Phim Trung tâm chăm sóc chấn thương

Phim Trung tâm chăm sóc chấn thương – Đối đầu trực diện

Rất lâu rồi mới xem một lèo hết một phim và muốn viết vài dòng. “Trung tâm chăm sóc chấn thương” là loạt phim chiếu trên Netflix thuộc thể loại hành động y khoa, nhưng với mình thì nó còn thuộc thể loại viễn tưởng nữa.

Lý do là bối cảnh, tình huống, nhân vật và cách giải quyết vấn đề trong phim thực sự không đời tí nào, phải nói là siêu thực, siêu ảo, nhưng cũng chính vì thế mà nhịp phim rất gay cấn, các nhân vật rất quyết liệt và cảm giác rất “đã”.

Tóm tắt nội dung:

Phim Trung tâm chăm sóc chấn thương dựa trên tiểu thuyết mạng Trauma Center: Golden Hour của Hansanleega và Hongbichira, lấy bối cảnh tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hankuk. Bác sĩ Baek Kang Hyuk, một bác sĩ phẫu thuật tài ba, bí ẩn, có nhiều năm làm việc ở những vùng chiến sự.

Trong bối cảnh trung tâm chấn thương vốn đã bị lãng quên và đang trên bờ vực sụp đổ do thiếu thốn tài chính, anh được Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi chọn làm trưởng khoa tạm thời. Baek Kang Hyuk lập dị, nóng nảy, không nể nang ai, không quan tâm đến lợi ích nhóm – nghe đến đây là thấy “siêu anh hùng” rồi. Anh xác định việc cải tổ hệ thống và xây dựng đội ngũ vững chuyên môn, sẵn sàng làm tất cả để cứu người là nhiệm vụ hàng đầu.

Team của anh kết nạp tân binh khoa đại trực tràng Yang Jae Won (Choo Young Woo), y tá kỳ cựu với 5 năm làm việc tại trung tâm chấn thương Cheon Jang Mi (Ha Young) và bác sĩ gây mê nội trú Park Kyeong Won (Jung Jae Kwang). Mỗi người một tính cách khác nhau tạo nên một dream team: dũng cảm, nhiệt huyết và tài năng.

Trung tâm chăm sóc chấn thương
Ju Ji Hoon trong vai anh bác sĩ điên rồ, mình thích vai này hơn vai thái tử trong Kingdom.

Vấn đề thời cuộc

Một điều mình rất thích ở K-Drama là cách đặt vấn đề trực diện, thẳng thắn và rất dễ hiểu. Ngay từ tập đầu tiên, phim đã nêu rõ thực trạng: hệ thống ứng phó chấn thương ở Hàn Quốc có thể đang không hiệu quả. Trung tâm chăm sóc chấn thương là cơ sở chuyên khoa chữa trị cho bệnh nhân cấp cứu bị thương nặng vượt ngoài khả năng điều trị của phòng cấp cứu thông thường. Thiếu thốn đội ngũ chuyên gia về chấn thương nghiêm trọng, thiếu sự đầu tư về trang thiết bị – nguyên do sâu xa là vì lợi nhuận của bệnh viện,… những điều này khiến nhiều bệnh nhân không được chữa trị kịp thời.

Sau phần đưa ra vấn đề một cách rõ ràng và thời cuộc này, phim đi vào hành trình giải quyết vấn đề đó.

Không đưa ra giải pháp mà chỉ nói lên ước mơ

8 tập phim đều rất cuốn hút với nhịp phim dồn dập và nhiều tình huống mới được mở ra, xử lý nhanh gọn và quyết đoán. Tuy nhiên, rõ ràng khó mà áp dụng những cách xử lý của phim vào đời thực. Vốn dĩ kịch bản phim đã ít thực tế, thế nên chúng ta mới hay nói “phải mà ở ngoài đời thì có mà mơ”. Bộ phim này xây dựng kịch bản dựa trên webtoon – tiểu thuyết mạng nên độ logic thật sự không cao, chuyên môn y khoa trong phim cần được xem xét lại (dù tác giả tiểu thuyết là người học y).

