng 12, nhưng rồi lại thêm một chuyến Hà Giang vào sát những ngày cuối năm. Chuyến dài nhất tầm 12 ngày và nhiều chuyến ngắn chỉ 2 ngày cuối tuần, kịp trở về cho thứ hai đi làm.
Những chuyến đi, đó là điều duy nhất tôi muốn nhắc đến khi nhìn về 2023. Hoàn thành đi khắp 63/63 tỉnh thành Việt Nam, 2 lần xuất ngoại đến Lào và Trung. Một hành trình dài mà viết lại thì chỉ thế thôi. Tờ giấy viết mục tiêu năm cũ nằm cách bàn tay 2 mét nhưng tôi không bao giờ giở nó ra xem nữa. Sự thừa nhận và chấp nhận đôi khi thật khó khăn.
Con kiến nhỏ bé trên đường cheo veo
Hôm nay Hà Nội mưa, cơn mưa mùa đông khiến đường phố ẩm ướt và trơn trượt. Tôi chợt nghĩ, liệu cô Vân có đến trường vào những ngày thế này không, những ngày không chỉ rét đậm mà hàng chục khúc cua tay áo dẫn lên điểm trường trên núi còn khó đi hơn gấp trăm lần?
Tôi nghĩ mình không bao giờ trở lại Hà Giang, vì ký ức về chuyến đi 10 ngày vào mùa đông 2 năm trước vẫn còn rõ như in. Trong chuyến đi ấy, tôi có 4 ngày ngồi trên xe máy lang thang khắp các cung đường đèo hùng vĩ của miền viễn biên và 6 ngày cứ một mình đi bộ chậm rãi quanh bản làng. Tôi đi bộ xuyên qua Lũng Cú, đi đến tít tắp khu vực biên giới, không một bóng người. Tôi đi bộ lên đồn biên phòng ngắm hoa tớ dày bung nở, đi vào những con ngõ nhỏ, đứng từ trên cao nhìn xuống con đường quanh co, khúc khuỷu. Tôi đi loanh quanh Du Già, lượn qua những con suối và đứng nhìn người dân làm đồng, bắt cá. Hà Giang cao lớn và người H’mông ở Hà Giang cả đời khom lưng gánh cỏ, gánh ngô. Tôi không thích sự lớn lao mà buồn sầu đến bế tắc của Hà Giang.
Vậy mà, tôi đã trở lại.
Ngày đầu tiên, tôi cùng hai người bạn đi theo thầy Thảo vào các điểm trường của xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh. Đây là lần thứ ba tôi đến Yên Minh, tuy nhiên trước đây, tôi chỉ ở Du Già, đây là lần đầu tôi chạy xe vào những con đường nhỏ đến rất nhỏ của Lũng Hồ, nó dẫn chúng tôi đến hai nơi thế này: một là vắt vẻo trên đỉnh, hai là hun hút dưới thung lũng.
Người Mông thích ở trên cao. Họ dựng nhà trên những quả đồi xa xôi mà chúng tôi cứ đi mãi đi mãi, đi qua những con đường khó nhằn, đi qua hàng trăm cây gạo, đi qua những dốc đá triền miên mà vẫn chưa đến nơi. Những điểm trường không có trên bản đồ, hỏi người Mông thì họ không hiểu tiếng phổ thông, có lúc chúng tôi chỉ đi theo trực giác, băng qua những mông lung để mà gặp được các em.
Tôi mặc 4 cái áo: áo giữ nhiệt, áo len, áo hoodie, áo khoác và quấn thêm 1 khăn choàng, đeo một đôi bao tay dày mới chịu nổi cái lạnh mùa đông nơi núi rừng. Các em đi chân trần, đôi chân và đôi tay lạnh như đá, nước mũi chảy dài và đông cứng lại ngay trước môi, áo của các em mỏng, cũ và rách. Nhà các em rất xa trường, tôi không hiểu sao các em có thể vượt qua cái lạnh 6 độ mà băng rừng băng đá đến trường được, tay xách theo một hộp cơm. Đó là hộp inox được các đoàn từ thiện phát cho. Các em giở hộp ra cho chúng tôi xem, bữa trưa của các em có thể chia làm 3 kiểu: cơm nguội, mèn mén và cơm thiu.
Chúng tôi ngồi sụp xuống đất, cứ nhìn hộp cơm rồi lại nhìn các em. Tôi bỗng rất ghét bản thân những ngày ăn không hết cơm, những ngày một mình gọi 2-3 món. Tôi ghét cả mấy đứa nhỏ nhà giàu mà bố mẹ phải nài nỉ mới ăn hết nửa bát cơm. Tôi ghét hết thảy những lãng phí dư thừa và cả những thiếu thốn trên cuộc đời này.
Cô Vân nghe tin có mấy bạn ở thành phố lên chơi thì gọi cho thầy Thảo bảo phải giới thiệu các bạn lên điểm trường của cô. Điểm trường Tìa Lũng nằm cheo veo trên núi, trước đây thuộc xã Du Già, giờ thì được phân lại về xã Lũng Hồ, nhưng thuộc xã nào không quan trọng, vấn đề là điểm trường vẫn xa xôi hẻo lánh, chẳng ai biết đến mà ghé tặng các em một chiếc áo ấm nào. Lúc chúng tôi hẹn sáng hôm sau sẽ ghé trường và nấu một bữa ăn cho các em, cô Vân còn e ngại chúng tôi không thể chạy đến nơi, vì đường khó lắm đấy, cô bảo thế.
6 rưỡi sáng, chúng tôi gặp cô Vân ở chợ, cùng nhau mua ít thịt, cà chua, bánh kẹo, sữa và mì tôm đem lên cho 40 em nhỏ. Chúng tôi muốn mua nhiều thứ hơn cũng không thể vì đường khó đi, không chở được nhiều đồ. Điểm trường Tìa Lũng chỉ có lớp mầm non và lớp 1-2. Lúc chạy lên Tìa Lũng tôi nhớ đến con đường lên bản Si Thâu Chải ở Lai Châu, nó cũng dốc đứng và quanh co, xe cứ để số 1, vừa chạy lên vừa nhìn xuống sẽ thấy bên kia đường là hẻm vực hun hút và núi rừng hùng vĩ, nhưng tôi chỉ có thể nhìn một chút, không dám lơ là. Các thầy cô giáo trên vùng cao đúng là tay lái xịn hơn cả phượt thủ 1000 lần. Cô Vân chạy trước, chúng tôi theo sau.
Bữa cơm chỉ có hai món là thịt sốt cà chua và canh cải thịt bằm mà các em ăn trong sung sướng, vui cười rạng rỡ. Tôi ghét bản thân vì có thể đã gieo cho các em một hy vọng nhỏ nhoi rằng liệu những ngày mai, các em lại mong ước thêm một bữa cơm có thịt như thế không? Lúc tạm biệt các em, tôi nhìn thấy trong đôi mắt to tròn ấy một chút lấp lánh. Bạn tôi hỏi: “Mình phải làm sao để giúp tụi nhỏ đấy?”. Không có câu trả lời nào cả.
Không ai nhìn thấy nỗi buồn của ai
Chuyến Hà Giang đưa tôi ngồi lọt thỏm giữa hai người bạn lâu năm không gặp. Chúng tôi chỉ có một điểm chung: từng là sinh viên báo chí và bây giờ, chúng tôi có điểm chung thứ hai là cùng đi Hà Giang vào giai đoạn khủng hoảng hiện sinh.
Thú thật thì tôi thấy ganh tị với họ. Sao người ta có thể buồn nhiều như thế vì một chuyện ngắn ngủi và nhỏ nhoi như thế trong cuộc đời dài rộng của mình? Sao nỗi buồn của một người có thể tràn ra hết khuôn mặt, ánh mắt và cả nụ cười họ? Sao người ta được phép nói về nỗi buồn của mình một cách bất hạnh, rầu rĩ và như thể nó là chuyện lớn lao nhất thế gian?
Ừ thì, nó đáng được quan tâm thật! Nhưng bạn biết không, tôi thấy nỗi buồn của đời mình dài, rộng, miên man và thăm thẳm, nhưng tôi không làm sao nói được, cũng không làm sao so sánh với những người đang buồn kia. Vì tôi của rất nhiều năm về trước đã trải qua nỗi buồn như thế nên giờ đây, tôi biết nó nhỏ bé và chẳng mấy năm nữa, họ sẽ không còn đau đớn khi nhắc về một cuộc tình, một người yêu cũ. Nhưng họ thì làm sao hiểu được nỗi buồn và những trống rỗng, chông chênh của tôi, tôi thì lại chẳng thể nói cho hết được. Mỗi lần nói ra lại thấy mình cũ kỹ, buồn khổ, hèn mọn và yếu đuối. Tôi còn có một ước muốn xấu xa là nếu loài người này phải trải qua những chuyện đau khổ nặng nề như tôi, hẳn họ sẽ không buồn vì thất tình nữa.
Thực ra là, chẳng ai nhìn thấy nỗi buồn của người khác cả, vì ai cũng bận chết chìm trong nỗi buồn của mình rồi. Con người ta là thế và tôi cũng vậy, cứ đang trong nỗi buồn nào là chỉ biết đến duy nhất nỗi buồn của mình mà thôi.
Tôi luôn muốn mình trở thành một cái cây, vậy mà giờ đây tôi trở thành cái cây khô cằn, đầy ác ý và ít ỏi tinh thần khao khát? Tôi đang đi vào cái vũng lầy tuyệt vọng sau khi hít hà quá nhiều hy vọng mà chẳng thấy sự kỳ diệu nào trong đời sống của mình ư? Đừng nói với tôi rằng được sống đã là một điều kỳ diệu, cái lý thuyết giẻ rách đó không vớt được một người từng chết đi sống lại nhưng năm này qua năm khác, nhìn từng người thân của mình rời khỏi cõi đời được!
Mẹ tôi gọi, ông nội mất rồi. Ông Ba Đường là ba nuôi của ba tôi. Năm kia, khi ba tôi bệnh rồi mất, ông còn đòi vượt đường xa vạn dặm đi thăm. Mẹ tôi và cả tôi, không nói với nhau nhưng trong lòng đều ấp ủ Tết này cả nhà sẽ lên thăm ông. Ừ thì vẫn lên thăm ông, nhưng không phải gửi ông một phong bao lì xì nữa mà sẽ thắp cho ông một nén nhang. Chà, tôi đã đến cái tuổi cứ thi thoảng lại nghe báo tin một người mất, một người bệnh, đến chai sạn mất thôi.
Nỗi buồn khi mất người thân trong đột ngột, trong chuẩn bị, khi họ già, khi họ trẻ đều thật đau thương đến tột cùng mà dù ích kỷ đến mức nào, tôi cũng phải cầu mong không ai phải trải qua nó cả.
Mỗi lần bị từ chối là một lần cắm thêm mũi tên lên ngực
Sâu hoắm.
Tôi gặp anh Linh. Sau này, tôi sẽ giới thiệu anh Linh làm tour guide cho bất kỳ ai hỏi tôi về kinh nghiệm du lịch Hà Giang. Có lẽ vì anh ấy có nhiều từ khóa đáng chú ý với tôi: nghèo khó, bố mẹ ly hôn, thiếu vắng tình thương gia đình, nỗ lực, xuất khẩu lao động, có rồi mất, gầy dựng, lại nỗ lực.
Tóm tắt ngắn gọn về cuộc đời anh thì thế này: Lớn lên ở Quản Bạ, nghèo khổ như bao người dân vùng núi đồi khác, bố mẹ ly hôn, anh sống với mẹ, làm thuê kiếm sống. Anh đăng ký và may mắn trúng suất đi xuất khẩu lao động ở Hàn do nhà nước hỗ trợ, ngày ra sân bay anh vét sạch 600k còn lại trong túi đưa cho vợ. Anh sang Hàn cày ngày cày đêm, ăn nhiều ngủ ít, miệt mài kiếm tiền gửi về nuôi vợ con, giúp đỡ bố mẹ, có lúc anh là công dân lao động hợp pháp, có lúc không. Anh trở về, cầm theo một số vốn to to, mở trang trại, Covid, mất hết, anh vay tiền mua lại một chiếc ô tô để chạy dịch vụ và giờ làm thêm nghề tour guide ô tô lẫn xe máy, dẫn khách đi khắp Hà Giang.
Lúc anh kể về chuyện vét hết 600k trong túi đưa cho vợ, tôi nhớ ngày ba tôi đi xuất khẩu lao động. Lúc đó tôi đang ngồi ở một quán cà phê ở quận 1, ba tôi gọi bảo ba đang ở sân bay rồi, nhưng kết quả sức khỏe mới nhất bảo ba bị bệnh phổi, con có thể cho ba mượn 3 triệu để mua thuốc cầm sang bên đó không? Tôi đã khóc rất nhiều ngày hôm đó, vì cảm thấy cả thế giới đang dồn sức bắt nạt cả nhà tôi.
Lúc anh Linh hỏi sao anh nỗ lực không ngừng, anh chăm chỉ và chưa bỏ qua cơ hội kiếm tiền nào, sao anh vẫn nghèo, tôi chực chờ rơi nước mắt.
Sự kém cỏi của tôi hiện hữu như một vệt sáng, còn cuộc đời của tôi thì cứ tăm tối. Tôi dành nhiều ngày nhiều tháng ngắm nhìn sự sứt mẻ, yếu ớt đó, hạnh phúc và hy vọng tìm thấy giải pháp nhưng rồi lại sụp đổ thêm một lần, thêm một lần. Một hành trình đi hoài không tới.
Tôi bảo anh Linh chở chúng tôi đến thôn Lao Xa, Sũng Là. Anh chần chừ một chút vì anh chưa từng vào đó. Tôi nói không sao, tụi em dẫn anh đi và từ nay anh có thể nói với khách là anh biết hết chỗ ấy rồi. Chúng tôi đậu xe ở đầu thôn và tản bộ loanh quanh, không điểm đến. Anh tour guide tung tăng, yêu đời nói: “anh cám ơn các em đã bảo anh chở các em vào đây, anh thích lắm, anh rất vui vì mình đã biết thêm một điểm đến mới”. Anh lặp lại câu đó nhiều lần. Tôi thầm cám ơn anh, vì nhìn thấy một người bền bỉ nỗ lực mà vẫn vui cười trong từng khoảnh khắc nhỏ nhoi, tôi cảm động lắm.
Khi chúng tôi đến Tượng đài thanh niên, chuẩn bị đi vào Vách đá trắng, bạn tôi lên một cơn lười, hoặc có thể bạn tụt hứng chẳng muốn đi nữa. Đoàn 4 người thì 3 người bảo nhau là thôi không đi. Tôi kiên quyết, phải đi. Nếu các bạn không đi thì đợi tôi được không, tôi sẽ leo lên đó một mình, tôi đã định bảo thế. Thật may là tinh thần đồng đội đã thúc đít chúng tôi cùng nhau đi, trong hơi thở hồng hộc giữa mùa đông giá rét, trong nụ cười sưởi ấm núi rừng lạnh lẽo. Lên đến vách đá trắng, nhìn xuống Mã Pì Lèng và sông Nho Quế xanh thẳm, bạn tôi bảo “cám ơn vì mày đã kiên quyết muốn đi, tao thấy rất vui vì đã đi quãng đường này”. Tự dưng tôi thấy cuộc đời mình cũng không vô nghĩa lắm.
Giống như trong chuyến đi Lào, khi leo lên đỉnh NamXay, người yêu tôi vừa đau chân vừa mệt, chắc chỉ đợi tôi bảo thôi hay là bỏ qua điểm này, quay về nghỉ đi. Còn tôi thì cứ im ỉm, không động viên, không thúc giục, lặng lẽ leo. Đó là cách chúng tôi đi qua dốc đá và lên đến đỉnh núi.
Dù khi lên đến đỉnh rồi, tôi thấy mình vẫn thất bại.
Tôi thấy mệt nhoài khi nghe podcast của những nhân vật truyền cảm hứng và tấm gương thành công. Chúng ta nói về thất bại được không, nói về việc lên tới cheo veo rồi rơi xuống ấy?
Có ai đó can đảm rút từng mũi tên trên ngực mình và phân tích về hành trình vỡ vụn của bản thân không? Có ai đó đừng nói với tôi những câu như là “hãy nhìn những người nghèo khổ hơn mình để thấy mình thật may mắn” được không? Tôi cũng là đứa trẻ lớn lên trong những tháng ngày không có cơm ăn áo mặc mà. Có ai đó đừng khuyên tôi hãy “ra sân bay, vào bệnh viện để nhìn thấy mảnh đời giành giựt với sự sống để nỗ lực nhiều hơn” không? Tôi đã ở đó hằng tháng liền và giành giựt hoặc cùng giành giựt với sự sống rồi, chúng ta không chết nhưng sống tiếp quả thật vất vả và chật vật lắm. Tôi chán ngấy trước những lời khuyên hãy tích cực và lạc quan lên, vì có thể bạn không biết, tôi từng là tấm gương vượt khó, lạc quan đấy, nhưng ai cũng đến lúc mỏi mệt và gục ngã. Có khi nào, có những người không bao giờ phải trải qua giai đoạn ấy không nhỉ, thật là đáng ganh tị và đáng để thèm muốn. Một cuộc đời êm đềm.
Chúng ta hãy chấp nhận trong đời mình có một khoảng trống chưa thành công, chưa thể vươn tới đỉnh cao, chưa có hạnh phúc trọn vẹn. Chấp nhận một phiên bản yếu ớt, xanh xao, trắng đêm vì những giấc mơ mãi không thành hiện thực. Khó lắm, nhưng đm, không chấp nhận thì làm gì đây. Thật ra chẳng có “chúng ta” nào cả, tôi chỉ đang nói với tôi thôi, một hạt cát nhỏ chực chờ vỡ vụn, nhưng vẫn ở đây, viết dông dài 3000 chữ trong ngày giông gió.
T đọc hết đó mày, đọc bánh cuốn quá :)))
M nghĩ m thất bại, nhưng với nhiều người trong đó có t, mày đang sống một cuộc đời đáng sống đấy, ít nhất là với tinh thần rơi xuống lại lên dăm bảy lần không bỏ cuộc…..
Giữ sức khỏe m nhé!
Cám ơn bạn yêu luôn luôn đồng hành theo những cách khác nhau. Hết cơn cheo veo chơi vơi chúng mình lại leo lên và lụm lặt đâu đó những bài học lớn khôn nào.