Nhân vật chính là người chính trực đến điên rồ, và team của anh thì đúng là những bác sĩ lý tưởng. Thật ra ngay cái tòa nhà bệnh viện Đại học Quốc gia siêu hiện đại, sạch đẹp đã là thiếu thực tế rồi =))) Hơn 20 năm đi bệnh viện chưa bao giờ được thấy bệnh viện nào xịn thế và đội ngũ y bác sĩ nào tuyệt vời như vậy. Đây chắc chắn là ước mơ của tác giả rồi. Đội chấn thương này còn dữ dội hơn bác sĩ trong Hospital Playlist nữa. Đúng là không ai đánh thuế ước mơ mà.

Trung Tâm Chăm Sóc Chấn Thương
Bác sĩ điên rồ nhưng cũng biết mánh khóe lắm, chứ không phải dạng thật thà.

Giao tiếp khéo léo đôi khi rất mất thời gian (và có cần thiết hay không?)

Điều mình thích nhất khi xem phim này là cách Baek Kang Hyuk xử lý mọi tình huống, xem mà cực kỳ thỏa mãn ấy. Thay vì cứ phải lòng vòng né tránh, nịnh bợ, chơi chiêu, Baek Kang Hyuk chiếm thế chủ động vì luôn nhìn thẳng vào vấn đề, sẵn sàng đấu tranh một cách công khai, trực tiếp dù đối phương là ai.

Tuy nhiên, để đạt đến trình độ này, Baek Kang Hyuk đã trải qua thời gian tôi luyện đủ lâu để hội tụ những điều kiện hiếm có: chuyên môn giỏi, tay nghề cao, khả năng chữa trị cho bệnh nhân trong thực tế (không chỉ là sách vở), kinh tế mạnh và sự hết lòng hết sức vì bệnh nhân – đây là kim chỉ nam để Baek Kang Hyuk hoàn thiện những điều đã đề cập trước đó. Chính những điều này khiến Baek Kang Hyuk trở nên có giá trị trong kế hoạch tranh cử của ứng viên Tổng thống, cũng là Bộ trưởng Y tế, và chính vì thế bà đã là hậu thuẫn cho anh được làm điên làm khùng.

Muốn đạt được điều gì đó, trước tiên phải tích lũy kinh nghiệm, phải xây dựng được hệ giá trị vững vàng và trở nên có giá trị thì mới có đủ tư cách để trao đổi về quyền lợi.

Người rơi vào tình huống đó, rất có thể sẽ là mình

Trong phim Trung tâm chăm sóc chấn thương, nhiều hơn một lần các bác sĩ đặt câu hỏi: “Nếu bệnh nhân là con của anh/chị thì sao?”, “Nếu hôm nay mình ngó lơ vấn đề này thì sẽ thế nào khi nó xảy ra với mình?”

Câu chuyện của vị bác sĩ Trưởng khoa Phẫu thuật đại tràng là một điển hình, tuy được “làm quá” để tăng tính gay cấn nhưng cũng là một tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Khi vị bác sĩ này không muốn ưu tiên ngân sách cho Đội chấn thương, để củng cố ngân sách và vị thế của mình, thì con gái của anh gặp tai nạn và chính Baek Kang Hyuk đã nỗ lực hết sức cứu cô con gái ấy. Kể từ đó, Trưởng khoa Phẫu thuật đại tràng hoàn toàn theo phe của Đội chấn thương, thậm chí trở thành một thành viên bất đắc dĩ.

Trước khi ngó lơ một chuyện bất bình, trước khi muốn mọi quyền lợi chỉ thuộc về mình, hãy một lần đặt bản thân vào vị trí khác, vị trí của nạn nhân, vị trí của những người phải chịu thiệt thòi và chờ đợi sự cứu giúp của người khác.

“Trung tâm chăm sóc chấn thương” là một bộ phim kém thực tế, nhưng lại chạm đến cảm xúc của mình vì những điều thực tế như thế.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *